Ủy ban Xã hội và Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong xây dựng pháp luật và giám sát

10-02-2023 14:52 | Thời sự

SKĐS - Thời gian qua, Ủy ban Xã hội và Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng, qua đó hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung khó và phức tạp, được Lãnh đạo Quốc hội đánh giá rất cao.

Sáng 10/2, tại trụ sở Bộ Y tế, Hà Nội, Thường trực Ủy ban Xã hội làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế về dự kiến chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh năm 2023 và công tác phối hợp giữa 2 cơ quan. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh và Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đồng chủ trì cuộc làm việc.

Ủy ban Xã hội và Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong xây dựng pháp luật và giám sát - Ảnh 1.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh và Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đồng chủ trì cuộc làm việc giữa Uỷ ban Xã hội của Quốc hội và Bộ Y tế Ảnh: QH

Dự buổi làm việc về phía Uỷ ban Xã hội còn có các đồng chí trong Thường trực Uỷ ban, các thành viên liên quan.

Về phía Bộ Y tế có Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên; Lãnh đạo các Cục/Vụ/Văn phòng/ Thanh tra Bộ và các đơn vị liên quan.

Uỷ ban Xã hội và Bộ Y tế: Phối hợp chặt chẽ và hiệu quả trong các mặt công tác

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, trong năm 2022, Ủy ban Xã hội và Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng, qua đó hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung khó và phức tạp, được Lãnh đạo Quốc hội đánh giá rất cao.

Cụ thể, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15 về gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, trong năm 2023, Bộ Y tế và Ủy ban Xã hội cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong các mặt công tác, nhất là trong xây dựng pháp luật và giám sát. Về xây dựng pháp luật, hai cơ quan cần tiếp tục phối hợp, nghiên cứu xây dựng các dự án Luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực y tế và dân số.

Nhấn mạnh trong năm 2023 và năm 2024, Ủy ban Xã hội và Bộ Y tế sẽ có rất nhiều việc phải phối hợp thực hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, cuộc làm việc này được tổ chức nhằm nhìn nhận, chia sẻ, góp ý thẳng thắn để việc phối hợp công tác giữa 2 cơ quan, nhất là trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức giám sát để ngày càng đạt được hiệu quả tốt hơn. 

Ủy ban Xã hội và Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong xây dựng pháp luật và giám sát - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại buổi làm việc Ảnh: QH

Bộ Y tế đang khẩn trương tiến hành các công tác để sớm hoàn thiện các dự án Luật liên quan đến ngành

Tại buổi làm việc, Bộ Y tế đã thông tin về tình hình xây dựng và dự kiến tiến độ trình các dự án luật về y tế trong Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Theo đó, báo cáo của Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trình bày cho biết, Bộ Y tế hiện đang khẩn trương tiến hành các công tác để sớm hoàn thiện các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Dân số; Luật Phòng bệnh; Luật Thiết bị y tế; Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (sửa đổi); Dự án Luật chuyển đổi giới tính; Luật an toàn thực phẩm (sửa đổi)…

Bộ Y tế đề nghị Uỷ ban sắp xếp ưu tiên trình các dự án Luật, thứ nhất, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược vào tháng 5/2024; thứ hai, Luật Dân số vào tháng 10/2024; Luật Phòng bệnh vào tháng 5/2025. Các luật khác sẽ trình khi đủ điều kiện.

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, Luật này quy định về đối tượng, mức đóng, trách nhiệm và phương thức đóng bảo hiểm y tế; thẻ bảo hiểm y tế; phạm vi quyền lợi và mức hưởng bảo hiểm y tế; tổ chức khám bệnh, chữa bệnh, cung cấp dịch vụ y tế cho người tham gia bảo hiểm y tế; giám định và kiểm soát thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; quỹ bảo hiểm y tế; quyền và trách nhiệm của các bên liên quan đến bảo hiểm y tế.

Luật sẽ hướng đến mở rộng bền vững đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; mở rộng phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với sự phát triển của nền y học; bảo đảm tính minh bạch, công khai, hiệu quả và trách nhiệm giải trình trong quản lý và điều hành bảo hiểm y tế; trách nhiệm của cơ sở cung ứng dịch vụ y tế và cơ quan bảo hiểm xã hội trong hoạt động giám định bảo hiểm y tế. Bộ Y tế đề xuất tạm thời chưa trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế vào năm 2023 và tiếp tục nghiên cứu, xây dựng trình khi đủ điều kiện.

Ủy ban Xã hội và Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong xây dựng pháp luật và giám sát - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại buổi làm việc Ảnh: QH

Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Luật vẫn giữ nguyên phạm vi điều chỉnh của Luật Dược 2016, chỉ sửa đổi, bổ sung một số quy định về giải thích thuật ngữ, đăng ký, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc, thử thuốc trên lâm sàng và quản lý chất lượng thuốc.

Luật được xây dựng nhằm cụ thể hóa các chính sách tăng cường cung ứng đủ, kịp thời thuốc có chất lượng cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của người dân; Bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời thuốc đáp ứng yêu cầu an ninh, quốc phòng, khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới; Nâng cao hiệu quả quản lý xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và thông lệ quốc tế...

Đối với Dự án Luật Dân số, Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, Luật này quy định về quy mô dân số; cơ cấu dân số; phân bố dân số; nâng cao chất lượng dân số; điều kiện bảo đảm thực hiện công tác dân số; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân về công tác dân số.

