Uống thuốc tây với rượu có sao không?

14-10-2023 06:25 | An toàn dùng thuốc

SKĐS – Rất nhiều người uống thuốc tây nhưng vẫn dùng rượu, dù chỉ là một vài chén rượu cùng bạn bè. Vậy uống rượu khi đang dùng thuốc tây có sao không?

Việc xác định xem bạn có thể uống thuốc trước hay sau khi uống rượu bao lâu, phụ thuộc vào một số yếu tố: Loại thuốc, loại và lượng rượu... có thể tạo ra sự khác biệt về mức độ an toàn hay không an toàn khi kết hợp chúng với nhau. Thời gian cũng rất quan trọng vì rượu và thuốc có thể gây ra tác dụng có hại ngay cả khi chúng không được dùng cùng lúc.

Tuổi tác cũng là một yếu tố cần quan tâm. Khi có tuổi, rượu sẽ tồn tại trong cơ thể lâu hơn. Điều này là do cơ thể chuyển hóa rượu chậm hơn khi chúng ta già đi. Ngoài ra, càng lớn tuổi, chúng ta càng có nhiều khả năng sử dụng một hoặc nhiều loại thuốc có thể tương tác với rượu.

Việc chúng ta chuyển hóa rượu tốt như thế nào cũng được quyết định bởi giới tính. Nam và nữ có sự khác biệt về thành phần hóa học trong cơ thể, nên có thể hấp thụ và chuyển hóa rượu ở các mức độ khác nhau. Sau khi uống cùng một lượng rượu, phụ nữ có xu hướng có nồng độ cồn trong máu cao hơn nam giới.

Tác động của tương tác thuốc với rượu có thể rất đa dạng. Thuốc ức chế quá trình đốt cháy rượu, khiến chất độc acetaldehyde tích tụ trong mô. Thuốc có thể tác dụng hiệp đồng với rượu trên hệ thần kinh trung ương, ảnh hưởng đến chức năng của thần kinh. Rượu làm tăng nguy cơ loét dạ dày tá tràng (đặc biệt là xuất huyết tiêu hóa) khi sử dụng đồng thời với một số loại thuốc...

photo-1697196485050

Uống thuốc tây với rượu có thể gây nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Dưới đây là danh sách một số loại thuốc tây và tác hại khi uống cùng với rượu:

1. Uống thuốc tây trị dị ứng, cảm lạnh và cúm

Thuốc kháng histamin H1 là những thuốc được sử dụng cho các tình trạng dị ứng, cảm lạnh và cúm.

Các thuốc này bao gồm rất nhiều thuốc, điển hình như:

  • Loratadine (alavert, claritin, claritin-D)
  • Diphenhydramine (benadryl)
  • Desloratadine (clarinex)
  • Brompheniramine
  • Clorpheniramine (sudafed sinus & allergy, triaminic cold & allergy, tylenol allergy sinus, tylenol cold & flu)
  • Hydroxyzine (vistaril)
  • Cetirizine (zyrtec)…

Các thuốc này có thể gây buồn ngủ quá mức và có thể khiến bạn gặp nguy hiểm nếu đang lái xe ô tô hoặc vận hành máy móc. Khi kết hợp những loại thuốc này với rượu, sẽ làm tăng các nguy cơ trên và quá liều. Do đó, không uống rượu khi dùng thuốc kháng histamine này.

2. Thuốc kháng sinh và thuốc chống nấm

Các thuốc này được dùng điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm, cũng được cảnh báo không được uống cùng rượu, bia. Rượu có thể làm cho một số tác dụng phụ khó chịu của những loại thuốc này trở nên tồi tệ hơn.

Tác dụng phụ của việc trộn thuốc kháng sinh và thuốc chống nấm với rượu có thể gây nhịp tim nhanh, thay đổi huyết áp đột ngột, đau - khó chịu ở dạ dày, nôn, nhức đầu hoặc đỏ mặt. Trộn isoniazid (kháng sinh chống lao) và ketoconazole (thuốc chống nấm) với rượu cũng có thể gây tổn thương gan.

Một số loại thuốc kháng sinh phổ biến:

  • Macrodantin (nitrofurantoin)
  • Flagyl (metronidazole)
  • Isoniazid
  • Cycloserine
  • Tindamax (tinidazole)
  • Zithromax (azithromycin)…
Một số thuốc kháng nấm phổ biến:
  • Griseofulvin
  • Ketoconazol…

Các thuốc kháng sinh, chống nấm này thường được kê đơn trong vài ngày hoặc vài tuần (tùy tường trường hợp cụ thể). Do đó, người bệnh không được uống rượu nếu đang dùng một trong những loại thuốc kháng sinh hoặc thuốc chống nấm được liệt kê ở trên. Kiêng uống rượu trong khi sử dụng thuốc cũng sẽ hỗ trợ cơ thể trong quá trình lành vết thương nhanh hơn.

