Hà Nội

Uống rượu thuốc có giúp bổ thận tráng dương?

 BSCKII Huỳnh Tấn Vũ

BSCKII Huỳnh Tấn Vũ

Trưởng đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh

31-01-2024 08:30 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Cuối năm nhiều người không thể tránh khỏi các bữa tất niên, tổng kết. Trong bữa tiệc ấy không thể thiếu đồ uống có cồn như rượu, bia…Tuy nhiên do được biết nhiều tác hại của rượu bia nên nhiều người có quan niệm 'chuyển sang' dùng rượu thuốc vừa an toàn lại bổ thận. Vậy, suy nghĩ này có đúng không?

Báo Sức khỏe & Đời sống nhận được nhiều câu hỏi của độc giả xung quanh chủ đề này.

"Là một chủ doanh nghiệp, cuối năm tôi thường xuyên phải tham dự các bữa tiệc liên hoan, trong các bữa tiệc ấy không thể tránh khỏi uống nhiều bia, rượu. Có người mách tôi, uống rượu thuốc nhà ngâm sẽ an toàn và an tâm hơn, không những thế còn bổ thận tráng dương, tăng cường sức khoẻ. Tôi đã thực hiện và cũng thấy rất an tâm. Xin hỏi tôi có áp dụng thường xuyên được không?" - (Lê Triều Nam, 50 tuổi, Thanh Xuân, HN).

BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị điều trị ban ngày,  BVĐH Y Dược thành phố Hồ Chí Minh tư vấn:

Theo y học cổ truyền, rượu có vị cam khổ tân ôn, có độc, vào tâm, can, phế, vị. Có tác dụng thông kinh, khai vị, trợ tiêu hóa, khu phong tán hàn, thấp tý...

Trong Đông y, rượu là chất dẫn thuốc, trong thuật ngữ của Đông Y "quân-thần-tá-sứ" thì rượu được gọi là sứ. Sứ có tác dụng đưa thuốc đến nơi có bệnh để tập trung tác dụng trị liệu và điều hòa các vị thuốc trong một phương thuốc. Rượu giống như một "sứ giả" trong điều trị bệnh. Nếu dùng rượu thuốc điều độ và hợp lý, rượu dẫn thuốc làm cho tạng phủ, tinh, khí, thần tốt lên. Dùng thuốc là chính, rượu dẫn để quy nạp về tạng phủ. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người đang hiểu sai về rượu thuốc. Không ít người suy nghĩ rượu thuốc không gây hại, thậm chí là "bổ thận tráng dương" là chưa đúng.

Bởi, trong Y học cổ truyền có câu: "Tửu năng hành huyết, tửu năng tà". Nghĩa là tửu có khả năng hành huyết và cũng có thể gây hại, tùy vào cách thức, mục đích sử dụng.

Rượu thuốc sẽ có lợi cho sức khỏe nếu đúng chỉ định và điều độ trong sử dụng, cần phải có sự tư vấn của bác sĩ y học cổ truyền khi ngâm và sử dụng rượu thuốc phải đúng người đúng bệnh. Người uống rượu thuốc phải được chẩn trị bệnh mới được chỉ định sử dụng. Khi sử dụng phải có sự giám sát hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa y học cổ truyền. Rượu thuốc ngâm cũng phải đúng liều lượng, đúng thang, gia giảm...Có như vậy mới đảm bảo an toàn và hiệu quả trong chăm sóc và chữa bệnh.

Ngược lại, rượu thuốc nếu không biết cách xử lý dược liệu trước khi ngâm, không biết cách ngâm, đặc biệt là dùng rượu không rõ nguồn gốc, rượu pha cồn... không đảm bảo chất lượng, dùng không đúng (lạm dụng)... rất dễ gây độc, thậm chí tử vong.

Mặt khác, lạm dụng rượu bia nói chung sẽ khiến cho nhiều người trong cơn say và ngủ mê, nên không phát hiện ra những dấu hiệu của đột quỵ, đến khi được phát hiện thì đã quá muộn. Sử dụng rượu bia gây ra đột quỵ thực sự là 1 gánh nặng cho sức khỏe, tính mạng, là 1 biến cố nặng nề cho bản thân người bệnh và gia đình.

Hơn nữa không có một ngưỡng nào là an toàn cho việc sử dụng rượu bia, cho dù chỉ dùng 1 lượng rất nhỏ cũng có ảnh hưởng nhất định đối với cơ thể. Vì vậy, mỗi người nên tiết chế sử dụng rượu theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Rượu thuốc bổ thận tráng dương cho quý ôngRượu thuốc bổ thận tráng dương cho quý ông

SKĐS - Rượu thuốc bổ thận tráng dương là phương pháp rất phổ biến trong điều trị các chứng bệnh như: Liệt dương, giảm ham muốn sinh lý, xuất tinh sớm, tinh trùng yếu, hiếm muộn, đau mỏi lưng gối…


H.Nguyên
Ý kiến của bạn