Uống thuốc tẩy giun lúc nào hiệu quả nhất?

07-12-2015 07:24 | Thông tin dược học

SKĐS - Tôi đang muốn cho mọi người trong nhà dùng thuốc tẩy giun, vì mấy năm nay không ai tẩy, nhưng uống như thế nào cho có hiệu quả nhất, xin quý báo chỉ giúp. Tôi xin cảm ơn. Nguyễn Thị Thơm (Bắc Giang)

Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau đi vệ sinh để kiểm soát nhiễm giun.

Thuốc tẩy giun trên thị trường hiện nay chủ yếu có chứa hai hoạt chất mebendazol và albendazol, có tác dụng tẩy sạch hoặc làm giảm đáng kể số lượng giun ra khỏi ruột. Đây là loại thuốc không kê đơn, bạn có thể tự mua thuốc để tẩy giun cho cá nhân và gia đình, định kỳ từ 4 - 6 tháng/1 lần, người lớn và trẻ trên 2 tuổi chỉ cần uống một liều duy nhất (1 viên) để tẩy các loại giun thông thường. Việc dùng thuốc tẩy giun định kỳ là một việc làm rất cần thiết. Với các trường hợp có những dấu hiệu nhiễm giun đã ảnh hưởng tới sức khỏe, có thể uống liều thứ hai từ sau 2 - 3 tuần để đảm bảo tẩy giun hoàn toàn, tuy nhiên phải có chỉ định của bác sĩ. Nhiễm giun là bệnh có thể lây từ người này sang người khác. Một thành viên bị nhiễm giun thì cả nhà có khả năng lây nhiễm cao. Vì vậy, để tẩy giun hiệu quả, nên cho cả nhà dùng thuốc tẩy giun trong cùng một đợt để tránh nhiễm giun chéo.

Trước đây nhiều người thường nghĩ phải uống thuốc tẩy giun khi đói bụng và nhịn đói trong thời gian khá lâu. Tuy nhiên, với thuốc tẩy giun thế hệ mới, việc uống thuốc hiện nay không phải phụ thuộc vào thời gian. Bạn có thể dùng thuốc bất kỳ thời điểm nào mà không cần lo giun không chết. Nếu muốn thuốc phát huy tác dụng diệt giun tốt nhất thì nên uống sau bữa ăn tối 2 tiếng hoặc uống vào sáng sớm khi bụng đói. Khi dùng thuốc không phải nhịn ăn hoặc uống kèm thuốc xổ (thuốc nhuận tràng) giống như dùng các thuốc trị giun cổ điển trước đây.

Khi cho mọi người trong gia đình uống thuốc tẩy giun, trong 24 giờ sau uống thuốc, bạn cần quan sát phản ứng của cơ thể về các phản ứng phụ có thể gặp như: đau đầu, nổi mề đay, mệt mỏi, buồn nôn, đau bụng... Đặc biệt là với người dị ứng với các thành phần của thuốc hoặc có cơ địa nhạy cảm. Ở mức độ nhẹ, các phản ứng trên không đáng ngại. Nếu phản ứng nặng hơn, nôn nhiều, sốt, mệt rã rời, thì cần đưa người bệnh đi khám tại cơ sở y tế gần nhất.


BS. XUÂN ANH
Ý kiến của bạn