Hà Nội

Uống nước sao cho đúng và đủ?

27-06-2019 14:18 | Y học 360
google news

SKĐS - Trong cơ thể con người, nước chiếm một lượng rất lớn. Khi cơ thể thiếu nước không chỉ khiến làn da trở nên khô nẻ, lão hóa mà còn dẫn đến nhiều bệnh khác nhau. Đặc biệt là mùa hè quá nóng bức, nếu không bổ sung đủ nước có thể khiến cơ thể bị sốc…

Uống nước thế nào cho đủ?

Trong điều kiện bình thường, mỗi ngày cần cung cấp khoảng 40ml nước cho mỗi kg cơ thể. Như vậy tùy thể trọng, trung bình một ngày một người cần từ 1,5-2 lít nước. Ngoài ra, lượng nước thực tế một người cần uống trong ngày còn phụ thuộc vào các yếu tố: Cường độ vận động, môi trường làm việc, khí hậu.

Thông thường, chúng ta chỉ uống nước khi khát nhưng đó là điều không tốt cho cơ thể. Chúng ta cần uống nước thường xuyên ngay cả khi không khát để bù đắp cho quá trình bài tiết làm mất nước và đảm bảo sự cân bằng cho chức năng hoạt động của cơ thể, điều hòa thân nhiệt và cải thiện chức năng tim mạch. Tuy nhiên, cũng không nên uống nhiều nước quá nhu cầu trong một ngày sẽ làm tăng tổng lượng máu của cơ thể, gây gánh nặng cho tim, mạch máu và thận sẽ phải gia tăng thời gian hoạt động.

Uống nước thế nào cho đúng?

Bạn đứng khi uống là một tư thế chưa đúng. Khi đứng, nước sẽ nhanh chóng đi xuống ruột, các dưỡng chất không được hấp thụ vào các cơ quan  vì nước giúp vận chuyển vitamin và dưỡng chất đến từng tế bào trong cơ thể, giúp thải trừ các độc tố gây hại. Nước chiếm phần lớn trong chất lỏng, chất bôi trơn và lớp đệm ở khớp và cơ bắp. Nước có tác dụng thanh lọc và duy trì chức năng nội tạng. Do vậy, khi uống nước không đúng tư thế sẽ dẫn đến đau bụng, hội chứng trào ngược, đau khớp, không tốt cho chức năng của thận.

Lý tưởng nhất là bạn nên ngồi uống nước, với tư thế này nước sẽ được giữ lại trong cơ thể lâu hơn. Ngồi uống nước cơ thể được hấp thụ các dưỡng chất hiệu quả hơn.

Uống nước sao cho đúng và đủ?Uống nước quá nhiều ngay sau khi vận động sẽ gây gánh nặng cho tim.

Đừng bao giờ nuốt chửng nước quá nhanh, hớp từng ngụm nhỏ để nước ngấm dần, chảy đều vào từng tế bào của bạn. Nên chia nhỏ các lần uống. Không cần phải đợi khát mới uống và nên chú ý khi khát cũng chỉ nên uống một cách từ từ. Uống nước quá nhanh trong khi khát có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt cho tim mạch.

Chúng ta cần uống nước thường xuyên ngay cả khi không khát để bù đắp cho quá trình bài tiết làm mất nước và đảm bảo sự cân bằng cho chức năng hoạt động của cơ thể, điều hòa thân nhiệt và cải thiện chức năng tim mạch.

Không uống nước nhiều trước khi đi ngủ vì bạn sẽ phải đi tiểu, hệ bài tiết sẽ phải làm việc mệt mỏi và điều tất nhiên bạn sẽ ngủ không ngon. Nên hạn chế uống nước sau 18 giờ và nếu có uống thì uống trước khi đi ngủ 45 phút đến 1 giờ.

Những thói quen xấu cần tránh

Uống nhiều nước đá: Khi trời nóng bức sẽ khiến bạn muốn uống nước đá, tuy nhiên uống nhiều đá lạnh sẽ là nguy cơ tiềm ẩn, do trong đá không đảm bảo sạch (có thể nhiễm khuẩn). Nên uống nhiều nước đá có thể dẫn đến viêm họng.

Uống nhiều nước ngay sau khi vận động: Sau khi vận động, cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi nên bạn cảm thấy rất khát nước. Tuy nhiên, việc bạn uống nước quá nhiều ngay sau khi vận động sẽ gây gánh nặng cho tim, bởi lúc này tim đang phải hoạt động mạnh để bơm máu đi khắp cơ thể. Uống nhiều nước cùng lúc sẽ gây loãng máu hiện tượng loãng máu sẽ ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn và tim.

Uống quá nhiều nước lọc: Mặc dù mùa hè cần một lượng nước nhiều hơn so với mùa đông tuy nhiên uống quá nhiều nước lại gây quá tải cho da trong việc thải các sản phẩm chuyển hóa. Mỗi ngày, dù nóng đến đâu bạn cũng chỉ nên uống khoảng 2 lít nước lọc.


DS. Lan Hương
Ý kiến của bạn