Uống rượu pha huyết động vật: Có tăng cường “bản lĩnh” đàn ông?

13-06-2012 13:26 | Thời sự
google news

Quan niệm cho rằng uống các loại rượu huyết sẽ tăng sức khỏe, sức đề kháng, tăng khả năng đàn ông và để chữa bệnh nên uống rượu huyết rắn, huyết hươu, dê, bồ câu, ba ba, rắn…

(SKDS) –Quan niệm cho rằng uống các loại rượu huyết sẽ tăng sức khỏe, sức đề kháng, tăng khả năng đàn ông và để chữa bệnh nên uống rượu huyết rắn, huyết hươu, dê, bồ câu, ba ba, rắn… đang trở thành “mốt” của nhiều nam giới ở cả thành thị lẫn nông thôn. Bổ đâu chưa thấy, nhưng những ca ngộ độc rượu phải đi cấp cứu thì ngày càng nhiều. Thậm chí nhiều trường hợp còn nhiễm giun sán do uống loại rượu này.

Đua nhau uống rượu huyết

Rượu pha soda, nước tăng lực hay nước ngọt... đã không còn hấp dẫn dân nhậu. Để tăng cường bản lĩnh đàn ông, mốt đang thịnh trong làng nhậu là uống rượu máu (huyết). Huyết của con vật nào càng lạ, càng độc thì càng hấp dẫn. Theo đó, rượu huyết rắn chỉ là món xoàng xĩnh. Người ta đã nghĩ ra hàng chục loại rượu huyết từ dê, bồ câu, nai... ngay cả huyết mèo cũng được mang lên bàn nhậu. Ngoài lý do uống cho biết rượu huyết như thế nào, phần lớn nam giới uống rượu huyết do bị hấp dẫn bởi lời quảng cáo của chủ quán “một người uống, hai người vui”.

 Rượu pha tiết ba ba.

Bổ đâu chưa thấy…           

Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị nhiễm giun lươn sau một thời gian uống rượu huyết rắn. Bệnh nhân thấy trên đầu mình xuất hiện một cục u, thỉnh thoảng lại di chuyển được. Đó là trường hợp của anh Ngô Văn M. (Hải Phòng), một thời gian dài anh lo lắng đi khắp các bệnh viện vẫn chưa tìm ra bệnh vì tự dưng trên đầu anh có một khối u di chuyển hết ở đầu thì xuống má, chạy lòng vòng rồi xuống cổ… Khối u ngày càng to và di chuyển ngày càng nhanh khiến anh suy sụp. Đi khám, các bác sĩ chẩn đoán anh bị nhiễm giun lươn. Lúc này anh mới giật mình vì trước đây anh hay uống rượu có pha huyết rắn nhiễm giun lươn, giun có trong tiết rắn nổi lên trên khi pha rượu, anh uống phải và mắc bệnh.

Sau khi ở bàn nhậu về, anh X. (Thanh Xuân, Hà Nội) thấy buồn nôn, đau bụng. Cứ thế anh lả đi, người nhà liền đưa vào bệnh viện cấp cứu. Khai thác tiền sử bệnh án cho thấy, bệnh nhân uống rượu ba ba bị ngộ độc. Đây chỉ là một trường hợp ngộ độc nhẹ được cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai.

Anh Phạm Văn N. (Hà Nội) trong một lần đi công tác ở Quảng Trị đã uống các loại rượu huyết dê, huyết hươu… Kết quả, một tháng sau anh N. bị nhiễm sán, sán chui vào mạch máu, di chuyển khắp cơ thể.

… nhưng dễ nhiễm bệnh

Thực tế chưa có cơ sở khoa học hay công trình nghiên cứu nào chứng minh rượu huyết có khả năng tăng cường “sức mạnh” đàn ông, nhất là khi số lượng huyết được pha vào rượu không nhiều nên không có tác dụng.

Đông y cổ có dùng một số loại rượu huyết để trị bệnh như tiết ba ba dùng giải độc, rượu tiết dê đực điều trị sinh lý đàn ông, rượu tiết rắn trừ phong thấp… nhưng không dùng chim, thỏ, ngựa, dơi, ngao… để uống rượu.

Vì vậy, thật là sai lầm khi cho rằng các con vật càng độc thì càng mạnh. Đối với các loài có nọc độc như rắn, khi săn mồi chúng thường sử dụng nọc độc của mình và khi tiêu hoá thức ăn, chúng cũng tiêu hoá luôn nọc độc và độc tố được hấp thu trở lại vào máu. Pha rượu huyết rắn có chứa nọc độc sẽ khiến người uống dễ bị ngộ độc, thậm chí có thể gây tử vong.

 Ấu trùng giun lươn.
Máu là một thành phần rất dễ bị nhiễm trùng và có rất nhiều loại vi khuẩn có thể ký sinh ở máu. Ngoài ra, máu là chất bổ, chứa nhiều loại đạm (chủ yếu là đạm khó tiêu), một số người không thích ứng với loại đạm này nên thường bị dị ứng, nổi mẩn ngứa, phát ban. Hơn nữa, khi sử dụng loại đạm này với rượu, trong rượu có chất alcon cao sẽ gây đông vón đạm. Uống rượu huyết rất dễ dẫn đến các trường hợp bị dị ứng, lâu ngày tế bào gan bị phá hủy, gây xơ gan, trụy tim mạch…
 
Đó là chưa kể, dùng các loại rượu huyết như huyết ngan, vịt, chim dễ bị các dịch bệnh như cúm gia cầm, các loại rượu huyết dê, hươu, nai có thể bị dịch lở mồm long móng vì ấu trùng sán thường di chuyển qua đường máu. Máu thỏ, dê chứa rất nhiều ký sinh trùng sán, máu khỉ có thể có HIV, máu rùa sống dưới bùn nên có thể có vi khuẩn than, máu một số loài cá có sán ấu trùng… Khi lấy máu chúng, người ta phải lấy qua da, nơi có nhiều mầm bệnh mà mắt thường không nhìn thấy như tụ cầu, liên cầu, cúm, lở mồm long móng... nên khi uống sống, trực tiếp chắc chắn cơ thể sẽ nhiễm bệnh.
 
Trong khi đó, rượu huyết pha chế ở các nhà hàng thường không sạch sẽ, quá trình lấy huyết đã khiến máu động vật nhiễm vi khuẩn, nhiễm ấu trùng. Bên cạnh đó, loại rượu có nồng độ cồn 29 - 40 độ dùng để pha huyết không thể diệt được hết độc tố, vi khuẩn có trong các loại tiết, mật động vật. Đó là còn chưa kể đến nếu được pha bằng rượu nấu thủ công, rượu chưng cất từ cồn công nghiệp có tỷ lệ độc tố cao. Thế nên, nếu sử dụng loại rượu huyết - tiết, mật, những nguy cơ, hiểm họa đi kèm là luôn tiềm ẩn.    
 

Một trong những dấu hiệu ngộ độc rượu nói chung và rượu pha mật, pha huyết, tiết nói riêng là người uống bị đau bụng, tiêu chảy dữ dội, chậm nhịp tim, toàn thân co giật, suy thận… Để tránh những nguy cơ khôn lường, người bị ngộ độc rượu phải được đưa ngay đến cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa để cấp cứu và xử trí kịp thời.

 

  Bác sĩ Hạnh Trinh


Ý kiến của bạn