Ưu thế của các thuốc hạ đường huyết thế hệ mới và những lưu ý khi sử dụng

10-07-2023 14:19 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Thuốc hạ đường huyết có vai trò quan trọng giúp người bệnh đái tháo đường kiểm soát lượng đường trong máu. Bên cạnh các loại thuốc hạ đường huyết cũ, thuốc hạ đường huyết thế hệ mới được phê duyệt cho điều trị đái tháo đường type 2 với nhiều đặc tính nổi trội...

1. Cơ chế hình thành bệnh đái tháo đường type 2

Sau khi thức ăn được đưa vào cơ thể, bộ máy tiêu hóa sẽ làm việc và chuyển hóa chất dinh dưỡng thành đường glucose. Loại đường đơn này được hấp thu vào máu và đưa vào tế bào để sử dụng tạo thành năng lượng cho cơ thể hoạt động.

Insulin là hormone do tuyến tụy tiết ra, có vai trò điều hòa lượng đường trong máu bằng cách vận chuyển glucose vào tế bào. Có thể hiểu đơn giản như sau: Khi lượng đường trong máu tăng cao, tuyến tụy sẽ bài tiết một lượng insulin vừa đủ để vận chuyển glucose vào tế bào. Ngược lại, khi lượng đường trong máu xuống thấp, tuyến tụy sẽ ngừng bài tiết insulin.

Ở những người mắc đái tháo đường type 2, tuyến tụy bài tiết đủ insulin nhưng các tế bào trong cơ thể kháng lại tác dụng của insulin hoặc do lượng đường đưa vào cơ thể quá nhiều, insulin do tuyến tụy tiết ra không đủ đáp ứng việc vận chuyển chúng vào trong tế bào.

Kết quả là đường máu tăng cao, đào thải qua nước tiểu, gây nên tình trạng đái tháo đường. Từ cơ chế bệnh nói trên, những người bệnh đái tháo đường type 2 sẽ được điều trị bằng loại thuốc hạ đường huyết kết hợp với việc thay đổi lối sống và chế độ ăn uống hợp lý, khoa học.

Thuốc hạ đường huyết thế hệ mới có ưu thế gì? - Ảnh 1.

TS. BS. Lê Quang Toàn, Trưởng khoa Đái Tháo Đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

2. Thuốc hạ đường huyết thế hệ mới có ưu điểm gì?

Hiện nay, ở Việt Nam có 2 thuốc thuộc nhóm thuốc hạ đường huyết thế hệ mới là empagliflozin và dapagliflozin. Nhóm thuốc này được phê duyệt cho điều trị đái tháo đường type 2 với nhiều đặc tính mới, nổi trội hơn so với những nhóm thuốc hạ đường máu cũ, kể cả insulin.

Theo đó, thuốc hạ đường huyết thế hệ mới có tác dụng làm giảm đường máu thông qua việc thải đường qua nước tiểu, khoảng 70 gam mỗi ngày, tương đương với lượng đường khi tiêu thụ 2 bát cơm trắng. Chính vì vậy, ngoài tác dụng giảm đường máu, nhóm thuốc này còn hỗ trợ giảm cân, trung bình khoảng 2 – 3kg. Có thể nói, tác dụng này rất hữu ích đối với người bệnh mắc đái tháo đường type 2 có thừa cân, béo phì, vì đây là một trong những nguyên nhân làm tăng đường máu, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim và các bệnh lý khác.

Thuốc hạ đường máu thế hệ mới cũng làm giảm huyết áp, giảm các biến cố tim mạch do xơ vữa động mạch như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não hoặc tử vong do bệnh tim mạch. Bên cạnh đó, loại thuốc này còn giảm rõ rệt tiến triển của biến chứng thận do đái tháo đường như giảm khoảng 50% chức năng thận, bệnh thận giai đoạn cuối phải lọc máu, tử vong do bệnh thận.

Ngoài ra, nhóm thuốc này còn làm giảm tiến triển nặng lên của bệnh suy tim cần phải nhập viện cấp cứu. Trong khi đó, những nhóm thuốc hạ đường huyết cũ không hiệu quả với tình trạng suy tim, ít có khả năng giảm biến cố tim mạch do xơ vữa động mạch, ít hiệu quả giảm biến chứng thận hơn đáng kể so với nhóm thuốc mới này.

3. Thuốc hạ đường huyết thế hệ mới thường được chỉ định trong những trường hợp nào?

Nhờ những ưu điểm mà nó mang lại, thuốc hạ đường huyết thế hệ mới thường được ưu tiên chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Người bệnh đái tháo đường type 2 mắc các bệnh mạch vành như nhồi máu cơ tim, đặt giá đỡ động mạch vành... hoặc có nguy cơ cao như tuổi lớn hơn 55, mắc kèm tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, suy thận…
  • Người bệnh đái tháo đường type 2 đã gặp biến chứng thận, đặc biệt là trong nước tiểu có chất đạm.
  • Người bệnh đái tháo đường type 2 có bệnh suy tim.
Thuốc hạ đường huyết thế hệ mới có ưu thế gì? - Ảnh 3.

Người bệnh đái tháo đường cần sử dụng thuốc hạ đường huyết để kiếm soát bệnh hiệu quả.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc hạ đường huyết điều trị đái tháo đường

Trong quá trình điều trị đái tháo đường, người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, đi khám định kỳ đúng hẹn. Tuyệt đối không được tự ý tăng giảm liều hoặc ngừng sử dụng thuốc khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ. Khi có triệu chứng lạ, cần báo ngay cho bác sĩ điều trị để được hỗ trợ kịp thời.

Ngoài việc sử dụng thuốc, để kiểm soát đường huyết, người bệnh cần chú ý tới chế độ dinh dưỡng và luyện tập. Nên chia nhỏ bữa ăn, ăn nhiều rau xanh, hạn chế đồ ngọt, và thực phẩm giàu tinh bột để tránh tình trạng đường huyết tăng cao. Đồng thời, nên hạn chế tiêu thụ đồ ăn giàu lipid để ngăn chặn biến chứng tim mạch do đái tháo đường.

Hơn thế, cần tích cực vận động, lựa chọn các bài tập phù hợp với thể trạng. Người bệnh nên duy trì thói quen tập thể dục 30 - 45 phút mỗi ngày để kiểm soát cân nặng, thư giãn tinh thần, giải tỏa căng thằng.

Mặc dù có những ưu thế nêu trên, thuốc hạ đường huyết thế hệ mới không được phép dùng cho bệnh nhân đái tháo đường type 1 hoặc bệnh nhân nhiễm toan ceton do đái tháo đường. Phụ nữ có thai và cho con bú cũng không nên sử dụng nhóm thuốc này.

Thuốc có thể gây tương tác với insulin, dẫn xuất sulfonylurea và các thuốc trị đái tháo đường khác dẫn đến hạ đường huyết. Thiazide và thuốc lợi tiểu quai cũng có thể tương tác với thuốc hạ đường huyết thế hệ mới gây bài niệu quá mức, mất nước, hạ huyết áp có triệu chứng và suy thận cấp trước thận... Do đó, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Uống Trà Tâm Sen Mỗi Ngày Có Tốt Không? | SKĐS



TS. BS. Lê Quang Toàn
Trưởng khoa Đái Tháo Đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương.
Ý kiến của bạn