1. Công dụng của lá ổi
Lá ổi tên khoa học là Psidium guajava. Theo các công trình khoa học, lá ổi chứa hàm lượng lớn các hợp chất thực vật quý như: Quercetin, avicularin, apigenin, guaijaverin, kaempferol, hyperin, myricetin, acid gallic, catechin, epicatechin, acid chlorogenic, epigallocatechin gallate, acid caffeic...
Các hoạt chất này có tác dụng chống oxy hóa mạnh, kháng khuẩn, kháng viêm, hỗ trợ tiêu hóa, chống tiêu chảy, hạ lipid máu, bảo vệ gan, giảm đường huyết, ức chế tế bào ung thư ở mức độ tiền lâm sàng…
Theo y học cổ truyền, lá ổi có vị chát, hơi đắng, tính ấm, quy vào các kinh tỳ, vị, đại trường. Với đặc tính sáp trường chỉ tả (giúp cầm tiêu chảy), kiện tỳ tiêu thực, tiêu viêm và giải biểu, lá ổi thường được sử dụng trong các bài thuốc trị tiêu chảy do lạnh, viêm răng miệng, nhiệt miệng, viêm da, ghẻ ngứa…
Nước lá ổi giữ lại nhiều flavonoid, tannin giúp hỗ trợ tiêu hóa, giảm viêm đường ruột, hỗ trợ miễn dịch… Đồng thời, các polyphenol và hợp chất chống oxy hóa giúp chống oxy hóa, kháng viêm nhẹ. Việc sử dụng đúng cách nước lá ổi giúp thanh lọc cơ thể, hỗ trợ tiêu hóa tốt, tăng cường miễn dịch.

Lá ổi có nhiều công dụng đối với sức khỏe.
2. Tác hại của uống nước lá ổi thay nước lọc hằng ngày
Hiện nay, nhiều người hiểu nhầm rằng nước lá ổi tốt nên có thể dùng thay nước lọc hằng ngày. Do tính chất sáp, chát nên lá ổi không thích hợp dùng dài ngày hoặc thay nước lọc, nhất là với người tỳ vị hư yếu, táo bón, thiếu máu...
2.1. Gây thiếu nước cho cơ thể
Nước lá ổi dù tốt vẫn không thể thay thế vai trò sống còn của nước lọc tinh khiết. Việc uống quá nhiều nước lá ổi đặc, mà không bổ sung đủ nước lọc, có thể dẫn đến mất cân bằng điện giải, khô da, táo bón, thậm chí mệt mỏi và giảm tập trung do cơ thể thiếu nước.
2.2. Hại cho chức năng tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng
Lá ổi chứa lượng tannin cao, giúp se niêm mạc ruột và cầm tiêu chảy. Tuy nhiên, nếu sử dụng quá mức, tannin có thể gây ức chế hấp thu sắt, kẽm, đặc biệt ở người bị thiếu máu, thiếu sắt. Nếu uống nhiều nước lá ổi đặc, dễ bị co bóp ruột mạnh, gây đầy hơi, chướng bụng hoặc táo bón.
2.3. Hại dạ dày
Do tính chát và ấm, nước lá ổi có thể kích thích dạ dày tiết nhiều acid, gây đau rát, ợ chua ở người có bệnh lý dạ dày (viêm, trào ngược).

Nước lá ổi giúp thanh lọc cơ thể, giúp hạ đường huyết...
2.4. Nguy cơ tương tác thuốc
Flavonoid trong lá ổi có thể ảnh hưởng đến men gan, ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa một số thuốc như thuốc hạ đường huyết, huyết áp, chống đông máu…
2.5. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm
Nếu lá ổi không được rửa sạch, hoặc được thu hái từ vùng có phun thuốc, có thể gây ngộ độc nhẹ hoặc nhiễm khuẩn đường ruột. Nước lá đun xong để lâu ngoài không khí (quá 2 giờ) dễ bị nhiễm khuẩn, dẫn đến tiêu chảy.
3. Dùng nước lá ổi thế nào cho đúng cách?
Để tận dụng lợi ích của lá ổi mà vẫn đảm bảo an toàn sức khỏe, bạn nên:
- Chỉ dùng nước lá ổi như thức uống hỗ trợ, không dùng thay nước lọc hằng ngày. Chỉ dùng loãng, uống sau ăn và nên uống 1 - 2 cốc/ngày (tương đương khoảng 200 - 300ml nước/ngày). Uống xen kẽ với nước lọc, không nên dùng kéo dài và liên tục. Có thể uống mỗi ngày trong vài tuần, rồi dừng vài ngày để tránh tích lũy tannin.
- Không dùng cho người có bệnh lý tiêu hóa mạn tính, người thiếu máu thiếu sắt, đang dùng thuốc điều trị hoặc trẻ nhỏ dưới 6 tuổi.
- Không uống nước để qua đêm hoặc để ngoài môi trường quá 2 giờ.
- Lấy lá từ nơi sạch, không phun thuốc, rửa kỹ.
Nước lá ổi là một phương thuốc dân gian có giá trị, mang lại nhiều lợi ích cho tiêu hóa, miễn dịch và sức khỏe toàn thân. Tuy nhiên, việc lạm dụng nước lá ổi thay thế nước lọc hằng ngày là hoàn toàn không nên và có thể gây nhiều bất lợi cho sức khỏe. Trước khi dùng thường xuyên, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn để có lời khuyên tốt nhất.