Uống thuốc bổ sung sắt điều trị thiếu máu như thế nào?

22-12-2024 06:00 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Thiếu máu là tình trạng xảy ra khi cơ thể không có đủ tế bào hồng cầu để vận chuyển oxy, gây ra các triệu chứng như mệt mỏi và đau đầu... Một loại thiếu máu là thiếu máu do thiếu sắt có nguyên nhân do lượng sắt thấp.

Cảm thấy mệt mỏi và uể oải là những triệu chứng mà hầu như ai cũng từng gặp phải vào một thời điểm nào đó, nhưng đôi khi kết hợp với cảm giác cáu kỉnh và đau đầu, có thể là dấu hiệu của bệnh thiếu máu. Đây là tình trạng phát triển khi cơ thể không có đủ tế bào hồng cầu để vận chuyển oxy đến các bộ phận khác nhau của cơ thể.

Sắt rất cần thiết để tạo ra hemoglobin, giúp vận chuyển oxy trong máu. Khi cơ thể không có đủ sắt, gây thiếu máu do thiếu sắt. Tình trạng này có thể xảy ra khi bạn không nhận đủ sắt từ chế độ ăn uống hoặc nếu bạn gặp vấn đề trong việc hấp thụ sắt trong ruột. Mất máu chẳng hạn như do kinh nguyệt ra nhiều, là một nguyên nhân tiềm ẩn khác.

Thiếu máu thiếu sắt, do nồng độ sắt thấp, là một trong những loại thiếu máu phổ biến nhất. Phương pháp điều trị thường bao gồm việc dùng viên bổ sung sắt để giúp đưa nồng độ sắt trở lại bình thường.

Uống thuốc bổ sung sắt điều trị thiếu máu như thế nào?- Ảnh 1.

Thiếu sắt là một nguyên nhân gây thiếu máu (thiếu máu thiếu sắt).

Viên bổ sung sắt có nhiều dạng khác nhau, bao gồm viên uống và dạng lỏng mà bạn có thể mua không cần đơn thuốc (OTC). Ngoài ra còn có thuốc bổ sung sắt theo toa. Đối với những trường hợp nghiêm trọng hơn, có thể khuyến cáo truyền sắt.

Nếu bác sĩ khuyên nên dùng viên bổ sung sắt dạng uống, có một số dạng để lựa chọn, bao gồm sắt sulfat, sắt fumarate và sắt bisglycinate. Mỗi loại chứa một tỷ lệ phần trăm sắt nguyên tố khác nhau - loại sắt mà cơ thể có thể hấp thụ.

Để đảm bảo bạn dùng đúng liều lượng, hãy kiểm tra lượng sắt nguyên tố được liệt kê trên nhãn sản phẩm và làm theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh dùng quá nhiều sắt có thể gây nguy hiểm.

Thuốc bổ sung sắt có thể gây ra các tác dụng phụ ở đường tiêu hóa, chẳng hạn như buồn nôn và nôn, đau dạ dày, táo bón hoặc tiêu chảy. Người dùng cũng thường có cảm giác vị kim loại trong miệng sau khi uống. Phân có thể chuyển sang màu xanh lá cây hoặc đen sau khi bắt đầu điều trị bằng thuốc bổ sung sắt. Đây là tác dụng phụ bình thường, tạm thời và hết khi ngừng uống sắt (không nguy hiểm).

Một số người có thể thấy rằng một số dạng sắt, chẳng hạn như sắt bisglycinate, dễ tiêu hóa hơn đối với dạ dày của họ. Mặc dù tốt nhất là uống sắt khi bụng đói, nhưng uống sắt cùng với một bữa ăn nhẹ cũng có thể giúp ích nếu bạn cảm thấy buồn nôn. Để che giấu vị kim loại, hãy thử nhai kẹo cao su hoặc súc miệng bằng nước súc miệng sau khi uống.

Sắt có thể tương tác với các loại thuốc, thực phẩm và đồ uống khác. Trong một số trường hợp, có thể cần tránh uống một số chất quá gần thời điểm bạn uống viên bổ sung sắt. Tham khảo ý kiến bác sĩ/dược sĩ xem xét danh sách thuốc hiện tại của bạn và giúp bạn quản lý các tương tác tiềm ẩn.

Thuốc bổ sung sắt không có tác dụng ngay lập tức, thông thường phải mất vài tuần trước khi bạn bắt đầu nhận thấy các triệu chứng cải thiện, chẳng hạn như mức năng lượng cao hơn. Nên xét nghiệm máu trong quá trình điều trị để xem cơ thể phản ứng với điều trị như thế nào, điều chỉnh phác đồ khi cần thiết.

Mời độc giả xem thêm:

Trẻ nào dễ có nguy cơ bị thiếu máu, thiếu sắt?Trẻ nào dễ có nguy cơ bị thiếu máu, thiếu sắt?

SKĐS - Thiếu máu do thiếu sắt là loại thiếu máu dinh dưỡng hay gặp nhất và chiếm tỷ lệ cao ở trẻ nhỏ. Sau khi sinh thì sữa mẹ là nguồn cung cấp sắt duy nhất, sắt trong sữa mẹ tuy ít nhưng tỷ lệ hấp thu cao. Nếu không được bú mẹ đầy đủ, trẻ sẽ bị thiếu sắt dẫn đến thiếu máu.


DS. Thu Hoàng
Theo Grx
Ý kiến của bạn