Nhiều chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp dược
Thông tin về những điểm chính trong dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Dược 2016 dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp tới đây, tại hội thảo "Phát triển thị trường dược phẩm trong nước - Giải pháp từ chuyển đổi số" do Báo Tuổi trẻ tổ chức sáng nay - 19/10 ở Hà Nội, ông Chu Đăng Trung, Trưởng phòng pháp chế - hội nhập, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã nêu rõ 5 điểm mới của dự thảo.
Theo đó, điểm mới đầu tiên là thể chế toàn bộ các cơ chế chính sách đặc biệt, đặc thù trong giai đoạn COVID-19;
Thứ hai, đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược mang tính đột phá so với Luật Dược 2016;
Thứ ba, đa dạng hóa hệ thống và phương thức kinh doanh, phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc;
Thứ tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính về trình tự, thủ tục cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc; tăng cường việc thừa nhận, công nhận nhằm tạo điều kiện thông thoáng, tăng tính chủ động cho doanh nghiệp.
Điểm mới thứ 5 là quản lý chặt chẽ giá thuốc nhằm bình ổn thị trường thuốc theo quy định của Luật Giá 2023 và đảm bảo tính đặc thù của Luật Dược.
Về đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược, ông Trung cho biết các lĩnh vực ưu tiên phát triển gồm nghiên cứu phát triển công nghệ, sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ để sản xuất: Thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền từ nguồn gốc dược liệu trong nước; dược chất (hoá dược, sinh học, dược liệu); thuốc mới hoặc biệt dược gốc, thuốc hiếm, thuốc generic đầu tiên; thuốc công nghệ cao, vaccine và sinh phẩm; thuốc là sản phẩm máu và huyết tương;
Ngoài ra, nuôi trồng dược liệu tại vùng kinh tế xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn; nghiên cứu để bảo tồn, phát triển nguồn gen dược liệu quý, hiếm, đặc hữu trong nước, tạo giống mới từ nguồn gen dược liệu có giá trị kinh tế cao... cũng là lĩnh vực được ưu tiên trong dự thảo lần này.
Để đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược, ông Trung thông tin, tại dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Dược 2016 nêu rõ các chính sách, hình thức và mức độ ưu đãi gồm: Quy định các dự án được hưởng chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo quy định tại các văn bản liên quan như Luật Đầu tư;
"Cùng đó, quy định các dự án được ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt sản xuất thuốc mới, thuốc phát minh, thuốc biệt dược gốc, thuốc dược liệu và thuốc cổ truyền sản xuất từ dược liệu có sẵn trong nước; thuốc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, thuốc chuyên khoa đặc trị được chuyển giao công nghệ sản xuất tại Việt Nam"- ông Chu Đăng Trung nói.
Đồng thời, trong dự thảo cũng đề cập đến chính sách tạo điều kiện về thủ tục, trình tự nộp đơn đăng ký lưu hành thuốc mới, thuốc phát minh, thuốc biệt dược gốc, thuốc chuyên khoa đặc trị, ứng dụng công nghệ cao...
Cần thiết có dữ liệu dược quốc gia
Ông Trung cũng nêu rõ trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Dược 2016 đã bổ sung vào một số nội dung như: Một số loại hình và phương thức kinh doanh mới như cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc; Việc kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử song song với kinh doanh truyền thống được thực hiện qua các sàn giao dịch thương mại điện tử; website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến; ứng dụng thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến.
"Việc này nhằm tạo hành lang pháp lý để quản lý các loại hình và phương thức kinh doanh mới phát sinh trong thực tiễn. Phù hợp với xu thế hội nhập, phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới"- ông Chu Đăng Trung nói.
Bên cạnh đó, ông Trung cho hay dự thảo Luật Dược sửa đổi lần này còn mở rộng quyền kinh doanh cho các cơ sở kinh doanh dược có vốn đầu tư nước ngoài (FIE) tại Việt Nam. Trong đó, sẽ cho phép các doanh nghiệp FIE tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng thuốc của Việt Nam.
Đồng thời cho phép các doanh nghiệp này được trực tiếp phân phối các thuốc do chính doanh nghiệp sản xuất, đặt gia công, chuyển giao công nghệ tại Việt Nam. Thu hút doanh nghiệp FIE đầu tư vào lĩnh vực này để nâng cao năng lực sản xuất trong nước.
