Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh thông tin này tại "Hội nghị tổng kết, đánh giá các hoạt động chuyển đổi số năm 2023 và Kế hoạch hoạt động năm 2024" với thông điệp: "Kết nối- Chia sẻ- Đồng hành", thể hiện sự chỉ đạo mạnh mẽ của Bộ Y tế trong việc kết nối giữa Trung ương và địa phương trong công tác chuyển đổi số y tế.
Cùng dự hội nghị diễn ra hôm nay (10/4) có GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế. Hội nghị kết nối đến hơn 1.200 điểm cầu trên toàn quốc.
Nỗ lực thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên các mặt, bao gồm phát triển các nền tảng số y tế
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu rõ, thời gian qua, bên cạnh sự phối hợp của các bộ, ngành, các cơ quan, đơn vị, Bộ Y tế đã chủ động, nỗ lực thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên các mặt, bao gồm phát triển các nền tảng số y tế, phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số trong ngành y tế.
Bộ đã triển khai các dịch vụ y tế như khám, chữa bệnh từ xa; quản lý bệnh không lây nhiễm; tiêm chủng, quản lý về thuốc quốc gia, phần mềm quản lý cho các trạm y tế xã, phần mềm quản lý về dược phẩm… giúp cho công tác quản trị điều hành của ngành y tế thay đổi, đồng thời giảm chi phí về chăm sóc sức khỏe cho người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, việc thực hiện chuyển đổi số ngành y tế còn có một số tồn tại, khó khăn như cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin còn chưa tương xứng với khối lượng dữ liệu y tế cần quản lý; hệ thống thông tin và các cơ sở dữ liệu y tế, các nền tảng y tế số còn rời rạc, chưa liên thông với nhau; an toàn thông tin, an ninh mạng chưa được triển khai đồng bộ, nhiều hệ thống thông tin đã triển khai chưa đảm bảo về an toàn, an ninh thông tin;
Cùng đó, một số định hướng lớn về ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực của ngành y tế còn chậm triển khai do thiếu hụt nguồn lực (cả về kinh phí, con người).
Tại hội nghị, Chánh Văn phòng Bộ Y tế Hà Anh Đức cho rằng công tác chuyển đổi số của Bộ Y tế và ngành y tế còn hạn chế, một số nội dung còn mang tính hình thức. Do đó ông Đức kiến nghị cần phải phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, phân định rõ trách nhiệm trong quá trình chuyển đổi số. Cần hoàn thiện hành lang pháp lý trong xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và an toàn an ninh mạng.
Bên cạnh đó, phải phối hợp liên ngành y tế - công an với quy chế phối hợp chặt chẽ; phân định rõ vai trò trách nhiệm của đơn vị đầu mối ở các cấp trong việc tổ chức triển khai chuyển đổi số.
Ngoài ra, ông Đức cho rằng cần phải xây dựng chương trình tổng thể về chuyển đổi số của ngành y tế, vai trò của Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ Y tế, đồng thời, phải đầu tư thỏa đáng, tránh manh mún, dàn trải với việc xây dựng Trung tâm dữ liệu hạ tầng số, các nền tảng quốc gia. Đồng thời phải thực hiện được "an toàn an ninh, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả".
Bộ Y tế sẽ phát triển dữ liệu số quốc gia
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, muốn chuyển đổi số thành công cần nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị trong ngành y tế về chuyển đổi số, có như vậy mới có thể ưu tiên nguồn lực, con người để triển khai chuyển đổi số hiệu quả. Đồng thời phải tập trung rà soát lại thể chế, các văn bản quy định bởi những quy định liên quan đến việc chuyển đổi số lại nằm rải rác ở nhiều văn bản, nhiều ngành.
Các thể chế cần phải tạo điều kiện cho việc triển khai chuyển đổi số ở các đơn vị tập trung phát triển, nâng cấp hệ thống thông tin y tế trên nền tảng số, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế từ vấn đề xây dựng sổ sức khỏe điện tử, hệ thống y tế thông tin quản lý bệnh viện, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, triển khai khám, chữa bệnh từ xa…
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phát triển dữ liệu số quốc gia tạo nền tảng cho triển khai Chính phủ số, bảo đảm cung cấp dữ liệu số cho các dịch vụ công trực tuyến, chia sẻ dữ liệu thông suốt giữa các cơ quan nhà nước, cung cấp các bộ dữ liệu mở có chất lượng và giá trị khai thác cao theo quy định của pháp luật để triển khai Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Đồng thời, Bộ cũng sẽ xây dựng và phê duyệt hồ sơ để đề xuất cấp độ an toàn hệ thống thông tin và thực hiện các phương án đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng theo quy định của pháp luật. Tạo lập kho dữ liệu số ngành y tế đáp ứng các yêu cầu về kết nối, chia sẻ tài nguyên thông tin và dữ liệu…
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng chỉ đạo thực hiện các giải pháp, phương án kỹ thuật phát triển hạ tầng số y tế của địa phương; xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành (khám, chữa bệnh, y tế dự phòng, nhân lực, thiết bị y tế, dược) phù hợp định hướng phân cấp quản lý từ trung ương đến địa phương để phát triển và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, ứng dụng các công nghệ số để khai thác dữ liệu hiệu quả phục vụ chuyển đổi số y tế…
Tại hội nghị ông Nguyễn Bá Hùng- Phó trưởng phòng phụ trách phòng dịch vụ chuyển đổi số (Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia, Bộ Y tế) thông tin, năm 2023, Trung tâm đã triển khai thử nghiệm nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa cho tỉnh Trà Vinh, Khánh Hòa, Vĩnh Phúc và Bệnh viện Nhi Thái Bình. Tính đến ngày 14/3 đã có hơn 1.700 bác sĩ tham gia; hơn 300.000 người dân có hồ sơ trên hệ thống, hơn 260.000 tài khoản được tạo.
Dự kiến năm 2024 sẽ hỗ trợ các tỉnh triển khai chính thức nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (VTelehealth) và tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế.
Theo ông Nguyễn Trường Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia, ứng dụng hỗ trợ người dân được khám, chữa bệnh từ xa tiếp cận được dịch vụ có chất lượng, giảm tải cho cơ sở y tế, thúc đẩy chuyển đổi số. Ứng dụng đang hoàn toàn miễn phí.
Ông Nam cho biết thêm: Nền tảng này kết nối các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc. Ứng dụng có danh sách bác sĩ tham gia với đầy đủ thông tin bệnh viện, chuyên ngành, quá trình công tác. Điều này giúp người dân tiếp cận được sự tư vấn dễ dàng và nhanh chóng. Thay vì phải cài nhiều ứng dụng tư vấn từ xa thì chỉ cần một ứng dụng đã có thể tiếp cận được với các bác sĩ trên toàn quốc và được tư vấn miễn phí.