Ướp hương cho danh trà Việt

13-02-2016 14:00 | Xã hội
google news

SKĐS - Không gặp nhau, nhưng họ cùng chung ý tưởng: Khôi phục thương hiệu danh trà. Ðể chứng minh cho văn hóa thưởng trà của Việt Nam, không ít nghệ nhân...

Không gặp nhau, nhưng họ cùng chung ý tưởng: Khôi phục thương hiệu danh trà. Ðể chứng minh cho văn hóa thưởng trà của Việt Nam, không ít nghệ nhân, nghệ sĩ đã sưu tầm các loại chè, ấm cổ và từng ngày giúp cho thương hiệu chè Việt vươn xa.

Giàu tâm huyết

Gặp và trò chuyện với doanh nhân Nguyễn Ngọc Tuấn mới thấy hết tâm huyết của anh đối với việc gây dựng thương hiệu danh hiệu trà Việt Nam. Anh Tuấn cho biết, sản lượng chè xuất khẩu của nước ta tương đối lớn, nhưng 20 năm trước lại chưa có thương hiệu, dù văn hóa thưởng thức trà của chúng ta cũng có hàng trăm năm, hòa quyện trong đời sống, tâm thức người dân. Trung Quốc là nước có văn hóa trà lâu đời, họ biết cách làm thương hiệu và tới nay có tới 800 danh trà. Tại sao nước ta không có? Đó là nỗi trở trăn lớn của anh Tuấn cách đây 20 năm.

Ông Vũ (bên trái) giới thiệu những chiếc ấm quý.

Anh Tuấn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, từ nhỏ đã tắm đẫm  không khí gia đình có truyền thống. Bố anh say trà. Anh cũng từng được thưởng thức nước chè xanh múc trong gáo dừa, đến những hương vị sang trọng bằng chén cổ. Độ đó, anh Tuấn đã đi khắp nơi để tìm hiểu về chè, đặc biệt anh say sưa với vùng đất Thái Nguyên, nơi được dân gian ví von: “Chè Thái, gái Tuyên”. Nhưng anh lại khởi nghiệp bằng việc kinh doanh ấm trà. Một loại ấm được nung bằng đất đặc biệt. Nguyễn Ngọc Tuấn vào TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp, với hy vọng rằng, người biết thưởng thức trà sẽ biết dùng những loại ấm độc đáo để kết hợp. Song như thế vẫn chưa đủ. “Để tạo thêm độ hấp dẫn, tôi đã nhờ nhiều nghệ nhân giỏi vẽ họa tiết lên ấm. Quả nhiên nhiều người có ý định sở hữu những bộ ấm đẹp”, anh Tuấn cho biết.

Cũng “say” trà, nhà viết kịch Mông Đông Vũ, kỷ lục gia sưu tầm ấm trà cổ ở thành phố Thái Nguyên cho biết, từ thời thanh niên, ông mê trà đến độ hễ nghe nói ở vùng đất nào có trà ngon thì phải tìm đến mua cho bằng được. Nhưng rồi, qua thực tế, ông thấy cần phải phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên, bằng việc quảng bá chất lượng chè, tạo nên nét văn hóa thưởng thức trà và gìn giữ những bộ ấm pha độc đáo. Ông Vũ nói: “Người ta bảo, nhất nước, nhì pha, tam trà, tứ ấm”. Tuy ấm đứng cuối, nhưng tôi xin khẳng định, cha ông ta thưởng thức trà vô cùng cầu kỳ. Bộ ấm pha là lựa chọn số một cho một thú chơi. Ấm sang trọng, thể hiện nề nếp gia phong, sự giàu có và độ hiểu biết thâm sâu của gia chủ. Bởi thế có những bộ ấm của nhà giàu bằng cả gia sản của người khác. Tôi biết, cần phải sưu tầm những chiếc bình, ấm pha trà để chứng minh thú uống trà nước ta có văn hóa lâu đời. Văn hóa trà nằm trong dòng chảy thời gian của văn hóa dân gian, vì thế hình dáng bình trà thể hiện cho tính cách và giai đoạn lịch sử”.

Ông Vũ cũng từng dày công gặp nhiều nhà nghiên cứu. Họ cho biết, uống trà là nét văn hóa ẩm thực độc đáo của nhiều nước trên thế giới. Nhiều nơi uống trà nâng lên thành đạo, thành những ý tưởng triết học sâu xa. Nhưng những ý tưởng độc đáo nhất trong quy trình uống trà là những chiếc ấm pha trà. Từ những chất liệu như đất nung, sành sứ, đá, đồng, bạc, ngọc, vàng, các thợ thủ công, nghệ nhân từ xa xưa đã tạo nên nhiều vô số kiểu dáng độc đáo. “Thái Nguyên có vùng nguyên liệu lớn. Thực ra, những năm qua cũng đã có chuyện sản xuất chưa an toàn, làm giảm uy tín của trà. Điều đó cần được khắc phục. Những người như chúng tôi cần phải quảng bá và cùng tạo nên một thương hiệu. Và với sự nỗ lực của bà con, của những người tâm huyết trong kinh doanh, trong các khâu sản xuất chế biến, đến tạo dựng thương hiệu, chè Thái Nguyên đã nổi tiếng”, ông Vũ nhấn mạnh.

Đến bây giờ, sau mấy chục năm sưu tầm, ông Mông Đông Vũ đã có cả một “kho tàng” ở tư gia. Hơn 300 chiếc ấm của ông với đủ mọi hình dáng kích thước, mỗi chiếc một vẻ, chẳng chiếc nào giống nhau. Nhiều nhà nghiên cứu, giới thưởng trà khẳng định vậy. Ông Hồ Tấn Phan, nhà nghiên cứu văn hóa, người sưu tầm nhiều cổ vật dưới sông Hương chia sẻ: “Bộ sưu tầm của ông Vũ độc đáo. Ông ấy cũng là người độc đáo vì đã dấn thân, bỏ tiền để đến giờ sở hữu một khối tài sản văn hóa lớn”.

