Hà Nội

Uống nước khoa học để giải nhiệt

10-06-2019 06:51 | Đời sống
google news

SKĐS - Trong ngày thời tiết quá nóng, cơ thể bài tiết chủ yếu là mồ hôi, lượng mồ hôi bài tiết rất lớn: 2 - 3 lít/giờ và đặc biệt có thể tới 3 - 3,5 lít/giờ, có thể gây ra những rối loạn do thiếu nước.

Khi cơ thể mất nước gây các rối loạn chuyển hóa và kém hấp thu, biểu hiện khô miệng, nước bọt quánh dẫn đến ăn không ngon, khó nuốt, chán ăn, trẻ em thì ăn không tiêu, thường nôn trớ, táo bón, biếng ăn.

Nước rất cần cho sự sống

Nước là một trong những thành phần cơ bản và cần thiết cho cơ thể con người. Nước chiếm tới 60-70% trọng lượng cơ thể. Ở bào thai, trẻ em tỷ lệ này còn cao hơn nữa. Người trưởng thành bình thường nặng 50kg, chứa tới 29 - 32kg nước. Con người có thể nhịn ăn một vài ngày, thậm chí một vài tuần nhưng không thể thiếu nước. Một người chỉ cần mất 5 - 10% nước đã coi như mất nước trầm trọng và khi mất đến 15 - 20% là coi hết hy vọng cứu chữa.

Nước là dung môi của hầu hết các chất chuyển hóa dưới dạng hòa tan trong nước đảm bảo quá trình bình thường của cơ thể, nước còn tham gia vào nhiều phản ứng hóa học quan trọng, đặc biệt là phản ứng thủy phân, trong quá trình thoái hóa của protid, lipid, glucid. Ngoài ra nước còn là dung môi hòa tan các chất dinh dưỡng của tế bào như oxy, glucoza, axit amin.

Nước tham gia quá trình bài tiết các chất thải ra khỏi cơ thể dưới dạng hòa tan trong nước, các chất bài tiết như: nước tiểu, mồ hôi, sữa.

Nước rất cần thiết cho cơ thể trong điều hòa thân nhiệt. Mà nước lại chiếm một tỷ lệ lớn trong cơ thể, nên dễ dàng giữ cho thân nhiệt chỉ dao động trong giới hạn hẹp khi nhiệt độ của môi trường sống thay đổi.

Nước còn làm giảm độ quánh của máu, giúp cho máu tuần hoàn dễ dàng.

Nước được bài tiết ra khỏi cơ thể vừa có ý nghĩa đối với quá trình chuyển hóa nước và chức năng bài tiết của cơ thể. Khi bài tiết nước ra khỏi cơ thể giảm, các sản phẩm chuyển hóa ứ đọng lại gây ra những rối loạn bệnh lý, điển hình là hội chứng suy thận.

Mùa hè, nhu cầu uống nước nhiều nhưng cũng chỉ nên uống từng ngụm nhỏ.

Mùa hè, nhu cầu uống nước nhiều nhưng cũng chỉ nên uống từng ngụm nhỏ.

Nhu cầu nước hàng ngày

Mỗi ngày, người trưởng thành cần khoảng 35g nước cho 1kg thể trọng. Nhu cầu nước của trẻ em cao gấp 3-4 lần. Trung bình mỗi người cần 6-8 cốc nước/ngày (tương đương 1,5 lít). Nước đưa vào cơ thể dưới dạng thức ăn và đồ uống. Nhu cầu nước hàng ngày của cơ thể còn tùy theo thời tiết, điều kiện sinh hoạt, tình trạng lao động, tình trạng sinh lý,... Người càng cao tuổi lượng nước trong cơ thể càng ít. Ở trẻ sơ sinh lượng nước chiếm 75 - 80% cân nặng, nhưng ở người 60 -70 tuổi lượng nước chỉ chiếm 50% trọng lượng cơ thể.

Nhu cầu nước theo khuyến nghị năm 2012 của Viện Dinh dưỡng như sau:

Theo cân nặng, tuổi với trẻ vị thành niên (10-18) tuổi nhu cầu nước là 40ml/kg; từ 19-30 tuổi hoạt động thể lực nặng nhu cầu nước là 40ml/kg; từ 19-55 tuổi hoạt động thể lực trung bình nhu cầu nước là 35ml/kg, người trưởng thành trên 55 tuổi nhu cầu nước là 30ml/kg.

