Vai trò của gien ALDH2
Nhiều nghiên cứu trong vòng hai thập niên qua cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin quan trọng về ảnh hưởng của gien đến tửu lượng của từng cá nhân. Quá trình chuyển hóa từ ethanol trong rượu sang acetaldehyde có vai trò điều phối của một gien có cùng tên với enzyme là ALDH2. Gien ALDH2 có hai type là Glu (G) và Lys (L). Do đó, trong dân số có 3 nhóm người với 3 kiểu gien: GG, LG và LL.
Người mang kiểu gen LL cơ thể không có khả năng chuyển hóa acetaldehyde một cách hữu hiệu, và do đó chất này tích tụ trong cơ thể. Chính vì lý do này mà người mang kiểu gien LL khi uống rượu mặt trở nên đỏ bừng, hay nôn mửa, và tim đập nhanh. Kiểu gien LL có mặt trong khoảng 30-40% ở người Đông Á (Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc). Ở Việt Nam, vì chưa có những nghiên cứu liên quan nên chúng ta chưa biết chính xác tần số người mang kiểu gien LL, nhưng cùng là người châu Á nên cũng có thể vào khoảng 30-40%.
Người mang kiểu gien GG có khả năng chuyển hóa acetaldehyde tốt nhất, người mang kiểu gien LG có khả năng chuyển hóa acetaldehyde tốt, nên họ có tửu lượng cao hơn những người có kiểu gien LL. Phần lớn những người uống rượu nhiều ở Nhật và Hàn Quốc mang kiểu gien GG và LG.
Như vậy những người mang kiểu gen LL thì khi uống rượu, lượng acetaldehyde được chậm chuyển hóa thành acetat và bị tích lũy lại với nồng độ cao trong máu gây ra dãn mạch mạnh, làm mặt và da đỏ, tim đập nhanh, nôn mửa, nhức đầu. Những người này nếu uống nhiều rượu sẽ có nguy cơ tổn thương các cơ quan như vữa xơ động mạch, xơ gan, đột quỵ, ung thư thực quản… nhiều hơn so với những người có kiểu gen GG hoặc LG khi uống cùng một lượng rượu. Acetaldehyde có tác dụng làm cho các mao mạch dãn rộng. Dãn rộng các mao mạch trên mặt là nguyên nhân khiến cho mặt bị đỏ.
Những người uống rượu mặt bị đỏ có nghĩa là có thể nhanh chóng chuyển hóa ethanol thành acetaldehyde do họ có enzyme alcohol dehydrogenase (ADH) có hoạt tính cao, nhưng lại chậm chuyển acetaldehyde thành acetat do hoạt tính của enzym acetaldehyde dehydrogenase2 (ALDH 2) thấp. Vì hoạt tính enzyme ADH cao, nhưng hoạt tính enzyme ALDH2 thấp, cho nên cơ thể nhanh chóng tích tụ acetaldehyde, do đó thời gian đỏ mặt sẽ dài hơn. Nhưng sau khoảng một đến hai giờ mặt đỏ sẽ nhạt dần, đó là nhờ enzym P450 trong gan chuyển hóa acetaldehyde thành acetat, sau đó acetat đi vào chu trình crep để chuyển hóa thành CO2, H2O và năng lượng.
Những người có kiểu gen GG có tốc độ chuyển hóa nhanh acetaldehyde thành acetat và họ có thể uống một lượng rượu lớn mà không thấy thay đổi gì. Những người uống rượu nhiều mà càng uống mặt càng tái đi, đến một lúc nào đó đột nhiên không uống được nữa, say đến mức “không biết trời đất”. Đó là vì họ có enzyme ALDH2 có hoạt tính cao. Những người như vậy có thể uống được một lượng rượu rất nhiều. Một người vừa có enzyme ADH có hoạt tính cao vừa có enzyme ALDH2 hoạt tính cao thì họ là những “cao thủ” về tửu lượng. Những người này khi uống rượu thường ra mồ hôi nhiều, vì nếu như hai loại enzyme đều có hoạt tính cao, alcohol sẽ nhanh chóng biến thành acetat đi vào chu trình chu trình crep để chuyển hóa cho ra năng lượng dưới dạng nhiệt làm họ đổ mồ hôi nhiều khi uống rượu.
