Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, sau 15 năm triển khai thi hành, Luật BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống với 93,3 triệu người tương ứng 93,35% dân số tham gia, khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp của chính sách BHYT theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro, là cơ chế bảo đảm nguồn tài chính cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh đã được nêu rõ trong Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Luật về các nội dung: đối tượng tham gia BHYT; phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT; đa dạng hóa các gói BHYT và quy định liên kết với BHYT thương mại; đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, thông tuyến, chuyển tuyến; hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT; giám định BHYT; quản lý, sử dụng quỹ BHYT…
Đại diện cơ quan soạn thảo nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT là cần thiết để giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh có tính cấp bách; bảo đảm thống nhất với Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 và các luật, quy định có liên quan để kịp thời có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Thảo luận tại phiên họp, nhiều đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, các nội dung chính sách trong đề nghị xây dựng Luật cơ bản phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp.
Quan tâm đến vấn đề xác định phạm vi, thẩm quyền trách nhiệm trong lĩnh vực BHYT, ĐBQH Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đề nghị sửa đổi theo hướng, đội ngũ y tế có trách nhiệm đánh giá, chỉ định điều trị, BHYT có trách nhiệm kiểm soát chi.
Theo đại biểu, đánh giá, kiểm soát, chỉ định điều trị là quá trình thường xuyên xảy ra trong quá trình khám, chữa bệnh, từ khi kê đơn, lựa chọn phác đồ điều trị. Sau đó đến khâu kiểm soát chi thì thể hiện rõ vai trò của BHYT nên việc quy định hợp lý vấn đề này sẽ giải quyết được một trong những vấn đề khúc mắc nhất đối với Luật hiện tại.
Phát biểu tại phiên họp, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan – Đoàn ĐBQH TPHCM bày tỏ đồng tình cao với mục đích sửa đổi Luật, tuy nhiên, đại biểu nhận định, những sửa đổi về nội dung, điều khoản cụ thể trong dự thảo chưa đảm bảo thực hiện được các mục đích đã đề ra.
Đại biểu cho rằng cần, nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nữa để sửa đổi một cách có thực chất, đi đến cùng các vấn đề cốt lõi, tháo gỡ được những bất cập về mức đóng, mức hưởng BHYT, cân đối quỹ, khám chữa bệnh ban đầu, cơ chế dịch vụ thanh toán BHYT, bảo vệ tốt hơn nữa quyền lợi của người tham gia BHYT.
Ngoài ra, các các ý kiến phát biểu cũng đề cập tới một số nội dung như: đối tượng tham gia BHYT; mức đóng và trách nhiệm đóng BHYT; phương thức đóng BHYT; phạm vi hưởng của người tham gia BHYT; mức hưởng của người tham gia BHYT; chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT; thanh, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT…