1. Sử dụng mỹ phẩm trị nám da
Sử dụng mỹ phẩm như kem trị nám da thì cần phụ thuộc mức độ nám da để sử dụng kem mức độ nhẹ hay mạnh cho phù hợp:
- Nhóm nhẹ: Tranexamic acid (500-700md/ngày), thời gian sử dụng tối đa 6 tháng. Ngoài ra cần sử dụng kem hỗ trợ như glutathione, serum C...
- Nhóm vừa: HQ 2% (hydroquinone), kojic acid 2%, retinoids dạng bôi; dùng mỗi ngày, có thể sử dụng khoảng 4 tháng.
- Nhóm mạnh vừa: HQ 4%, dùng mỗi ngày trong thời gian sử dụng cho phép là 3 tháng. Kem bôi azelaic acid 20%, dùng mỗi ngày, khoảng thời gian sử dụng cho phép là 6 tháng.
- Nhóm mạnh: Bộ ba phối hợp gồm fluocenolon acetonic 0.01%, HQ 4%, tretinoin 0.05%. Khoảng thời gian điều trị cho phép tối đa là 12 tuần.
Ưu điểm của kem bôi trị nám da: Các loại kem trị nám tác động ở bên ngoài da, có tác dụng làm mờ vết nám da nhanh chóng. Hơn nữa có thể dễ dàng thực hiện tại nhà và có nhiều sản phẩm với nhiều mức giá thành, phù hợp với nhiều người.
- Nhược điểm: Các sản phẩm kem bôi trị nám được bán ở rất nhiều cửa hàng và các nền tảng điện tử mà chưa được kiểm soát chặt chẽ. Do đó các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, có chứa chứa hóa chất độc hại rất dễ dàng trà trộn. Hơn nữa, nhiều người với mong muốn nhanh chóng xóa sạch các vết nám nên dễ dàng lạm dụng mỹ phẩm trị nám. Từ đó dẫn đến tình trạng nám nặng hơn kéo theo kích ứng da.
Trường hợp mua phải kem kém chất lượng, không đảm bảo thành phần đúng và đủ sẽ dễ khiến bào mòn da và tình trạng nám da khó điều trị hơn. Càng các loại kem có tác dụng nhanh thì lại càng có tính chất tẩy da mạnh, dẫn đến da dễ bị bào mỏng, dễ bắt nắng và đen sạm hơn. Nám cũng có thể nhanh chóng quay trở lại nếu ngưng sử dụng.
Lưu ý: Nên sử dụng kem trị nám da đúng theo hướng dẫn của chuyên viên chăm sóc da hoặc bác sĩ da liễu. Ngoài ra, còn phải thực hiện bước chống nắng đầy để quá trình điều trị nám được hiệu quả.
2. Phương pháp tẩy lột trị nám da (peel da)
Tẩy lột trị nám hay còn gọi là peel da, là phương pháp sử dụng các hợp chất hóa học tự nhiên tác động lên bề mặt da, nhằm thúc đẩy quá trình thay da và tái tạo da mới, từ đó giải quyết các vấn đề lão hóa da, nám da.
Peel da có 3 mức độ là mức độ nông, mức độ trung bình và mức độ sâu. Trong điều trị nám, thường sử dụng mức độ trung bình và sâu:
- Mức độ trung bình: Giúp các hoạt chất đi vào sâu trong lớp biểu bì và đẩy các tế bào da chết ra ngoài, giúp da hình thành một lớp tế bào mới trắng mịn hơn. Mức độ trung bình giúp giải quyết được một phần của vết sẹo nhẹ, nám nhẹ…
- Mức độ sâu: Giúp đưa các chất acid đi sâu vào tầng hạ bì của da. Lúc này sẽ diễn ra đồng thời quá trình đào thải tế bào da chết và tái tạo tế bào da mới. Phương pháp này giúp khắc phục các vấn đề nặng như nám, tàn nhang và hỗ trợ giảm nếp nhăn, lỗ chân lông to... Nhưng bước này không nên thực hiện tại nhà mà nên thực hiện tại phòng khám của bác sĩ chuyên khoa da liễu.
Ưu điểm của phương pháp tẩy lột da: Các hóa chất được sử dụng trong phương pháp tẩy lột da là: Alpha hydroxy acid, salicylic acid, acid glycolic, tricloacetic acid, retinol... ở nồng độ cao, đã được kiểm duyệt an toàn cho da.
Khi sử dụng các hóa chất này ở nồng độ cao sẽ giúp da bong đi các lớp tế bào chết, lớp da có khuyết điểm như nám, tàn nhang. Sau đó giúp tạo làn da mới mịn màng, sáng trắng hơn trước. Phương pháp này có hiệu quả khá nhanh, tiết kiệm chi phí hơn so với các phương pháp khác.
