Nhưng nhiều người không nhận ra rằng vitamin và các chất bổ sung cũng có thể ảnh hưởng đến thuốc kê đơn khi uống cùng nhau.
Dùng nhiều loại thuốc và/hoặc vitamin và các chất bổ sung có thể làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ và tương tác bất lợi. Nhiều bệnh nhân cho rằng bổ sung dinh dưỡng là an toàn và tự nhiên mà không có bất kỳ tác dụng phụ nào, và hậu quả là các tương tác thuốc và các chất bổ sung vitamin tiềm ẩn không phải lúc nào cũng được nhận thức đầy đủ.
Đặc biệt, với bệnh nhân cao tuổi được coi là có nguy cơ cao nhất vì nhóm bệnh nhân này có nhiều khả năng dùng nhiều loại thuốc, bao gồm cả các chất bổ sung dinh dưỡng.
Tương tác giữa vitamin C và thuốc kháng sinh
Mùa dịch, nhiều người bổ sung thêm vitamin C để tăng sức đề kháng. Tuy nhiên, khi đang sử dụng kháng sinh để điều trị, nhất là các kháng sinh thuộc nhóm Betalactam như cefalosporin, ampicillin, amoxicillin… thì không nên dùng đồng thời với vitamin C hay các đồ uống có vị chua như nước bưởi, cam, chanh...
Việc này có thể làm mất tác dụng kháng khuẩn của các kháng sinh nhóm Betalactam. Nhóm kháng sinh này bao gồm những loại kháng sinh có cấu trúc hóa học chứa vòng Beta Lactam, dưới tác dụng của axit (vitamin C có tính axit), vòng Betalactam sẽ bị phá hủy, gây mất tác dụng của thuốc, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.
Tương tác giữa vitamin D và thuốc lợi tiểu
Vitamin D là chất dinh dưỡng giúp tăng cường khả năng hấp thụ canxi và phốt pho, thuộc nhóm các secosteroid tan được trong chất béo. Vitamin D còn hỗ trợ cho sự tăng trưởng và phát triển của xương, giảm thiểu tình trạng loãng xương.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng bổ sung vitamin D có thể tăng cường phản ứng miễn dịch và bảo vệ cơ thể, chống lại nhiễm trùng đường hô hấp nói chung. Chính vì vậy, trong thời gian dịch bệnh, nhiều người có nhu cầu bổ sung loại vitamin này.
Tuy nhiên, cần lưu ý, khi uống một lượng lớn vitamin D cùng với một số loại thuốc lợi tiểu có thể hàm lượng canxi tăng cao trong cơ thể. Điều này có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng bao gồm các vấn đề về thận. Các thuốc lợi tiểu này bao gồm chlorothiazide, hydrochlorothiazide, indapamide, metolazone và chlorthalidone.
Tương tác giữa vitamin E và thuốc tim mạch
Vitamin E Là một chất dinh dưỡng quan trọng đối với thị lực, sưc khỏe sinh sản, làn da, đồng thời nó cũng là chất chống ôxy hóa, có thể bảo vệ tế bào của bạn chống lại tác động của các gốc tự do.
Aspirin là loại thuốc được sử dụng phổ biến trong các bệnh lý tim mạch, biến chứng tiểu đường và nhiều bệnh khác. Khi sử dụng kết hợp vitamin E và aspirin đều có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Chính vì vậy, nếu sử dụng thuốc aspirin cùng vitamin E cần tham khảo ý kiến bác sĩ để điều chỉnh liều lượng, cách dùng cho phù hợp và an toàn.
Khi dùng kết hợp giữa vitamin E và thuốc chống đông máu warfarin cũng có thể xảy ra tương tác. Warfarin được dùng để ngăn ngừa các cơn nhồi máu tim, đột quỵ và huyết khối trong tĩnh mạch và động mạch. Tác dụng phụ này thường xuất hiện phổ biến khi dùng liều lượng lớn của vitamin E (≥ 800IU).
Ngoài ra, khi sử dụng Vitamin E liều cao hơn 400mg trong thời gian dài, kết hợp cùng với việc liệu pháp bổ sung Estrogen cũng có thể gây ra tình trạng gia tăng nguy cơ huyết khối. Vì vậy, cũng cần hết sức thận trọng.
Trên đây là một vài ví dụ về cách các vitamin và thuốc có thể tác động tiêu cực đến nhau, nhưng các tương tác vitamin nhất định có thể xảy ra như thế nào phần lớn là tùy từng trường hợp.
Vì vậy, hãy luôn trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn trước khi bắt đầu sử dụng bất kỳ loại thuốc, vitamin hoặc chất bổ sung mới nào. Trong trường hợp cần thiết phải bổ sung vitamin và khoáng chất, để tránh các tương tác thuốc xảy ra, cần thông báo cho bác sĩ điều trị các thuốc đang sử dụng và tuân theo các chỉ định của thầy thuốc.