Uống thuốc đúng không phải dễ

16-09-2020 11:04 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Trong suốt cuộc đời mỗi người có lẽ không ai không phải ít nhất một lần phải dùng thuốc, và cũng không hiếm những người phải sống hằng ngày với thuốc. Nên uống thuốc thế nào để hiệu quả, uống thế nào để hạn chế những tác dụng không mong muốn là những điều cần đặc biệt quan tâm.

Dạng thuốc - yếu tố quan trọng khi sử dụng thuốc

Dạng thuốc, hay dạng bào chế, là dạng trình bày thích hợp của dược chất (hoạt chất) để đảm bảo an toàn, hiệu quả, dễ sử dụng, dễ bảo quản khi đến tay người dùng. Một hoạt chất có thể có rất nhiều dạng thuốc, một ví dụ quen thuộc là paracetamol có các dạng thuốc như viên nén, viên sủi, thuốc cốm pha uống, sirô… Dạng thuốc khác nhau chứa các tá dược khác nhau, ảnh hưởng quyết định đến tốc độ và thời điểm giải phóng cũng như hấp thu hoạt chất trong cơ thể, vì thế ngoài ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị còn đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, hạn chế tác dụng phụ. Toa thuốc được bác sĩ chỉ định sẽ bao gồm dạng thuốc, liều của từng hoạt chất, được bác sĩ cân nhắc với đối tượng người bệnh cụ thể.

Trong thực tế không hiếm những trường hợp bệnh nhân mua và dùng thuốc hoặc mua thuốc theo toa nhưng tự ý thay đổi dạng bào chế vì nhiều lý do khác nhau. Ví dụ như trường hợp bác sĩ chỉ định thuốc viên nén, nhưng bệnh nhân thích mùi thơm, hương vị và tác dụng nhanh nên tự ý sử dụng dạng viên sủi, điều này tiềm ẩn nguy cơ đối với người tăng huyết áp áp mạn tính và suy thận vì  dạng viên sủi có chứa thành phần tá dược natri bicarbonate nên chứa lượng lớn natri (khoảng vài trăm mg mỗi viên) nên có thể làm diễn tiến nặng hơn tình trạng bệnh sẵn có. Hoặc đối với người bệnh đái tháo đường, dùng dạng sirô thuốc chứa hàm lượng đường rất cao sẽ làm tăng đường huyết. Một số đối tượng khó nuốt như người già, trẻ em hay được bác sĩ chỉ định dạng thuốc nước hoặc thuốc bột, cốm hòa tan để dễ uống, nhưng lại sử dụng thuốc viên nén thay thế dẫn đến nguy cơ bị hóc, sặc.

Ngày nay, nhiều dạng thuốc với kỹ thuật bào chế hiện đại ra đời nhằm tối ưu hiệu quả điều trị, kéo dài thời gian tác động như các dạng thuốc kiểm soát phóng thích dược chất, các loại bút tiêm insulin cho bệnh nhân đái tháo đường. Thuốc kiểm soát phóng thích dược chất có thể kéo dài thời gian giải phóng dược chất hoặc điều chỉnh lượng dược chất được phóng thích trong khoảng thời gian xác định. Tên của các biệt dược dạng này thường có thêm các ký tự “LA, XL, XR, MR, CR, CD, DR, SR…” so với dạng thông thường và liều dùng cũng khác. Còn đối với bút tiêm insulin, các loại khác nhau có hiệu lực và thời gian tác động rất khác nhau, sử dụng sai dễ dẫn đến hạ đường huyết quá mức. Vì vậy, các loại thuốc đặc biệt này cần được chú ý mua và sử dụng đúng chỉ định của bác sĩ.

Uống thuốc

Thuốc dạng nào dùng đúng dạng đó

Thuốc viên nén, viên nang dùng qua- đường uống: Uống với nước, tốt nhất là nước đun sôi để nguội. Đối với trẻ em, nên theo dõi việc uống thuốc cẩn thận vì trẻ ham chơi có thể nuốt viên thuốc mà không uống nước, thuốc có thể dính lại thực quản (nhất là thuốc viên nang) và có thể làm viêm loét thực quản. Không uống cùng nước trái cây, trà, cà phê hoặc sữa vì sẽ làm giảm tác dụng. Nếu có dùng rượu bia, uống thuốc sau vài giờ hoặc hỏi ý kiến bác sĩ. Một số thuốc dạng viên ngậm, thuốc nhai cần được ngậm, nhai cho tan dần trong miệng trước khi nuốt. Nhưng đặc biệt chú ý một số dạng thuốc kiểm soát phóng thích dược chất, thuốc viên bao tan trong ruột, thuốc đặt dưới lưỡi, thuốc có độc tính cao, tuyệt đối không bẻ, nghiền, nhai hay mở nang viên thuốc. Bởi vì việc phá vỡ cấu trúc viên thuốc sẽ làm thay đổi sự giải phóng và hấp thu hoạt chất theo tính toán của nhà sản xuất, dẫn đến giảm hoặc mất hiệu quả điều trị cũng như gây ra độc tính do quá liều vì sự hấp thu quá nhanh hoạt chất.

