Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, buổi tối trước khi vào viện người bệnh có uống rượu với ve sầu. Sau ăn khoảng 3 - 4 tiếng thấy mẩn đỏ toàn thân, ngứa, mệt mỏi, cảm giác lạnh người, khó thở, đái ỉa không tự chủ. Gia đình đã vội đưa người bệnh đi cấp cứu.
Sau khi tiến hành thăm khám các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị sốc phản vệ độ III do ăn ve sầu. Xác định đây là trường hợp người bệnh rất nặng, ngay lập tức các bác sĩ tiến hành cấp cứu sốc phản vệ theo phác đồ: người bệnh được tiêm ADRENALIN, sử dụng thuốc vận mạch, truyền dịch và tiến hành rửa dạ dày.
Nhờ phát hiện và điều trị kịp thời, sau 1 ngày điều trị, bệnh nhân đã ổn định, tỉnh táo, các chỉ số lâm sàng bình thường và đã được xuất viện.
Ve sầu dễ mang nhiều mầm bệnh nguy hiểm vì thế bác sĩ khuyến cáo người dân cần hạn chế ăn các loại côn trùng, đặc biệt là ve sầu
Trước đó ở một số bệnh viện cũng đã ghi nhận một số trường hợp nhập viện cấp cứu vì ngộ độc ve sầu, nhộng ve sầu đó là trường hợp 5/2017, 5 người ở Vũng Tàu bị ngộ độc ve sầu phải cấp cứu. Còn theo thống kê chưa đầy đủ tại bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi năm các bác sĩ của bệnh viện này cũng tiếp nhận hàng chục ca cấp cứu vì ngộ độc ve sầu.
Theo các bác sĩ, sở dĩ người ăn ve sầu, nhộng ve sầu bị ngộ độc là vì ve sầu chui dưới đất lên nên dễ mang theo nhiều mầm bệnh nguy hiểm. Khi gặp độ ẩm, nhiệt độ, môi trường sinh trưởng thích hợp, thì những bào tử nấm đã nhiễm vào các con côn trùng, ấu trùng phát tán mạnh và sẽ biến thân mình của những con côn trùng, ấu trùng thành những nơi chứa đầy các sợi tơ nấm độc trong thân của nó.
Cũng theo các bác sĩ côn trùng, ấu trùng bị các bào tử nấm độc nhiễm vào này giết chết, nhưng vẫn giữ nguyên hình dạng bên ngoài nên nhiều người không nhận biết được, bắt về ăn và bị ngộ độc.
Chính vì vậy, người dân cần hạn chế ăn các món từ côn trùng, đặc biệt là ve sầu. Nếu sau khi ăn phải, có những biểu hiện chóng mặt, nôn mửa, co giật tay chân, cứng hàm, mê sảng cần nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.