1. Lợi ích của trà hoa cúc
Trà hoa cúc được pha chế như một loại đồ uống thảo dược bằng cách ngâm hoa cúc trong nước nóng. Mặc dù có nhiều loại hoa cúc nhưng hoa của cây hoa cúc Đức và hoa cúc La Mã được sử dụng phổ biến nhất trong trà.
Hoa cúc có lịch sử lâu đời được sử dụng như một loại trà hỗ trợ chữa bệnh, có thể có từ thời La Mã cổ đại, Ai Cập và Hy Lạp. Các nghiên cứu gần đây khám phá những tác dụng tăng cường sức khỏe tiềm tàng, cũng như các hợp chất có lợi có trong hoa cúc, chẳng hạn như flavonoid (chất phytochemical hoạt động như chất chống oxy hóa), terpenoid (hóa chất hữu cơ tự nhiên) và coumarin (một loại hóa chất thơm)… là những chất xuất hiện tự nhiên trong thực vật có đặc tính chữa bệnh. Ngày nay, mọi người uống trà hoa cúc để giải quyết các vấn đề về sức khỏe như khó ngủ, giảm lo lắng cũng như các vấn đề về tiêu hóa…
- Hỗ trợ giấc ngủ ngon hơn: Một số người uống trà hoa cúc để thư giãn trước khi đi ngủ và ngủ ngon hơn. Hoa cúc chứa nhiều loại hợp chất, chẳng hạn như apigenin (một loại flavonoid được tìm thấy tự nhiên trong thực vật hoạt động như một chất chống oxy hóa), mang lại tác dụng làm dịu, hỗ trợ thư giãn và giảm lo lắng để giúp dễ ngủ hơn.
- Làm giảm bớt các vấn đề về tiêu hóa: Uống trà hoa cúc có thể cải thiện các vấn đề về tiêu hóa, bao gồm tiêu chảy, viêm loét đại tràng và các rối loạn tiêu hóa khác. Tính chất đắng nhẹ của trà cũng có thể giúp giảm bớt các triệu chứng khó tiêu cũng như kích thích tiêu hóa một cách nhẹ nhàng.
- Có thể làm giảm các triệu chứng của Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS): Uống trà thảo dược nóng, bao gồm cả trà hoa cúc, có thể giúp giảm bớt các triệu chứng của PMS. Hoa cúc có thể giúp giảm lo lắng, đầy hơi và làm dịu cơn đau dạ dày. Uống trà hoa cúc nóng cũng có thể làm giảm viêm, đau và co thắt ở xương chậu, điều này đặc biệt hữu ích đối với chứng chuột rút kinh nguyệt.
- Có thể cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong máu: Trà hoa cúc có chứa các hợp chất như apigenin và quercetin. Trong nghiên cứu sơ bộ các hoạt chất này đã được chứng minh là làm giảm lượng đường trong máu.
Đặc tính chống viêm và chống oxy hóa của trà cũng góp phần gián tiếp vào việc điều chỉnh lượng đường trong máu tốt hơn bằng cách giải quyết tình trạng kháng insulin và căng thẳng oxy hóa (làm tổn thương tế bào) gây ra.
- Tăng cường sức khỏe tim mạch: Các hợp chất hoạt tính sinh học của trà hoa cúc mang lại lợi ích tiềm năng cho sức khỏe tim mạch, do hoa cúc có thể giúp giảm viêm, điều hòa huyết áp và giảm cholesterol… Điều này là do sự hiện diện của flavonoid trong trà, có thể hỗ trợ sức khỏe tim mạch.
2. Tác dụng phụ của trà hoa cúc
Trà hoa cúc thường được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) công nhận là an toàn khi sử dụng trong thực phẩm. Mặc dù không phổ biến nhưng các tác dụng phụ như buồn nôn, chóng mặt và phản ứng dị ứng có thể xảy ra ở một số người sử dụng các sản phẩm hoa cúc, bao gồm cả trà hoa cúc.
Hoa cúc thường được coi là an toàn khi tiêu thụ với lượng có trong trà, nhưng một số người có thể cần hạn chế ăn hoặc tránh hoàn toàn:
- Những người dị ứng với cỏ phấn hương: Do hoa cúc là một thành viên của họ cỏ phấn hương nên những người bị dị ứng với cỏ phấn hương, có thể trầm trọng thêm các triệu chứng dị ứng khi uống trà hoa cúc.
- Người mang thai, cho con bú: Các nghiên cứu còn hạn chế về việc uống trà hoa cúc khi mang thai hay khi cho con bú.
- Tương tác thuốc: Loại trà thảo dược này cũng có thể tương tác với một số loại thuốc, chẳng hạn như warfarin (thuốc làm loãng máu) và cyclosporine (thuốc ức chế miễn dịch dùng để ngăn ngừa đào thải các cơ quan cấy ghép), thuốc trị đái tháo đường… Do đó những người đang dùng các loại thuốc này cần thận trọng dùng.
- Hoa cúc là thực phẩm có hàm lượng FODMAP cao (là các loại carbohydrate, bao gồm đường dễ gây viêm đường tiêu hóa và kém hấp thu vào ruột ở một số người và gây ra khí, chướng bụng và đau), nên những người mắc hội chứng ruột kích thích (IBS) có thể gặp nhiều triệu chứng hơn khi uống loại trà này.
Mời bạn xem thêm video:
Người bệnh suy tim cần kiêng gì để bệnh không nặng hơn | SKĐS