Parkinson và Alzheimer là hai bệnh lý thoái hóa thần kinh thường gặp ở người già, đặc trưng bởi sự suy giảm, thoái hóa các tế bào thần kinh theo các cơ chế khác nhau, để lại gánh nặng bệnh tật rất lớn cho xã hội.
1. Đinh lăng có tác dụng gì?
Lá đinh lăng ngoài làm gỏi, rau ăn sống, còn là thảo dược quý chữa bệnh trong Đông y. Cây đinh lăng được dùng làm cây cảnh và làm thuốc trong y học cổ truyền.
Đinh lăng có tên khoa học là Polyscias fruticosa (L.) Harms - một loài thực vật thuộc họ Araliaceae, được rất nhiều nước trên thế giới sử dụng làm thuốc và mang lại những hiệu quả điều trị tuyệt vời.
Trong đinh lăng có chứa saponin, alkaloid, glycoside, polyphenol, flavonoid, tannin, vitamin (C, B1, B2 và B6) và acid amin. Trong đó, saponin được coi là thành phần chính của P. fruticosa. Các hợp chất trên rất cần thiết cho quá trình chuyển hóa trong cơ thể, đặc biệt là quá trình chống oxy hóa ở mô.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng đinh lăng có rất nhiều tác dụng như: Tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể; cải thiện khả năng sinh sản ở nam giới; chống mệt mỏi, bổ dưỡng, tăng cảm giác thèm ăn, ngủ ngon; tăng khả năng lao động, tăng cân; giải độc, mát gan…
Đặc biệt, gần đây các nhà khoa học đã chứng minh đinh lăng có tác dụng chống trầm cảm, chống căng thẳng, cải thiện trí nhớ, chống oxy hóa, hạ đường huyết, bảo vệ gan, hạ lipid máu, kháng nấm và kháng khuẩn.
Ngoài ra, lá đinh lăng còn được dùng hỗ trợ điều trị các bệnh thoái hóa thần kinh như bệnh Parkinson, bệnh Alzheimer vì cải thiện các triệu chứng run, mất thăng bằng, mất ngủ, suy giảm trí nhớ, căng thẳng thần kinh, suy nhược thần kinh…
Lá đinh lăng có tác dụng chống suy giảm trí nhớ, tăng cường cho hệ thần kinh bởi chứa nhiều vitamin nhóm B, nhất là vitamin B1.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu cho thấy lá đinh lăng có tác dụng tăng biên độ điện thế não, tăng khả năng tiếp nhận của các tế bào thần kinh vỏ não.
Bệnh Parkinson là một trong những bệnh thoái hóa thần kinh phổ biến nhất, đặc biệt là do mất tế bào thần kinh dopaminergic. Kết quả là giảm chất dẫn truyền thần kinh dopamine ở thể vân dẫn đến một số khiếm khuyết về vận động và một số triệu chứng không liên quan đến vận động.
Mặc dù nguyên nhân của bệnh vẫn chưa được biết rõ nhưng các nghiên cứu trước đây cho rằng nguyên nhân liên quan đến nhiều yếu tố như di truyền, tác nhân môi trường và lão hóa. Trong số đó, các yếu tố dẫn đến stress oxy hóa có thể đóng vai trò trong sự phát triển và tiến triển của bệnh. Các thành phần hóa học có trong đinh lăng có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh Parkinson.
2. Cách đun nước lá đinh lăng
Có thể sử dụng lá đinh lăng tươi hoặc khô để đun, cách làm cụ thể như sau:
Bước 1: Dùng 150-200g lá đinh lăng tươi/50g lá đinh lăng khô đã rửa sạch để ráo (lượng cho 1 người dùng).
Bước 2: Cho tất cả lá đinh lăng vào nồi/bình, chế một ít nước sôi vào đậy nắp lại và lắc nhẹ như để rửa lá rồi đổ đi.
Bước 3: Sau đó, cho khoảng 1.000ml nước đun sôi vào bình và đậy nắp lại chờ sau khoảng 5- 7 phút, có thể chắt ra để uống.
3. Lưu ý khi dùng lá đinh lăng
Lá đinh lăng tươi khi mới hái còn nhiều nhựa, đặc biệt là lượng sapnopin trong lá tươi rất cao, nếu nạp vào một lượng lớn có thể gây ra tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa ở những người mắc hội chứng ruột kích thích.
Khi phơi khô, chất sapnopin sẽ giảm đi đáng kể, nhờ đó không đem lại một số tác dụng phụ như trên.
Ngoài ra, khi phơi khô để nấu nước, pha trà, bạn sẽ cảm nhận được mùi thơm, hương vị nhẹ nhàng. Vì vậy, uống lá đinh lăng khô sẽ rất phù hợp với ai không thích mùi hăng, nồng của lá tươi.
Nước lá cây đinh lăng có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng nước lá cây đinh lăng hằng ngày thay cho nước lọc vì nó có thể gây ra các tác dụng không mong muốn cho cơ thể.
Trong lá cây đinh lăng có thành phần là saponin có thể gây mệt mỏi, nôn mửa và hoa mắt chóng mặt... Vì vậy, chỉ nên uống nước lá cây đinh lăng với một lượng vừa phải, trong một thời gian nhất định và cần tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu dùng hằng ngày.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Những lưu ý quan trọng cần nhớ khi sử dụng đinh lăng.