Lời khuyên của thầy thuốc
- Cung cấp đầy đủ thông tin cho bác sĩ: các loại thuốc đang sử dụng kể cả thực phẩm chức năng, bệnh đang mắc, tình trạng sinh lý đặc biệt như có thai, có ý định có thai, có kinh nguyệt hoặc cho con bú. Ngược lại, cũng hỏi rõ bác sĩ về tác dụng không mong muốn cũng như các lưu ý khi dùng thuốc.
- Đọc kĩ thông tin hướng dẫn đi kèm trong hộp thuốc, với các thông tin rất hữu ích.
- Thông báo cho bác sĩ ngay khi có các dấu hiệu bất thường, đặc biệt các dấu hiệu dị ứng như nổi mẩn, ban đỏ.
- Xây dựng lối sống và chế độ dinh dưỡng tốt hơn theo tư vấn của bác sĩ để hỗ trợ quá trình điều trị, giảm thiểu dùng thuốc và tránh các tương Kỵ với thuốc đang sử dụng, đặc biệt với bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu.
- Chú ý bảo quản đúng cách và hạn sử dụng đối với các loại thuốc không kê đơn.

Thuốc dùng đường uống dạng lỏng: Không uống trực tiếp mà phải dùng các dụng cụ đo lường kèm theo để đảm bảo đúng liều thuốc và không làm thuốc nhiễm bẩn. Một số loại thuốc cần lắc đều chai trước khi dùng.

Thuốc đặt hậu môn, âm đạo: Thường phải làm lạnh viên thuốc trước khi đặt để thuốc đông lại, cũng như đưa viên thuốc vào đúng độ sâu yêu cầu để viên thuốc không rơi ra ngoài và đảm bảo thuốc được hấp thu tốt.

Thuốc bôi, dùng ngoài da: Thường bôi lớp mỏng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Việc sử dụng thuốc trên các vùng da nhạy cảm (vùng da mặt, cổ, sinh dục), vùng nếp gấp, da bị tổn thương hoặc băng kín sẽ làm tăng hấp thu thuốc, tăng nguy cơ bị kích ứng, bỏng rát, mẩn đỏ hoặc hấp thu toàn thân.

Thuốc dạng khí dung: Chú ý sử dụng đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ.

Sử dụng đúng chỉ định

Dùng thuốc không đủ liều sẽ dẫn đến tình trạng “lờn thuốc”, kháng thuốc, làm bệnh nặng và khó điều trị hơn, nhất là với kháng sinh.

Sai lầm phổ biến của người bệnh là tự ý dừng sử dụng thuốc khi triệu chứng bệnh đã thuyên giảm nhiều hoặc tương đối ổn định sau một thời gian điều trị. Đối với một số loại thuốc, việc ngừng thuốc đột ngột có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong bởi xảy ra hội chứng dội ngược: bệnh sẽ nặng hơn cả trước khi dùng thuốc. Đặc biệt chú ý ở một số thuốc điều trị tăng huyết áp. Điều này liên quan đến cơ chế điều chỉnh số lượng các thụ thể của cơ thể. Vì vậy, phải dùng thuốc đủ thời gian theo hướng dẫn của bác sĩ, vì bác sĩ sẽ giảm liều dần hoặc dần thay thế bởi loại thuốc khác.

Sử dụng thuốc đúng thời điểm

Xem kỹ và tuân theo số lần cũng như thời điểm sử dụng thuốc trên toa bác sĩ. Một số thuốc yêu cầu uống trước bữa ăn (lúc đói) vì dược chất nhạy cảm với acid dạ dày hoặc tương kỵ một số thực phẩm, để thuốc nhanh di chuyển xuống ruột non, có thức ăn sẽ làm cản trở sự hấp thu thuốc. Ngược lại, thuốc yêu cầu uống trong bữa ăn (lúc no) vì thuốc có thể gây kích ứng hoặc gây hại dạ dày. Các thuốc có sự tương tác với nhau sẽ được bác sĩ chỉ định dùng thuốc ở các thời điểm cách xa nhau trong ngày. Thuốc yêu cầu dùng ban ngày vì sẽ gây mất ngủ như các thuốc kích thích thần kinh, thuốc lợi tiểu, vitamin C, hoặc làm tăng nguy cơ sỏi thận nếu dùng ban đêm, ít vận động với các thuốc bổ sung canxi dạng uống. Đặc biệt, các thuốc corticoid dạng uống nên được sử dụng vào buổi sáng để hạn chế nguy cơ suy tuyến thượng thận.

Nên đứng, ngồi hay nằm sau dùng thuốc?

Hạn chế nằm ngay sau khi uống thuốc, bởi có thể gây hóc, sặc hoặc thuốc dính vào vách thực quản gây viêm loét, nhất là các loại thuốc viên nang. Ví dụ như alendronate, một loại thuốc điều trị loãng xương, được yêu cầu duy trì tư thế đứng hoặc ngồi thẳng lưng ít nhất 30 phút sau khi uống thuốc và uống với nhiều nước.

Sau khi uống thuốc có thể thực hiên các vận động nhẹ như đi bộ, đi dạo xung quanh nhà, trong vườn… và không nên vận động, lao động nặng sau khi dùng thuốc.


DS. VĨNH PHÚ
Ý kiến của bạn