Hội chứng đỏ mặt khi uống rượu
Rượu liên quan với ung thư thực quản như thế nào?
Ung thư thực quản tuy không phổ biến ở các nước phương Tây nhưng khá phổ biến ở người Á châu. Ung thư thực quản là một bệnh nguy hiểm, bởi vì khoảng 2/3 bệnh nhân tử vong trong vòng 5 năm sau khi chẩn đoán. Nhiều nghiên cứu trong thời gian qua cho thấy nguy cơ ung thư thực quản gia tăng theo hàm lượng rượu. Người uống rượu càng nhiều, nguy cơ ung thư càng tăng theo cấp số nhân.
Ung thư thực quản của một bệnh nhân 51 tuổi với tiền sử uống rượu và mặt đỏ bừng. Nguồn: PLoS Medicine.
Nguy cơ ung thư tùy thuộc vào kiểu gien. Đối với những người mang kiểu gien LL có nguy cơ ung thư cao hơn người mang kiểu gien LG và GG. Ung thư thực quản cũng như tổn thương các cơ quan khác còn phụ thuộc vào lượng rượu được uống. Chẳng hạn, nếu người mang kiểu gien LL mà uống nhiều rượu (trên 400 mg mỗi tuần) nguy cơ ung thư thực quản tăng gấp 50 lần so với người cũng mang kiểu gien LL uống rượu với liều lượng thấp (dưới 200 mg ethanol mỗi tuần).
Tuy nhiên, vì những biến chứng nôn mửa và nóng bừng, tim đập nhanh nên người mang kiểu gien LL thường không uống nhiều rượu. Do đó, ung thư thực quản lại hay thấy ở những người mang kiểu gien LG và GG. Thật vậy, nghiên cứu ở Nhật cho thấy khoảng 60-70% trường hợp ung thư thực quản là do kiểu gien LG!
Phòng bệnh bằng cách gì?
Ở nước ta, lạm dụng rượu bia đã và đang trở thành một vấn nạn y tế cộng đồng với qui mô quốc gia. Kết quả điều tra y tế cộng đồng của Tổ chức Y tế thế giới cho biết có khoảng 70% đàn ông và 4% phụ nữ thường xuyên uống rượu và bia. Trong số này 6% đàn ông được xem là uống “nhiều rượu” ở mức độ có thể gây nguy hại đến sức khỏe.
Với những hiểu biết trên giúp chúng ta có những biện pháp phòng ngừa để tránh những tác hại của rượu. Nếu người uống rượu mà mặt biến thành màu đỏ bừng, đó là dấu hiệu cho biết người đó có thể mang kiểu gien LL của gien ALDH2, và nếu tiếp tục uống rượu dù ở liều lượng trung bình (như 200 đến 400 mg ethanol mỗi tuần) thì nguy cơ ung thư thực quản rất cao. Biện pháp phòng bệnh tốt nhất cho những người này là hạn chế tửu lượng càng thấp càng tốt, tốt nhất là bỏ rượu.
Đối với những người uống rượu nhưng mặt không đỏ, rất có thể họ có kiểu gien LG hoặc GG. Những người này (khoảng 60-70% trong cộng đồng) vì tửu lượng cao, họ thường uống nhiều, do đó nguy cơ ung thư thực quản vẫn tăng. Biện pháp phòng bệnh ở những người này là giữ liều lượng rượu ở mức trung bình và thấp (dưới 400 mg ethanol/tuần) để giảm nguy cơ ung thư thực quản. Theo ước tính của các nhà nghiên cứu, nếu những người mang kiểu gien LG và GG giảm tửu lượng xuống mức dưới 200 mg ethanol/tuần thì số ca ung thư thực quản sẽ giảm khoảng 50%.