Theo đó, Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhất trí về sự cần thiết của việc ban hành Luật và thấy rằng, dự án Luật đã thể chế hóa được quan điểm, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đảm bảo chính sách dân tộc và đã được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định.
Chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh (Điều 4)
Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với quy định về các chính sách, tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW, đặc biệt là các nội dung về giá dịch vụ y tế, về xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, về đào tạo và đãi ngộ cán bộ y tế và cần bảo đảm các chính sách nêu tại Điều này được thể hiện cụ thể tại các điều khoản trong Luật để có tính khả thi.
Thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy phép hành nghề
Tại Tờ trình, Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án về thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy phép hành nghề cùng với các ưu, nhược điểm.
Ủy ban Xã hội thấy rằng, theo phương án 1, Hội đồng Y khoa quốc gia cấp, thu hồi Giấy phép hành nghề như quy định tại khoản 1 Điều 26, tức là thực hiện chức năng như các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong khi chưa rõ địa vị pháp lý của tổ chức này cũng như chưa quy định rõ cách thức tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là chưa phù hợp.
Ủy ban Xã hội tán thành với phương án 2, theo đó, Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của người đề nghị cấp Giấy phép hành nghề và các cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Sở Y tế) căn cứ kết quả kiểm tra đánh giá cũng như các điều kiện khác để cấp phép hành nghề vì cho rằng quy định như vậy là phù hợp, đảm bảo tính khả thi trong bối cảnh hiện nay.
Quy định chức danh nghề nghiệp phải có giấy phép hành nghề (Điều 18)
Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo quy định rõ vai trò, chức năng, phạm vi hành nghề của 9 chức danh phải có Giấy phép hành nghề; tiếp tục rà soát để không bỏ sót các chức danh tham gia trực tiếp hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cần được cấp Giấy phép hành nghề.
Ủy ban xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tổng kết việc thực hiện quy định liên quan đến y sĩ, đánh giá rõ vị trí, vai trò, hoạt động và sự phù hợp của chức danh này trong hệ thống y tế để có quy định phù hợp.
Đa số ý kiến trong trong Ủy ban cho rằng, cần tiếp tục cấp Giấy phép hành nghề đối với chức danh y sĩ ở các khu vực (chứ không chỉ đối với y sĩ thuộc lực lượng vũ trang), đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế có định hướng và tiến hành đồng thời các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo đối với lực lượng y sĩ để đáp ứng nguồn nhân lực y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân tại tuyến cơ sở.
Kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh
Đa số ý kiến trong Ủy ban thống nhất về sự cần thiết của việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề và thực hiện theo lộ trình đối với từng chức danh phải có Giấy phép hành nghề, song đề nghị bổ sung lộ trình kiểm tra đánh giá năng lực đối với chức danh y sĩ thuộc lực lượng vũ trang và cấp cứu viên ngoại viện; làm rõ căn cứ xác định thời điểm tiến hành chính thức tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cách thức tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ngay trong dự thảo Luật.
Thời hạn của giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (Điều 27)
Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí quy định Giấy phép hành nghề có thời hạn 5 năm và đề nghị quy định thời hạn Giấy phép hành nghề đối với chức danh lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền cho phù hợp với điều kiện hành nghề của các đối tượng này.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng không cần quy định thời hạn của Giấy phép hành nghề mà chỉ cần sửa đổi các quy định hiện hành về cập nhật kiến thức chuyên môn liên tục để đảm bảo yêu cầu và nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.
Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo quy định cụ thể, rõ ràng hơn nữa về thực hành hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (Điều 22), về cập nhật kiến thức y khoa liên tục (Điều 23) tại dự thảo Luật để đảm bảo việc áp dụng quy định này được thống nhất; bổ sung quy định về thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với người hành nghề không thuộc đối tượng phải áp dụng yêu cầu về cập nhật kiến thức y khoa liên tục khi gia hạn Giấy phép hành nghề.
Xã hội hóa công tác khám bệnh, chữa bệnh (Điều 90)
Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu để quy định cụ thể hơn về tài chính y tế, đặc biệt là về cơ chế xã hội hóa nhằm khắc phục những bất cập hiện nay trong quản lý bệnh viện và tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (Điều 91)
Ủy ban Xã hội thấy rằng, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, liên quan đến lĩnh vực an sinh xã hội, do vậy, thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vẫn cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá. Nhiều ý kiến trong Ủy ban thống nhất với quy định cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Giá nhưng cần bổ sung quy định nguyên tắc xây dựng giá dịch vụ y tế khối tư nhân. Tuy nhiên, một số ý kiến khác trong Ủy ban thấy rằng, cần quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân để đảm bảo quyền của người bệnh.
Bên cạnh đó, Ủy ban đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí cấu thành, đảm bảo tính phù hợp, toàn diện và khả thi theo tinh thần của Nghị quyết 20-NQ/TW và Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp 10.