Theo cân nặng: trẻ em từ 1-10kg nhu cầu nước là 100ml/kg; trẻ em từ 11 - 20kg nhu cầu nước là: 1.000ml 50ml cho mỗi 10kg cân nặng tăng lên; trẻ em từ 21kg trở lên nhu cầu nước là: 1.500ml 20ml/kg cho mỗi 20kg cân nặng tăng lên.

Người trưởng thành trên 50 tuổi nhu cầu nước thêm 15ml/kg cho mỗi 20kg cân nặng tăng lên.

Làm sao uống nước đúng cách trong mùa hè?

Mùa hè nắng nóng, bài tiết chủ yếu là mồ hôi, lượng mồ hôi bài tiết rất lớn: 2 - 3 lít/giờ và đặc biệt có thể tới 3 - 3,5 lít/giờ, có thể gây ra những rối loạn do thiếu nước. Bài tiết mồ hôi để thực hiện một chức năng quan trọng là điều hòa thân nhiệt. Ngoài ra, nước còn bài tiết qua nước tiểu: một người trưởng thành bình thường mỗi ngày bài tiết 1-1,5 lít nước tiểu, nước thấm qua da (không phải là mồ hôi) mỗi ngày 450ml, đào thải qua khí thở mỗi ngày 250 - 350ml.

Thời tiết quá nóng khiến con người luôn có cảm giác khô khát, việc uống nước nhằm thỏa cơn khát. Tuy nhiên uống như thế nào để đỡ khát:

Trong điều kiện bình thường, chuyển hóa nước được điều hòa chặt chẽ, số lượng nước đưa vào hàng ngày luôn cân bằng với số lượng nước bài tiết ra khỏi cơ thể. Cân bằng này khiến trọng lượng cơ thể của người trưởng thành luôn ổn định trong một thời gian dài. Nước vào cơ thể chủ yếu qua ống tiêu hóa. Khi thời tiết nắng nóng cần thường xuyên bổ sung nước, tránh để thiếu nước đến khi có biểu hiện khô miệng, nước bọt quánh. Việc uống nước cũng cần uống từ từ, không nên uống nhiều một lúc, các loại nước uống như: nước hoa quả, nước rau, nước osezol, nước có pha thêm chút muối,...

Uống quá nhiều nước một lúc không tốt cho sức khỏe: nước trong cơ thể bài tiết ra ngoài, thành phần chính là nước và một số chất điện giải như natri, kali được hòa tan trong nước. Khi bổ sung nước vào cơ thể quá nhiều trong một thời gian ngắn, cảm giác khát không giảm thậm chí còn cảm giác khát hơn. Uống nhiều một lúc làm lượng mồ hôi bài tiết ra nhiều hơn, cơ thể càng mệt mỏi hơn vì mất quá nhiều chất điện giải. Khi uống nước càng chậm càng tốt, uống từ từ và chia nhỏ lượng nước cần uống, nó sẽ giảm cơn khát tốt hơn.

Khi khát, nhiều người chọn uống nước đá, nước lạnh nhằm giải tỏa cơn khát, giải pháp này thực sự không tốt cho sức khỏe. Khi thời tiết nóng, uống nước đá nước lạnh sẽ không tốt cho sức khỏe vì sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn so với thân nhiệt, uống nước đá dễ dẫn đến bị viêm họng, những người bị sâu răng sẽ bị đau nhức, tê buốt. Nước uống phù hợp nhất là những loại nước để ở môi trường tự nhiên, nó phù hợp với nhiệt độ cơ thể.

Chính vì vậy, để phòng tránh tình trạng thiếu nước, cần quan tâm uống đủ nước theo nhu cầu hàng ngày, đặc biệt đối với người cao tuổi và trẻ em, không nên để thiếu nước đến khi thấy khát mới uống. Trong bữa ăn hàng ngày người ta khuyên nên có 4-5 món ăn: món cơm, món chất đạm, món rau xanh, món canh và món hoa quả để cung cấp đủ dinh dưỡng và nhu cầu nước, đặc biệt là trong mùa hè.


ThS. BS. NGUYỄN VĂN TIẾN (Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng)
Ý kiến của bạn