Hà Nội

Uống nước trị hóc xương cá, bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu

18-12-2019 19:00 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Nghệ An cho biết, vừa nội soi gắp thành công dị vật là một mẩu xương cá dài 4cm đâm sâu vào vị trí thành sau hầu thanh quản. Điều đáng nói là bệnh nhân khi bị hóc xương gia đình đã không đến bệnh viện khám mà nhờ thầy mo trong bản cho uống nước trị bệnh khiến cơn đau kéo dài.

Bệnh nhân Hoàng Văn N. (41 tuổi, ở huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An). Theo người nhà bệnh nhân, 2 tuần trước, anh N. bị hóc xương cá trong giờ cơm trưa nên đến gặp một nữ thầy mo trong bản. Người này cho anh N. một loại nước về uống và giải thích là mẹo trị hóc xương dân gian.

Hơn 10 ngày liên tục uống nước thầy mo cho nhưng cơn đau không giảm, anh N. mất ngủ, cân nặng giảm sút nên rất lo lắng và cầu cứu bác sĩ.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau nhói ở cổ họng. Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính và X-quang cho thấy chiếc xương cá sắc nhọn dài gần 4cm đâm sâu vào vị trí thành sau hầu thanh quản, nằm trong khoang cạnh hầu, ngang mức bờ trên sụn giáp, sát cột sống cổ và miệng thực quản.

Mẩu xương cá dài 4cm mắc vào thành sau hầu thanh quản bệnh nhân N.

Theo các bác sĩ, đây là ca hóc xương có vị trí rất khó. Nếu xương vẫn còn để lộ một phần nhỏ, sẽ không khó khăn để xử lý. Nhưng với bệnh nhân N., chiếc xương quá sắc nhọn đã đâm sâu, không để lại vết tích rõ ràng.

Ê-kíp phải sáng tạo bằng cách nối dài dao điện, mở rộng vùng để tìm kiếm. Các bác sĩ phải căng mắt dò tìm từng chút một để thấy được chấm trắng của đầu xương. Tuy nhiên, vẫn không thể gắp được mảnh xương cá này vì dị vật đã ở vị trí rất sâu. Tại điểm có dị vật xuất hiện tình trạng sưng, phù nề. Vì vậy, bệnh nhân đã được điều trị kháng sinh, chống viêm để bớt phù nề, sau đó, bệnh nhân được chỉ định gây mê nội soi lấy dị vật. May mắn, cuối cùng mảnh xương cá cũng được lấy ra ngoài.

Hóc xương gà, vịt, cá, là tai nạn khi ăn uống, thường gặp tại các phòng khám tai mũi họng. Trước khi đến các cơ sở y tế, nhiều bệnh nhân đã thử các cách được truyền miệng trong dân gian như nuốt chuối, nuốt cơm, nuốt rau, ngậm vỏ cam vỏ bưởi, uống thật nhiều nước. Thậm chí người bệnh còn áp dụng các phương pháp nghe rất thần bí như đảo đầu đũa trên bàn ăn, xoay cành cây trên lối đi hoặc vẽ bùa lên cổ... Tất nhiên, những biện pháp này không thể có hiệu quả nên cuối cùng vẫn phải nhờ sự giúp đỡ của bác sĩ.

Trên thực tế, ngoại trừ những lúc biết chắc chắn chỉ bị hóc xương rất nhỏ và đơn giản thì có thể thử nuốt thức ăn để xương được kéo xuống theo. Tuy nhiên, cách này khá mạo hiểm vì có khả năng làm xương cắm vào họng sâu hơn hoặc rơi xuống thấp hơn làm cho bác sĩ sẽ khó lấy hơn. Riêng các phương pháp thần bí kể trên thì hoàn toàn phản khoa học và không nên mất thời gian vào chúng.

Với các xương to hoặc sắc nhọn thì nguy cơ chúng gây thủng mạch máu và thực quản rất lớn, nên càng không được trì hoãn việc nhập viện và nhờ sự can thiệp của người có chuyên môn. Đã từng có nhiều bệnh nhân vì hóc xương to, nhọn hoặc hóc xương lâu ngày mà bị áp-xe, thủng động mạch, thậm chí xương chui vào lồng ngực gây áp-xe trung thất, áp-xe màng phổi... Những trường hợp này tỉ lệ tử vong rất cao.

Chính vì vậy, khi bị hóc xương các bác sĩ khuyến cáo không nên tự chữa mẹo mà cần phải tới cơ sở y tế để được các bác sĩ xử lý.


Lê Hà
Ý kiến của bạn