Nhược điểm: Nếu lạm dụng phương pháp tẩy lột có thể dẫn đến mất sắc tố da như keratin. Keratin là sắc tố để phân biệt được là làn da của người châu Á hay người châu Âu. Khi lạm dụng sẽ khiến làn da không đều màu, chẳng hạn màu da mặt sẽ khác với màu da của vùng khác trên cơ thể. Thậm chí ngay cả trên vùng da được peel cũng sẽ không đều màu.
Sau khi peel da nếu không được chăm sóc, che chắn kỹ thì da dễ bị tổn thương, mỏng đi, dễ kích ưng hơn sau khi lột tẩy và dẫn đến tăng sắc tố.
3. Phương pháp bóc tách trị nám da
Là phương pháp kết hợp các sản phẩm dưỡng da không thành phần bảo quản, không ảnh hưởng xấu đưa vào trong da, nhằm kích thích da sản sinh tế bào mới. Sau khi tế bào mới được sinh ra thì tế bào sừng được đào thải một cách tự nhiên. Từ đó giúp da trắng hồng, mịn màng hơn, giữ lại hoàn toàn sắc tố trên bề mặt da.
Phương pháp này sẽ kích thích tế bào da thay đúng chu kỳ, đào thải các tế bào sừng, tế bào chết, các sắc tố mắc kẹt…. giúp da dễ thẩm thấu các dưỡng chất hơn.
- Ưu điểm: Đây là giải pháp khá an toàn giúp điều trị tình trạng nám da hiệu quả lâu dài với liệu trình ngắn.
- Nhược điểm: Đây là phương pháp có giá thành cao và đòi hỏi người thực hiện phải được đào tạo bài bản, có kiến thức vững chắc, có kinh nghiệm. Các dụng cụ sử dụng trong quá trình bóc tác phải được khử trùng đúng quy trình, phòng thực hiện cũng phải vô khuẩn để tránh nhiễm trùng da khi thực hiện.
4. Phương pháp xâm lấn trị nám da
Các phương pháp xâm lấn trị nám da như vi kim, phi kim… sẽ gây ra các kích thước tổn thương nông khác nhau trên da. Sau đó tế bào gốc sẽ được cấy sâu xuống da thông qua vi kim tinh thể sẽ giúp phục hồi da đang tăng sắc tố, đồng thời làm đồng đều da. Khi các tổn thương nông lành lại, bề mặt da sẽ bị bóc tách đồng thời loại bỏ các mảng nám da, tàn nhang và trả lại làn da đều màu, sáng mịn.
- Ưu điểm: Phương pháp xâm lấn sẽ tạo ra những tổn thương nhỏ trên bề mặt da, kích thích da sản sinh collagen đồng thời kích hoạt khả năng tự phục cho da. Từ đó, sẽ khắc phục các vấn đề của da. Tùy vào tình trạng gặp phải trên da mà người tiến hành điều trị sẽ đưa ra phương pháp xâm lấn ít hay nhiều.
- Nhược điểm: Khi trị nám bằng phương pháp xâm lấn thường lấy đi lớp sừng, lớp sáng, lớp hạt và còn chừa lại lớp gai trên da rất đẹp, nhưng lớp gai này không có khả năng bảo vệ da. Vì vậy, cần dùng đến các màng bảo vệ da có thành phần là corticoid. Đây là thành phần kháng viêm để bảo vệ da, nhưng lại có tác dụng phụ là gây da teo da, mất đi cấu trúc. Nếu sử dụng không khéo và các bước chăm sóc da sau đó không đầy đủ dễ dẫn đến tình trạng nám quay trở lại sẽ không có khả năng điều trị.
5. Phương pháp laser
Phương pháp xâm lấn trị nám da bằng laser cũng thường được sử dụng điều trị. Với xung ánh sáng cường độ cao để loại bỏ các lớp da ngoài cùng bị hư hại.
- Ưu điểm: Laser hoạt động trên nguyên lý dùng năng lượng mạnh để bắt sắc tố và tiêu hủy dựa theo bước sóng đã được chỉ định, có tác dụng điều trị nám sâu.
- Nhược điểm: Tia laser không phân biệt được melanin bình thường của cơ thể (dùng để bảo vệ da) và melanin biến chất (gây nám). Do đó, trường hợp điều trị không tuân theo tiêu chuẩn y khoa thì laser có thể phá hủy cấu trúc melanin bình thường gây nên tình trạng loang lổ trắng đen trên da.
Lượng nhiệt phát ra từ laser cũng khiến các tế bào xung quanh bị tổn thương, có thể để lại sẹo xấu và tăng sắc tố làm nám đậm màu và lan rộng hơn trước điều trị. Hơn nữa, mặc dù tia laser có khả năng chiếu thẳng vào hạ bì của da để chữa nám nhưng cũng có thể làm tổn thương mạch máu dưới da. Vì vây, khi điều trị bác sĩ sẽ chỉ định kèm những sản phẩm phục hồi chăm sóc da dành riêng cho laser.
Mời độc giả xem thêm video:
6 cách giúp hạn chế nám, sạm da | SKĐS