Và những việc làm cụ thể

Vậy, những nghệ nhân, doanh nhân tạo dựng thương hiệu trà, ấm bằng cách nào? Ông Mông Đông Vũ thổ lộ rằng, nước ta có nhiều làng gốm nổi tiếng, từ Bát Tràng, Chu Đậu, Phù Lãng, Phước Tích, Thanh Hà, Bàu Trúc... Tất cả đều đủ để tạo nên thương hiệu và sự đa dạng của những chiếc ấm. Bằng chứng là, rất nhiều người đã sưu tầm ấm, từ nhiều làng gốm sứ khác nhau. Ông Vũ nhấn mạnh: “Tôi nghiên cứu ấm, nghiên cứu trà và viết bài tuyên truyền. Tôi gặp gỡ anh em doanh nhân Thái Nguyên, cùng họ bàn cách tạo dựng và gìn giữ thương hiệu bằng chất lượng chè. Rồi đi chấm cuộc thi trong Festival chè Thái Nguyên. Lúc nào tôi cũng muốn thương hiệu, văn hóa của chúng ta được thế giới biết đến”.

Ấm trà độc đáo thể hiện văn hóa trà.

Hằng tháng, nhất là dịp xuân, ông Vũ đều có những bài viết về thú sưu tầm và văn hóa thưởng trà đăng trên các báo. Đó là cách ông thể hiện tình yêu với quê hương và cây chè, ướp hương cho một thương hiệu. Đồng thời, đó cũng là dịp ông tổng kết, sau một năm dành rất nhiều tâm huyết và tiền bạc, thì mình sưu tầm được bao nhiêu chiếc ấm. Nhưng chắc chắn, lúc nào ông cũng đau đáu một nỗi, hễ thấy ở đâu có ấm độc đáo, là ông lại khăn gói lên đường. Bất kể miền Nam, miền Bắc hay một vùng quê xa xôi hẻo lánh nào.

Còn doanh nhân Nguyễn Ngọc Tuấn có điều kiện hơn. Anh đã xây dựng thành công chuỗi cửa hàng, đồng thời xây dựng được thương hiệu bao gồm các loại danh trà nổi tiếng như trà cổ thụ Suối Giàng (Yên Bái), trà Phổ Nhĩ cổ thụ (Hà Giang), trà Tân Cương (Thái Nguyên) và dòng dược trà (trà lam nhồi trong ống tre), trà bó (chit), cao trà do đồng bào dân tộc người Dao và Mông ở Tây Bắc. Anh còn tổ chức một không gian lý tưởng để cùng nhau giao lưu, đàm đạo về trà.

Chén trà thêm xuân

Từ Nam ra Bắc, đúng như ông Mông Đông Vũ đã khẳng định, chúng ta có nhiều người sưu tầm ấm trà, như ông Đinh Công Tường (TP. Hồ Chí Minh), ông Lê Hạc ở phường Quang Trung (TP. Thanh Hóa), ông Đinh Văn Dần (TP. Ninh Bình), nhà thơ Vương Tâm, nhà nghiên cứu Trịnh Quang Dũng ở Hà Nội... Tất cả, ngoài đam mê thì các nhà sưu tầm đều rất mê uống trà và có thú vui gặp gỡ bạn bè, trao đổi, trò chuyện về văn hóa thưởng thức trà. Nhà thơ Vương Tâm cho rằng: “Ngày Xuân mà thiếu trà là thiếu hương vị đậm đà của xuân. Người xưa coi trà như lẽ sống, người nay cũng lấy trà làm bạn tri âm. Vậy nên, một người bạn hiền, một khung cảnh ấm áp, thư thái, nâng chén trà ngon, cho nhau một chút tình đời, ý đạo, còn gì thú vị hơn!”.

Pha trà ngon cần những thao tác cầu kỳ.

Ngày xuân hay ngày thường, đến những gia đình tam, tứ đại đồng đường, bao giờ cũng được mời dùng trà. Nhất là các cụ cao tuổi, vẫn thường ngồi bên ấm trà để nói lời răn dạy cháu con về lẽ sống ở đời. Những người sưu tầm ấm khẳng định, văn hóa thưởng trà của người Việt dù đã có sự đổi thay, song sự sâu sắc, thanh đạm thì còn được bảo lưu. Số lượng các loại chè ngày nay cũng phong phú hơn, được đóng gói kỳ công, tao nhã, dẫu cuộc sống gấp gáp, hối hả. Văn hóa thưởng trà phát triển, những “bảo tàng” ấm tại tư gia của các nhà sưu tầm luôn hút khách. Các nhà kinh doanh nắm bắt thị trường giỏi, cũng đầu tư xây dựng những quán trà với không khí hoài cổ và yên tĩnh. Họ đã thành công vì thu hút nhiều ẩm khách. Đó cũng chính là nơi lưu giữ và truyền bá nghệ thuật thưởng trà. Hiện nay, Việt Nam có danh trà, ông Mông Đông Vũ khẳng định, phải gìn giữ hình ảnh của danh trà, bằng chất lượng trà, bằng những bộ ấm độc đáo và một lối thưởng thức tao nhã, lành mạnh. Phải chẳng, qua bao nhiêu trải nghiệm, ông Vũ càng nhận ra, trà thật quan trọng đối với đời sống.


Bài, ảnh: Nguyễn Văn Học
Ý kiến của bạn