Theo thống kê của Cục CSGT (Bộ Công an), sau 4 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 (ngày 20-23/1), có đến hàng nghìn tài xế vi phạm nồng độ cồn bị xử lý.
Có trường hợp đưa ra lý do uống chén rượu lấy may khi đi chúc Tết nhà bạn bè hoặc do cả nể nên có nhấp môi… vài lon bia. Một số tài xế qua kiểm tra cho thấy, vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất nhưng vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Điển hình như tối 23/1 (mùng 2 Tết Nguyên đán), tổ công tác Y14/141 Hà Nội dừng xe ô tô BKS 30G-707.XX. do tài xế L.A.T. (SN 1973, trú tại Hà Nội) điều khiển để kiểm tra nồng độ cồn.
Kết quả đo sau đó cho thấy tài xế T. vi phạm mức 0,456 mg/L khí thở. Đây là mức vi phạm rất cao, gấp 1,14 lần mức vi phạm cao nhất được quy định tại Nghị định 100/NĐ-CP.
Lực lượng CSGT đã lập biên bản xử phạt tài xế T. số tiền 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày.
Trong khi tổ công tác còn đang tiến hành niêm phong, cẩu xe ô tô của tài xế vi phạm về bãi tạm giữ thì tiếp tục phát hiện thêm trường hợp "ma men" khác. Đó là tài xế L.T.A. (SN 1978, trú tại Hà Nội) điều khiển ô tô BKS 29A- 037.XX.
Mức vi phạm của tài xế A. qua kiểm tra bằng máy đo ở mức 0,219 mg/L khí thở. Tài xế L.T.A. buồn bã cho biết, đây là kết quả của chuyến đi chúc Tết người thân ngày mùng 2 Tết khi phải uống nhiều ly rượu mừng năm mới.
Với lỗi vi phạm trên, tài xế L.T.A. bị tổ công tác lập biên bản xử phạt 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 11 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày.
Sau khi bị tạm giữ phương tiện ngày dịp Tết, nhiều tài xế, người ngồi trên xe bối rối tìm cách trở về nhà. "Tôi nghĩ ngủ một giấc, rượu sẽ tan hết nên mới điều khiển ô tô. Sau lần vi phạm này, tôi sẽ rút kinh nghiệm, đã uống rượu bia thì không lái xe", anh L.T.A. nói.
Tại chốt Y2/141, tối ngày 23, rạng sáng 24/1 (mùng 3 Tết Nguyên đán), cảnh sát dừng ô tô biển số 30H do tài xế N.T.T. (sinh năm 1983, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) cầm lái. Lúc này trên người tài xế phát ra hơi rượu, bia nồng nặc, nhưng người này nhất quyết không chịu thổi vào máy đo nồng độ cồn. Khi lực lượng chức năng khuyên giải, anh này liên tiếp lao vào dùng lời lẽ thách thức, xúc phạm CSGT.
Người thân của anh này sau đó liên tục gọi điện để xin bỏ qua vi phạm, nhưng đều bị cảnh sát tại chốt từ chối.
Sau hơn một giờ, nam tài xế mới chịu thổi vào máy đo nồng độ cồn với mức vi phạm được ghi nhận là 0,394 mg/l khí thở. Đây là vi phạm xấp xỉ mức kịch khung quy định tại Nghị định 100 (0,4 mg/l) khí thở. Với vi phạm trên, ông T. sẽ bị xử phạt 16-18 triệu đồng, tước bằng lái 16-18 tháng và tạm giữ xe 7 ngày. Đáng chú ý trên ô tô lúc này chở nhiều trẻ nhỏ.
Lãnh đạo Cục CSGT cho biết, đơn vị sẽ cử cán bộ đến các địa phương để nắm bắt, theo dõi việc duy trì kiểm tra nồng độ cồn trong dịp Tết. CSGT kiên quyết xử lý nghiêm và không để can thiệp vào quá trình xử lý vi phạm.
"Bên cạnh việc tăng cường xử lý các trường hợp vi phạm, người dân cần chung tay, có ý thức nhắc nhở người thân mình vì sự an toàn. Ngay dịp Tết này, mỗi người không ép bạn bè, người thân uống rượu bia là chung tay cùng xã hội đảm bảo an toàn giao thông. Chúng ta ngăn cản người thân không lái xe sau khi uống say cũng là chung tay cùng xã hội", vị chỉ huy nói.
Xem thêm video:
Lực lượng CSGT kiên quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn dịp Tết