Hà Nội

Ðương quy bổ máu

19-08-2015 07:31 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Đương quy là vị thuốc có tác dụng rất lớn để bổ huyết, chỉ huyết và chống ứ huyết. Không chỉ rất cần thiết với các bạn nữ trẻ bị thiếu máu trong kỳ kinh hoặc khi bị rong kinh.

Đương quy (Radix Angelicae sinensis) là rễ của cây đương quy, cây mọc ở vùng núi cao, xứ lạnh của Trung Quốc. Đương quy là vị thuốc bổ huyết, còn được mệnh danh “nhân sâm” của phái đẹp.

Đương quy là vị thuốc có tác dụng rất lớn để bổ huyết, chỉ huyết và chống ứ huyết. Không chỉ rất cần thiết với các bạn nữ trẻ bị thiếu máu trong kỳ kinh hoặc khi bị rong kinh. Nó còn giúp chống ứ huyết ở chị em bị kinh nguyệt bế tắc, kinh không ra được, đông lại thành hòn cục dẫn đến đau bụng kinh. Ngoài ra, phụ nữ sau sinh cũng rất cần đến đương quy vì nó thỏa mãn được cả 3 yêu cầu: bổ máu, vừa cầm máu và vừa chống ứ huyết trong tử cung. Không chỉ với phụ nữ, đương quy còn là vị thuốc bổ huyết nói chung cho mọi người ở mọi lứa tuổi.

Đương quy là vị thuốc hàng đầu trong các bài thuốc bổ huyết kinh điển

Bài “Tứ vật thang”: đương quy, bạch thược, thục địa, xuyên khung, mỗi vị 5g. Sắc uống hoặc bào chế dưới dạng thuốc hoàn để trị các chứng thiếu máu của người già, người mới ốm dậy, sau phẫu thuật, phụ nữ sau sinh, hoặc kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh...

Đương quy là vị thuốc bổ huyết tốt.

Bài “Bát trân thang”: đương quy, thục địa, bạch thược, xuyên khung, nhân sâm, bạch linh, bạch truật, mỗi vị 5g, cam thảo 3g; sắc uống hoặc bào chế dưới dạng thuốc hoàn. Công dụng: bổ cả khí và huyết trong trường hợp khí huyết luỡng hư. Trị các chứng mệt mỏi, kém ăn, da xanh xao, vàng vọt sau ốm dậy, sau phẫu thuật, phụ nữ sau sinh...

Bài“Đương quy tán”: đương quy, bạch thược, xuyên khung, hoàng cầm, mỗi vị 50g, bạch truật 25g, làm thành bột mịn, mỗi ngày uống một lần 6g, sau bữa ăn. Công dụng: trị thiếu máu khi có thai, động thai, đã có một số lần bị lưu thai.

Đương quy còn có những tác dụng quý khác như giảm đau xương khớp, viêm nhiễm, đau đầu, nhiễm khuẩn, hoạt tràng, hạ mỡ máu, bảo vệ gan... Đương quy được dùng dưới dạng canh thang, như tần với gà ác (gà đen) để bổ khí, huyết cho người cơ thể ốm yếu, sau sinh...; hoặc thêm ít quy phiến vào canh thịt để tăng thêm mùi vị thơm ngon và bổ.

Khi dùng đương quy, cần lưu ý:

Về nguồn gốc xuất xứ: Hiện nay ở nước ta, đương quy có 3 loài đã được xác định: Đương quy Trung Quốc, vỏ rễ mỏng có màu vàng, bên trong màu trắng, có nhiều nhánh rễ con (quy vĩ) mọc từ phần quy đầu, nhưng chủ yếu từ phần quy thân, đôi khi che kín cả hai bộ phận đó. Rễ thường mềm, có vị cay, mùi thơm rất đặc trưng. Đương quy Nhật Bản cùng họ hoa tán. Rễ thường nhỏ hơn, vỏ rễ màu vàng nhạt, bên trong cũng màu trắng; thể chất cứng hơn đương quy Trung Quốc. Cả hai đều chứa tinh dầu, nhưng đương quy Trung Quốc có tỷ lệ (khoảng 0,4%) đương quy Nhật Bản 0,26%. Cả hai đều chứa thành phần ligustilid có tác dụng chống co thắt khí quản, dùng tốt cho bệnh hen phế quản. Đương quy Triều Tiên (Angelica gigas), cùng họ hoa tán. Đương quy Triều tiên có rễ thô hơn, cứng hơn, vỏ rễ màu hơi xám, ít thơm hơn.

Khi dùng đương quy nhất thiết phải qua khâu chế biến. Để tăng tác dụng hoạt huyết, chống viêm, giảm đau, đương quy chích với rượu. Hoặc để tăng tác dụng bổ huyết, kiện tỳ, giúp cho tiêu hóa tốt, nên chế đương quy với mật ong. Để tăng tác dụng chỉ huyết, đương quy sao cháy cạnh hay đương quy thán.

Kiêng kỵ: Đương quy có vị cay tính ôn, do đó đối với những người mà cơ thể đang bị nóng, bị ngứa, không nên dùng; Đối với phụ nữ đang có thai hoặc đã có một vài lần thai lưu, hoặc đang có kế hoạch để sinh con, không nên dùng đương quy. Trong trường hợp cần thiết, chỉ nên dùng cổ phương đương quy tán nói ở trên; Đương quy có thể làm cho da nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, dễ gây bệnh ngoài da.

GS.TS. Phạm Xuân Sinh

 

 

 


Ý kiến của bạn