Hãy trao đổi với bác sĩ để biết khi nào có thể bắt đầu uống rượu được. Đôi khi, bạn có thể phải đợi 48 đến 72 giờ sau liều thuốc cuối cùng, trước khi có thể dùng đồ uống có cồn một cách an toàn.

3. Uống thuốc giảm đau

photo-1697196486177

Thuốc dùng để giảm đau cũng có thể tương tác với rượu, gây nguy hiểm.

Các nguy cơ bất lợi cho sức khỏe của thuốc giảm đau khi uống cùng với rượu sẽ khác nhau, tùy thuộc vào loại thuốc giảm đau.

3.1 Uống thuốc tây trị các chứng đau nhức, nhức mỏi, sốt, viêm

Một số thuốc tây dùng trị các chứng đau nhức thông thường, sốt:

  • Advil, motrin (ibuprofen)
  • Aleve (naproxen)
  • Excedrin (aspirin, acetaminophen và caffeine)
  • Tylenol (acetaminophen)

Kết hợp các loại thuốc để kiểm soát cơn đau thông thường, đau cơ, sốt và viêm... với rượu có thể gây khó chịu ở dạ dày, chảy máu, loét dạ dày và nhịp tim nhanh. Khi trộn với rượu, excedrin và tylenol cũng có thể gây tổn thương gan.

Khi bạn dùng những loại thuốc này thường xuyên để kiểm soát cơn đau, tốt nhất bạn nên tránh uống rượu.

3.2 Uống thuốc tây giảm đau cơ

Khi kết hợp với rượu, thuốc giãn cơ giảm đau cơ có thể gây buồn ngủ và chóng mặt. Nguy cơ co giật và nguy cơ quá liều thuốc có thể tăng lên làm khó thở, thở chậm, giảm phản ứng, có hành vi bất thường và các vấn đề về trí nhớ…

Một số thuốc giãn cơ thường dùng như:

  • Fexmid (cyclobenzaprine)
  • Soma (carisoprodol)...

Do đó, tránh uống rượu nếu bạn đang dùng những loại thuốc này.

3.3 Đối với cơn đau nặng

Đau do chấn thương, phẫu thuật và đau nửa đầu thường nghiêm trọng. Thuốc dùng để điều trị tình trạng này cần phải có tác dụng mạnh hơn. Kết hợp chúng với rượu có thể tăng nguy cơ buồn ngủ và chóng mặt, các vấn đề về hô hấp hoặc thở chậm. Nguy cơ quá liều tăng lên, khả năng kiểm soát động cơ, hành vi và trí nhớ đều có thể bị ảnh hưởng.

Một số thuốc thường gặp:

  • Demerol (meperidin)
  • Ascomp - codeine (butalbital, aspirin, caffeine, codeine)
  • Oxycodone (percocet, oxycontin)
  • Hydrocodone (lortab)
  • Fentora, duragesic (fentanyl)
  • MS contin (morphin)
  • Dilaudid (hydromorphone)
  • Methadone (methadone)
  • Conzip (tramadol)

Do đó, bạn khong nên uống rượu nếu đạng dùng các thuốc để kiểm soát các cơn đau nghiêm trọng này. 

4. Thuốc ngủ

Thuốc ngủ khi kết hợp với rượu sẽ làm tăng nguy cơ buồn ngủ, ngủ gà và chóng mặt. Hơi thở có thể chậm lại hoặc trở nên khó khăn. Mọi người cũng có thể gặp vấn đề về điều khiển máy móc, trí nhớ và hành vi.

Một số loại thuốc ngủ phổ biến:

  • Ambien (zolpidem)
  • Lunesta (eszopiclone)
  • Estazolam
  • Restoril (temazepam)
  • Sominex (diphenhydramine)
  • Unisom (doxylamin)

Ngoài ra, các loại thuốc chữa mất ngủ bằng thảo dược như hoa cúc, cây nữ lang và hoa oải hương có thể gây buồn ngủ nhiều hơn khi trộn với rượu.

Do đó, đừng mạo hiểm, thậm chí chỉ với 1-2 ly rượu. Sự kết hợp này không chỉ nguy hiểm mà còn có thể gây chết người.

Cần phải thận trọng khi trộn rượu và thuốc. Một số loại thuốc gây ra rủi ro nghiêm trọng hơn những loại khác, với các triệu chứng từ buồn ngủ, chóng mặt đến tổn thương gan, thở chậm và có thể tử vong.

Nếu bạn không chắc chắn về sự an toàn của việc kết hợp rượu và bất kỳ loại thuốc nào bạn đang dùng, hãy trao đổi với bác sĩ để có thể nhận được lời khuyên thích hợp và sử dụng thuốc an toàn.

Mời độc giả xem thêm video:

Làm gì để giảm huyết áp?

DS. Nguyễn Kim Thủy
Ý kiến của bạn