Rượu có thể thúc đẩy sự phát triển của bệnh ung thư, tim mạch và tiêu hóa, bệnh lý hệ thần kinh cũng như rối loạn tâm thần. Một nghiên cứu gần đây, được công bố trên Tạp chí Y khoa Anh (BMJ), cho rằng ba giai đoạn trong cuộc đời chúng ta có thể rất nhạy cảm với tác động gây độc cho thần kinh của rượu. Theo các nhà nghiên cứu Anh và Australia, ba giai đoạn này có liên quan đến những thay đổi mạnh trong não.
Thời kỳ đầu tiên là từ khi thụ thai đến khi sinh đẻ: Uống rượu khi mang thai rất nguy hiểm cho sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Các nhà khoa học chỉ ra, ngay cả việc uống rượu vừa phải trong thời kỳ mang thai cũng có thể làm suy giảm khả năng nhận thức và hành vi ở trẻ.
Uống rượu gây tổn hại tế bào thần kinh cực mạnh ở ba giai đoạn trong cuộc đời.
Thời kỳ thanh thiếu niên: Uống rượu vừa phải hoặc quá mức, ở độ tuổi từ 15 đến 19, có thể gây giảm thể tích thần kinh, kém phát triển chất trắng và suy giảm chức năng nhận thức.
Người cao tuổi: Theo các nhà khoa học, ngay cả việc uống rượu vừa phải cũng làm tăng nguy cơ tổn thương não ở những người trên 65 tuổi.
Vào năm 2018, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet cũng chỉ ra rằng uống rượu có ảnh hưởng tiêu cực đến cơ thể, bất kể lượng tiêu thụ là bao nhiêu. Theo các nhà nghiên cứu, gần 3 triệu ca tử vong trên toàn thế giới là do uống rượu trong năm 2016.
"Các kết quả xác nhận rằng uống rượu là một yếu tố nguy cơ quan trọng có thể phòng ngừa được đối với các bệnh không lây nhiễm như xơ gan, một số bệnh ung thư và bệnh tim mạch, và các thương tích do bạo lực và tai nạn giao thông đường bộ", Tiến sĩ Carina Ferreira-Borges, Trưởng Chương trình Rượu và Thuốc bất hợp pháp tại Văn phòng châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về Phòng chống và Kiểm soát các bệnh không lây nhiễm, cho biết.