Tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương sơ kết công tác bảo đảm ATGT quý I/2023 diễn ra chiều 6/4, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, trong quý I/2023 (tính từ ngày 15/12/2022 - 14/3/2023), toàn quốc xảy ra hơn 2.300 vụ TNGT, làm chết hơn 1.400 người, bị thương gần 1.600 người. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ giảm 428 vụ, giảm 258 người chết và giảm 148 người bị thương.
Phân tích nguyên nhân TNGT đường bộ cho thấy, có gần 15% là do người điều khiển phương tiện đi sai làn đường, phần đường; gần 8% do chuyển hướng không chú ý; 72% do vi phạm tốc độ; 0,18% do sử dụng ma túy, chất gây nghiện; hơn 32% các nguyên nhân khác và 34% chưa xác định được nguyên nhân.
Thống kê cho thấy, có 42 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2022, trong đó 14 địa phương giảm hơn 40% số người chết gồm: Đà Nẵng, Đắk Nông, Long An, Cà Mau, Thừa Thiên - Huế, Cần Thơ, Thái Nguyên, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Tiền Giang, Điện Biên, Lào Cai, Bắc Giang, Lai Châu.
Bên cạnh đó, TNGT tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM cũng được kéo giảm sâu so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, vẫn còn 16 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2022, trong đó 11 tỉnh tăng hơn 20% là: Thái Bình, Hà Tĩnh, An Giang, Hà Giang, Tây Ninh, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Kon Tum, Lạng Sơn và Sơn La.
Cũng theo ông Khuất Việt Hùng, quý I/2023, TNGT vẫn diễn biến phức tạp, còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Điển hình tại Quảng Nam xảy ra 4 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm 19 người chết, 25 người bị thương, trong đó vụ tai nạn ở huyện Núi Thành làm 10 người chết; tại Nghệ An xảy ra 1 vụ làm 3 người chết và 1 người bị thương... Gần đây nhất là vụ TNGT tại Hà Nội làm 18 người bị thương và vụ máy bay trực thăng gặp nạn trên biển ở Quảng Ninh vào chiều 5/4.
Ngoài ra, tình trạng xe ô tô tải không thực hiện nghiêm quy định về xếp hàng hoá lên phương tiện, khiến cho hàng hoá bị rơi xuống đường, gây mất ATGT chưa được xử lý triệt để. Tình trạng ùn tắc giao thông có xu hướng gia tăng.
Nguyên nhân là do hiệu lực thực thi pháp luật về ATGT ở một số địa phương còn hạn chế; sự phối hợp giữa các cơ quan, lực lượng có nơi, có lúc chưa chặt chẽ, nhất là trong kiểm tra, xử lý các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ, đường thủy nội địa.
"Ý thức chấp hành các quy định pháp luật về ATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém. Cấp uỷ, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương còn thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, có nơi ỷ lại hoàn toàn vào lực lượng chức năng", Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia nói thêm.