Tuy nhiên, nhiều người lại tự ý làm thầy thuốc cho mình, tự mua những viên “thuốc Ðông y” màu xanh, màu đỏ không rõ nguồn gốc hoặc nghe lời truyền tai dùng lá đắp lên vết thương để chữa bệnh. Hậu quả là liên tiếp thời gian gần đây các bệnh viện cả miền Nam và miền Bắc tiếp nhận nhiều ca bệnh cấp cứu trong tình trạng bàn chân hoại tử bốc mùi, sốc, suy hô hấp tuần hoàn, tổn thương đa cơ quan,... thậm chí tử vong do ngộ độc thuốc phenformin có trong những viên thuốc tiểu đường hoàn bán trôi nổi trên thị trường...
Thuốc cấm sử dụng 40 năm được trộn trong thần dược “Đông y” trị tiểu đường
Mới đây nhất, chiều ngày 10/3, TS.BS. Trương Dương Tiển, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết 2 ngày 9/3 và 10/3, Khoa tiếp nhận 2 bệnh nhân nam sốc nặng, suy hô hấp tuần hoàn, tổn thương đa cơ quan, khả năng tử vong rất cao do ngộ độc nhóm thuốc phenformin. Đây là loại thuốc trị tiểu đường đã bị cấm lưu hành ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới do gây nhiễm toan máu (còn gọi nhiễm acid lactic). Theo BS. Tiển, không chỉ đối mặt với các chi phí lọc máu tốn kém, nhiều ca bị biến chứng suy thận mạn tính, không thể hồi phục và phải chạy thận suốt đời. Trường hợp đến muộn, bệnh nhân có thể suy đa cơ quan và tử vong. BS. Tiển cho biết, thuốc mà các bệnh nhân này sử dụng được bào chế dưới dạng viên nhiều màu khác nhau như: hồng, vàng, nâu, xanh lá tùy theo mức độ đường huyết của người bệnh. Các loại thuốc này bệnh nhân mua từ các thầy lang tự pha chế hoặc thuốc nhập từ Trung Quốc.
Không chỉ các bệnh viện phía Nam, các bệnh viện ngoài Bắc cũng ghi nhận nhiều ca cấp cứu do tự ý dùng thuốc trị tiểu đường trôi nổi. Theo PGS.TS. Đào Xuân Cơ - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai: Thời gian gần đây, khoa liên tục tiếp nhận các bệnh nhân gặp biến chứng nặng sau một thời gian tự ý dùng thuốc “tiểu đường hoàn”, 4 trong số 5 bệnh nhân trên đã tử vong. Các bệnh nhân trên đều vào viện trong 1 bệnh cảnh giống nhau: đau bụng, mệt mỏi, vào viện trong tình trạng sốc, suy đa tạng diễn biến xấu rất nhanh, xét nghiệm axit lactic trong máu cao. Tất cả bệnh nhân đều có chung chẩn đoán: Toan chuyển hóa do ngộ độc phenformin (một thuốc đã bị cấm 40 năm nay)/ Đái tháo đường type 2. Kết quả xét nghiệm các viên thuốc “tiểu đường hoàn” mà các bệnh nhân đã sử dụng đều dương tính với phenformin.
Hình ảnh viên thuốc “tiểu đường hoàn” bệnh nhân đã sử dụng.
Dẫn chứng về trường hợp cụ thể bệnh nhân tiểu đường ngộ độc phenformin do dùng thuốc “tiểu đường hoàn” mua trôi nổi ngoài thị trường, PGS.TS. Đào Xuân Cơ cho hay, bệnh nhân nữ (63 tuổi, ở Đội Nhân, Ba Đình, Hà Nội) nhập viện cấp cứu và tử vong sau 4 ngày điều trị. Theo lời kể của người nhà, bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường cách đây 3 năm nhưng không điều trị bằng thuốc tây y theo chỉ định của bác sĩ mà dùng thuốc “tiểu đường hoàn”, mỗi ngày uống 8 viên. Trước khi vào viện, bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi, kém ăn, buồn nôn, gia đình đưa bệnh nhân vào Bệnh viện 354 điều trị. Sau đó, bệnh nhân đau bụng nhiều, khó chịu, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, được chẩn đoán sốc do nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, suy đa tạng do ngộ độc phenformin. Bệnh nhân đã được điều trị tích cực để duy trì sự sống hoàn toàn nhờ máy như hỗ trợ tim phổi nhân tạo, lọc máu liên tục. Tuy nhiên, do ngộ độc phenformin quá nặng nên bệnh nhân đã tử vong.
TS. BS. Nguyễn Quang Bảy - Trưởng khoa Nội tiết đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai trước đó đã cho biết: Phenformin là một hoạt chất giúp hạ đường huyết nhưng gây nhiều tác dụng phụ và nguy hiểm chết người nên đã bị cấm sử dụng trên toàn thế giới từ năm 1978. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, họ đã trà trộn, mạo danh thuốc Đông y để bán ra thị trường.
Tại BV Nội tiết Trung ương ThS. BS. Tôn Thất Kha - Trưởng khoa Điều trị tích cực BV Nội tiết Trung ương cho biết, mới đây bệnh viện cấp cứu trường hợp nam thanh niên H.M.T. (28 tuổi, ở Phú Thọ) bị hoại tử bàn chân, bốc mùi hôi do tự ý đắp lá thuốc trị tiểu đường. Người nhà bệnh nhân cho biết, T. phát hiện đái tháo đường cách đây 12 năm, nhưng không tái khám theo dõi thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ mà tự điều trị theo đơn khám từ lâu và tự lấy lá về đắp theo lời mách bảo của mọi người. Bệnh nhân được cấp cứu trong tình trạng hoại tử chân, sốt cao liên tục, kèm theo viêm phổi nhiễm và nhiễm trùng huyết vô cùng nguy kịch. Để bảo toàn tính mạng, bệnh nhân đã được tiến hành phẫu thuật cắt toàn bộ vùng chân tổn thương nặng tới đùi.
Tiểu đường không phải là căn bệnh vô phương cứu chữa, người bệnh hoàn toàn có thể chung sống “vui vẻ” cùng bệnh nếu tuân thủ đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Đừng để mất mạng hay tàn phế suốt đời chỉ vì những “liều thuốc truyền miệng” vô căn cứ.