"Cùng với đó, dự luật tạo điều kiện để cơ sở sản xuất thuốc trong nước tiếp cận công nghệ sản xuất thuốc tiên tiến. Tiến tới bảo đảm chủ động việc cung ứng thuốc, an ninh về thuốc cho công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân"- ông Trung cho hay.
Chia sẻ thêm thông tin, ông Phan Công Chiến - Trưởng phòng kinh doanh dược, Cục Quản lý dược, cho biết, ngay tại Điều 2 trong dự thảo luật, vấn đề cơ sở dữ liệu dược quốc gia được ban soạn thảo luật đề xuất đã nhận được sự đồng tình lớn từ phía các đại biểu Quốc hội.
Ông Chiến cho rằng từ dữ liệu dược quốc gia này, chúng ta có thể đưa ra những cảnh báo rất nhanh từ cơ quan quản lý nhà nước đến các cơ sở ban hành thuốc, bán thuốc, cũng như các quyết định thu hồi, tạm dừng thuốc…
Ông Chiến cho biết thêm, qua cơ sở dữ liệu toàn diện này, một bộ phận bệnh nhân có nhu cầu mua thuốc hiếm, không phổ biến, vốn ít cơ sở kinh doanh thì giờ đây cũng thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm. "Luật Dược sửa đổi được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các danh nghiệp phát triển"- ông Chiến nói.
Cần giám sát việc bán thuốc điện tử, tuyên truyền người dân mua thuốc theo đơn
Trong tham luận về hệ thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn, ông Nguyễn Hữu Trọng, Tổng thư ký Hội Tin học y tế Việt Nam nhấn mạnh, tại Việt Nam tình trạng bán, mua thuốc không đơn rất phổ biến, kể cả các loại thuốc kê đơn, thuốc kháng sinh. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng thuốc tăng.
"Tình trạng mua thuốc kê đơn quá dễ dàng. Thực tế việc sử dụng đơn thuốc giấy không thể quản lý được bán thuốc theo đơn"- ông Trọng thẳng thắn nói và cho biết thêm: Đơn thuốc giấy không xác minh được đơn thuốc có đúng không, người kê đơn có đủ thẩm quyền kê đơn hay không.
Đơn thuốc giấy cũng không thể xác nhận được cập nhật trạng thái đơn, dẫn đến tình trạng người dân sử dụng đơn thuốc nhiều lần, cơ sở bán lẻ bán thuốc nhiều lần cùng một đơn.
Vì vậy, ông Trọng cho rằng việc xây dựng hệ thống bán thuốc và quản lý đơn thuốc theo đơn quốc gia là cần thiết, giúp đảm bảo minh bạch đơn thuốc, thuốc bán theo đơn, để sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả giúp người dân tránh "đại dịch" kháng thuốc đang là hiểm họa toàn cầu.
Theo ông Trọng, hiện nay, Bộ Y tế đã triển khai hệ thống đơn thuốc quốc gia giúp việc quản lý đơn thuốc minh bạch, rõ ràng, trong đó, hệ thống quản lý thuốc kê đơn có đầy đủ mã cơ sở khám chữa bệnh, mã bác sĩ, mã đơn thuốc. Những dữ liệu này được liên thông, tập trung trên hệ thống quản lý thuốc kê đơn.
Cũng theo chyên gia này: Hệ thống chúng ta đã có, tuy nhiên chưa được thực hiện một cách hiệu quả. Do đó, cần giám sát việc bán thuốc điện tử theo quy định, đồng thời tuyên truyền người dân mua thuốc theo đơn. Cùng đó, Chính phủ cần ban hành hoặc sửa đổi bổ sung các chế tài xử phạt đủ để cơ sở khám chữa bệnh và bán thuốc phải thực hiện...
Hội thảo "Phát triển thị trường dược phẩm trong nước - Giải pháp từ chuyển đổi số" có sự tham dự của 80 đại biểu đến từ Ban Dân nguyện, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược, Bộ Công Thương, các chuyên gia ngành dược, chuyên gia về tin học y tế, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối dược, các nhà thuốc và người tiêu dùng.