Bộ Y tế đã có Tờ trình số 760/TTr-BYT ngày 08/6/2022 trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Luật dân số. Chính phủ đã thông qua hồ sơ đề nghị xây dựng Luật vào tháng 8/2022, ra Nghị quyết số 95/NQ-CP ngày 01/8/2022 giao Bộ Y tế hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024. Ngày 18/01/2023, Bộ Y tế đã có Công văn số 305/BYT-TCDS gửi Bộ Tư pháp hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đăng ký vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội.

Cùng với đó, Dự án Luật Phòng bệnh cũng đang được chuẩn bị xây dựng nhằm đưa ra các quy định về nâng cao sức khỏe; phòng, chống bệnh truyền nhiễm; phòng, chống bệnh không lây nhiễm; sức khỏe tâm thần và quản lý sức khỏe nhân dân.

Luật sẽ được xây dựng nhằm cụ thể hóa các chính sách như: tăng cường công tác dinh dưỡng trong phòng bệnh, nâng cao sức khỏe; kiểm soát các yếu tố nguy cơ môi trường tác động đến sức khỏe; tăng cường quản lý sức khỏe toàn diện; tăng cường công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm; tăng cường công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm; tăng cường các giải pháp phòng chống rối loạn tâm thần nhằm ứng phó với những thay đổi của xã hội; chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em; sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế; an toàn và an ninh sinh học...

Ủy ban Xã hội và Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong xây dựng pháp luật và giám sát - Ảnh 4.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên báo cáo tại buổi làm việc Ảnh: QH

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án Luật, đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng

Thảo luận tại cuộc làm việc, Thường trực Uỷ ban Xã hội chia sẻ với những khó khăn và khối lượng công việc lớn của Bộ Y tế, đánh giá cao tinh thần nhiệt tình, chủ động, tích cực của Bộ trong việc phối hợp công tác với Ủy ban Xã hội trong thời gian qua.

Các đại biểu đề nghị Bộ Y tế trong triển khai công tác sắp tới cần bám sát nội dung định hướng, nhiệm vụ xây dựng pháp luật theo Nghị quyết số 48-NQ/TW và Kết luận số 83-KL/TW của Bộ Chính trị; Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.

Cùng với đó, cần ưu tiên đề xuất vào Chương trình các dự án cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là các dự án nhằm kịp thời triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các Kết luận của Bộ Chính trị về việc tổng kết thực hiện các nghị quyết về tư pháp, pháp luật…

Quan tâm đến việc sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế, các đại biểu đề nghị việc sửa đổi Luật cần đảm bảo thể hiện cụ thể hơn các quan điểm của Đại hội Đảng lần thứ XIII về an sinh xã hội và Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Các đại biểu cho rằng cần tập trung đẩy nhanh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin từ quản lý bệnh viện, giám định bảo hiểm y tế, bệnh án điện tử tới chẩn đoán, xét nghiệm, khám, chữa bệnh từ xa. Đồng thời, cần ban hành "Gói dịch vụ y tế cơ bản do bảo hiểm y tế chi trả" phù hợp với khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế và "Gói dịch vụ y tế cơ bản do Nhà nước chi trả" phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước; đồng thời huy động các nguồn lực để thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý sức khỏe người dân.

Ủy ban Xã hội và Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong xây dựng pháp luật và giám sát - Ảnh 5.

Toàn cảnh buổi làm việc Ảnh: QH

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị cần có cơ chế giá dịch vụ và cơ chế đồng chi trả phù hợp nhằm khuyến khích người dân khám, chữa bệnh ở tuyến dưới và các cơ sở y tế ở tuyến trên tập trung cung cấp các dịch vụ mà tuyến dưới chưa bảo đảm được. Đa dạng các gói bảo hiểm y tế. Tăng cường liên kết, hợp tác giữa bảo hiểm y tế xã hội với bảo hiểm y tế thương mại. Nâng cao năng lực, chất lượng giám định bảo hiểm y tế bảo đảm khách quan, minh bạch...

Kết luận nội dung cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao những ý kiến trách nhiệm của các đại biểu đối với các nội dung cụ thể trong việc xây dựng hoàn thiện pháp luật, tiến hành giám sát cũng như tăng cường phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa hai cơ quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Bộ Y tế tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án Luật, đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng, tích cực lấy ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các đối tượng chịu tác động để đảm bảo các dự án Luật đạt chất lượng cao.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trân trọng cảm ơn đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, các đồng chí trong Thường trực Uỷ ban đã đóng gọp nhiều ý kiến cho công tác xây dựng pháp luật, pháp lệnh năm 2023 và công tác phối hợp giữa 2 cơ quan… 

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng mong muốn Ủy ban Xã hội và các cơ quan của Quốc hội tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ trong toàn bộ quá trình soạn thảo, cử cán bộ tham gia và cho ý kiến ngay từ giai đoạn đầu đối với đề xuất và hồ sơ xây dựng các dự án Luật thuộc lĩnh vực y tế; phối hợp trong đánh giá tác động chính sách khi phát sinh chính sách mới trong quá trình soạn thảo, thẩm tra các dự án Luật…

Bộ Y tế: COVID-19 là bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH từ ngày 1/4/2023Bộ Y tế: COVID-19 là bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH từ ngày 1/4/2023

SKĐS - Theo Thông tư 02 do Bộ Y tế vừa ban hành, Bộ Y tế đã bổ sung COVID-19 vào danh sách các bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH. Thông tư này có hiệu lực từ 1/4/2023. Như vậy COVID-19 trở thành bệnh nghề nghiệp thứ 35.

Thái Bình
Ý kiến của bạn