Ngày 22/5, tại Phiên họp toàn thể lần thứ Ba của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Ủy ban Văn hóa Giáo dục đã có báo cáo về việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với môn Lịch sử bậc THPT.
Cụ thể, sau thời gian lấy ý kiến, đa số các ý kiến không đồng tình đối với việc đưa môn Lịch sử bậc THPT thành môn lựa chọn với một số lý do:
Đầu tiên, Lịch sử là môn học đặc biệt quan trọng, giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng đối với thế hệ trẻ; giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống văn hóa, lịch sử; bồi dưỡng năng lực tư duy, hành động, thái độ ứng xử đúng đắn trong đời sống xã hội; từ đó hình thành những phẩm chất của công dân Việt Nam, công dân toàn cầu trong xu thế phát triển của thời đại.
Thứ hai, xét về tâm sinh lý lứa tuổi, học sinh trung học phổ thông (từ 15 - 17 tuổi) có sự trưởng thành về nhận thức, khả năng tiếp nhận tốt hơn về lịch sử đất nước và lịch sử cách mạng Việt Nam.
Nếu học sinh không lựa chọn môn lịch sử ở cấp trung học phổ thông (số lượng có thể lên tới 50% học sinh), các em sẽ không được tiếp cận với những kiến thức rất quan trọng, có ý nghĩa giáo dục đối với lứa tuổi này.
Thứ ba, ở nhiều nước trên thế giới, môn lịch sử trong chương trình trung học phổ thông luôn là môn học bắt buộc...
Vì vậy, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp thu và quy định môn học Lịch sử bậc THPT trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT) là môn học bắt buộc. Đề nghị Bộ GD&ĐT tăng cường công tác tuyên truyền về chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói chung, chương trình môn lịch sử nói riêng; để tăng thêm sự đồng thuận, ủng hộ của xã hội trong việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018; đồng thời truyền cảm hứng cho học sinh yêu thích môn lịch sử.
Tại phiên họp, ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, trước khi xây dựng báo cáo đưa ra tại phiên họp này, Ủy ban đã có nhiều cuộc họp, tọa đàm với các chuyên gia, nhà giáo, thành viên xây dựng chương trình, thẩm định chương trình...
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng: Ủy ban cũng đánh giá Bộ GD&ĐT rất nghiêm túc trong vấn đề này. "Chúng tôi đối chiếu chương trình môn Lịch sử mới với chương trình 2006 thì có nhiều tiến bộ, chúng tôi không băn khoăn gì về chuyên môn. Tuy nhiên, quá trình tiếp thu ý kiến của cử tri và các chuyên gia thì người ta chỉ băn khoăn là nếu học sinh ở cấp THPT không chọn môn Lịch sử thì các em đó sẽ không học thêm khối kiến thức lịch sử nào nữa".
Ông Vinh đề nghị, nếu chuyển thành môn học bắt buộc thì không có nghĩa sẽ bắt buộc mọi học sinh học tất cả nội dung chương trình đang xây dựng theo hướng lựa chọn, phân hóa hiện nay. Nhưng những phần nâng cao, những chuyên đề thậm chí đưa nội dung từng dạy ở bậc đại học xuống THPT thì không nhất thiết phải cho tất cả học sinh học...