1. Cơ chế tác dụng của thuốc lợi tiểu
Cơ chế của thuốc lợi tiểu tác động đến thận nhằm tăng lượng muối và nước thải ra khỏi cơ thể qua đường tiết niệu. Hầu hết các thuốc lợi tiểu giúp tăng khả năng bài niệu tại thận bằng cách ức chế sự tái hấp thu natri ở các phần khác nhau của ống thận.
Thông qua cơ chế tác dụng thuốc lợi tiểu làm giảm lượng máu và áp lực tĩnh mạch. Điều này làm giảm sự đổ đầy của tim, giảm thể tích bóp tâm thất và cung lượng tim, dẫn đến giảm áp lực động mạch. Sự giảm áp lực tĩnh mạch làm giảm áp suất thủy tĩnh mao mạch, làm giảm quá trình lọc dịch mao mạch và thúc đẩy tái hấp thu dịch mao mạch, do đó làm giảm phù nề, hạ huyết áp.
Sử dụng thuốc lợi tiểu không đúng có thể dẫn đến suy thận cấp hoặc làm nặng thêm tình trạng suy thận sẵn có.
Thuốc lợi tiểu được sử dụng trong:
- Điều trị tăng huyết áp: Hiệu quả của thuốc lợi tiểu sẽ tăng lên khi có sự kết hợp với giảm lượng natri trong chế độ ăn. Tác dụng này thông qua khả năng làm giảm thể tích máu, giảm cung lượng tim và kháng mạch hệ thống.
- Điều trị suy tim: Thuốc lợi tiểu làm giảm sung huyết phổi và/hoặc phù toàn thân và các triệu chứng lâm sàng kèm theo, từ đó làm giảm gánh nặng cho tim bằng cách thúc đẩy giãn mạch toàn thân, có thể giúp cải thiện tống máu tâm thất, giúp cải thiện triệu chứng suy tim.
- Điều trị suy thận: Trong một số trường hợp suy thận, thuốc lợi tiểu có thể được sử dụng để giảm tải cho thận, bằng cách loại bỏ nước và muối thừa giúp cải thiện chức năng thận và kiểm soát triệu chứng.
- Phù phổi và toàn thân: Thuốc lợi tiểu làm giảm thể tích máu và áp lực tĩnh mạch, làm giảm áp suất thủy tĩnh mao mạch, làm giảm sự lọc dịch trong mao mạch và phù nề mô. Thuốc lợi tiểu cũng có thể được sử dụng để điều trị phù chân do suy tim bên phải hoặc suy tĩnh mạch ở chi.
Tuy nhiên, khi bạn uống thuốc lợi tiểu quá mức có thể gây giảm thể tích dịch cơ thể dẫn đến tụt huyết áp làm chóng mặt, hoa mắt, ngất hoặc hôn mê. Hơn nữa, do làm tăng bài tiết nước trong cơ thể nên uống thuốc lợi tiểu có thể gây mất cân bằng muối - nước và kiềm toan trong máu, như làm tăng thải trừ những chất điện giải, giảm canxi, magie và đặc biệt là gây giảm kali huyết. Các rối loạn nội môi, rối loạn điện giải có thể dẫn đến suy thận cấp hoặc làm nặng thêm tình trạng suy thận sẵn có.
Các tác dụng phụ có thể gặp khi điều trị với thuốc lợi tiểu như chướng bụng, chuột rút, yếu cơ, mệt mỏi (do rối loạn điện giải); ù tai, điếc do tổn thương dây thần kinh số VIII nếu sử dụng kết hợp với các kháng sinh độc với thận...
Ngoài ra, thuốc lợi tiểu có thể làm tăng acid uric trong máu, làm tăng nguy cơ làm khởi phát cơn gout cấp ở những người có tiền sử bị gout hoặc nếu bạn đang bị bệnh sẽ làm tình trạng bệnh gout nặng thêm. Bệnh nhân đái tháo đường, suy gan, vàng da, rối loạn nhịp tim... cũng cần lưu ý bởi thuốc lợi tiểu có thể khiến các triệu chứng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
2. Khuyến cáo của chuyên gia khi sử dụng thuốc lợi tiểu
- Lựa chọn thuốc lợi tiểu tùy theo vào sự chỉ định điều trị, vào nồng độ thải natri mong muốn, vào thời gian tác dụng của thuốc, vào tác dụng phụ đặc hiệu của mỗi loại thuốc và vào chức năng thận của người bệnh.Người bệnh chỉ sử dụng thuốc lợi tiểu theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Thông tin cho bác sĩ các bệnh lý mình đã mắc hoặc đang điều trị như gout, đái tháo đường… khi được chỉ định thuốc lợi tiểu để bác sĩ chỉ định thuốc thích hợp.
- Không nên tự ý dùng đồng thời các thuốc khác khi đang điều trị bằng thuốc lợi tiểu mà phải hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị.
- Nguy cơ tương tác thuốc: Thuốc lợi tiểu có thể phản ứng với thuốc chống trầm cảm, digoxin, thuốc cyclosporine ức chế miễn dịch, nhóm NSAIDs... Vì vậy, nếu bạn đang dùng các thuốc này thì cũng cần thông báo trước cho bác sĩ để tránh những tác dụng ngoại ý do tương tác thuốc gây ra.
- Nên hạn chế dùng thuốc lợi tiểu cho người già. Trường hợp thật cần thiết phải dùng lợi tiểu thì nên giảm liều sử dụng và dùng thời gian ngắn, tránh kết hợp với chế độ ăn nhạt khắt khe không có lợi cho người già.
- Khi dùng thuốc lợi tiểu mà thấy có triệu chứng chuột rút, yếu cơ, mệt mỏi, khát nhiều, bất an, mạch nhanh thì phải đi khám ngay, vì có thể đó là dấu hiệu mất kali do dùng thuốc lợi tiểu. Trong khi đó, kali lại đóng vai trò rất quan trọng trong co bóp tim và duy trì thể trạng tốt.
Khi sử dụng thuốc lợi tiểu, người dùng thuốc lợi tiểu nên ăn nhiều chuối, uống nhiều nước cam để bổ sung kali.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Cảnh báo: Bệnh Alzheimer trẻ hoá, nhiều người 30 tuổi đã lúc nhớ lúc quên | SKĐS