Húng quế còn gọi là húng giổi, rau é, é tía, é quế, hương thái, pak bua la phe, phak y tou (Lào), mreas preou (Campuchia), grand basilic, basilic commun. Húng quế có tên khoa học là Ocimum basilicum L, var. Basilicum, thuộc họ Hoa môi Lamiaceae (Labiatae).
Theo Y học cổ truyền, húng quế có vị cay, tính âm vào kinh phế, tỳ, tâm, tam tiêu; có tác dụng làm ra mồ hôi, giảm đau, lợi tiểu; trị viêm họng, cảm cúm, dị ứng, tiêu chảy và lợi sữa.
Trong y học Ấn Độ, húng quế được gọi là 'phương thuốc vàng’ hoặc 'nữ hoàng của các loại thảo mộc'.
Húng quế vừa là gia vị, vừa là vị thuốc được sử dụng từ lâu đời.
Lợi ích của uống nước húng quế hàng ngày
1. Giảm căng thẳng và lo âu
Húng quế có đặc tính thích nghi, giúp cơ thể đối phó với căng thẳng và lo âu, đồng thời ổn định mức cortisol, thường được gọi là hormone căng thẳng, do đó thúc đẩy sự minh mẫn về tinh thần và cảm giác bình tĩnh.
Bắt đầu ngày mới bằng nước húng quế có thể tạo ra trạng thái cảm xúc cân bằng hơn, giảm tác động của căng thẳng hàng ngày.
2. Uống nước húng quế có thể tăng cường khả năng miễn dịch
Húng quế được biết đến với đặc tính điều hòa miễn dịch, có nghĩa là nó có thể giúp tăng cường phản ứng miễn dịch của cơ thể. Thường xuyên uống nước ngâm húng quế có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng tốt hơn.
3. Tăng cường sức khỏe hô hấp
Theo truyền thống, húng quế được sử dụng để làm giảm các vấn đề về hô hấp như ho, cảm lạnh và hen suyễn. Do vậy, uống nước húng quế có tác dụng làm dịu, giảm khó chịu ở đường hô hấp.
Bên cạnh đó, húng quế có đặc tính long đờm, giảm ho, các chất gây kích ứng và các triệu chứng cảm lạnh.
Sử dụng nước húng quế thường xuyên mang lại nhiều lợi ích sức khỏe.
4. Cải thiện tiêu hóa bằng nước húng quế
Các đặc tính chống đầy hơi của húng quế có thể hỗ trợ tiêu hóa, giảm khí, giảm đầy hơi. Uống nước húng quế còn kích thích sản xuất các enzyme tiêu hóa, hỗ trợ phân hủy thức ăn, tăng cường hấp thụ chất dinh dưỡng.
Các đặc tính chống viêm của húng quế cũng làm dịu niêm mạc dạ dày, giúp giảm chứng khó tiêu, đầy hơi và ợ chua. Bên cạnh đó, uống nước húng quế ngay khi thức dậy vào buổi sáng và trong suốt cả ngày, có thể giúp loại bỏ độc tố, vi khuẩn khỏi cơ thể, ngăn ngừa các bệnh về tiêu hóa.
5. Cải thiện sức khỏe tim mạch
Hàm lượng chất chống oxy hóa cao trong húng quế giúp bảo vệ tim bằng cách giảm căng thẳng oxy hóa và giảm viêm. Sử dụng nước húng quế thường xuyên cũng có thể cải thiện lưu thông máu, giảm mức cholesterol, điều hòa huyết áp, do đó làm giảm nguy cơ mắc các biến chứng liên quan đến tim.
6. Có lợi cho bệnh đái tháo đường
Lá húng quế giúp điều chỉnh lượng đường trong máu, khiến chúng đặc biệt có lợi cho những người mắc bệnh đái tháo đường.
Ngoài ra, các hợp chất có trong húng quế cải thiện độ nhạy insulin, giúp kiểm soát lượng glucose. Uống nước húng quế thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa tình trạng tăng đột biến lượng đường trong máu, là biện pháp tự nhiên hiệu quả kiểm soát bệnh đái tháo đường.
7. Tác dụng chống viêm
Các loại tinh dầu có trong húng quế có đặc tính chống viêm, có thể giúp giảm viêm và các triệu chứng liên quan.
8. Bảo vệ sức khỏe răng miệng
Húng quế có đặc tính kháng khuẩn có thể giúp chống lại các bệnh nhiễm trùng miệng, cải thiện sức khỏe răng miệng nói chung. Súc miệng bằng nước húng quế thúc đẩy nướu khỏe mạnh hơn và giảm hôi miệng.
9. Cải thiện chức năng thận
Húng quế có tác dụng như một chất lợi tiểu tự nhiên, giúp thận hoạt động hiệu quả hơn bằng cách thúc đẩy quá trình đi tiểu và giải độc. Tiêu thụ nước húng quế thường xuyên có thể ngăn ngừa sự hình thành sỏi thận và hỗ trợ sức khỏe tổng thể của hệ tiết niệu. Nước húng quế cũng giúp giảm nồng độ acid uric, rất quan trọng đối với sức khỏe thận.
Ngoài những tác dụng này, uống nước húng quế thường xuyên còn giúp duy trì cân nặng hợp lý, giải độc cơ thể, phục hồi sức khỏe làn da, chống lại các vấn đề về da như mụn trứng cá, vết thâm da...
Cách làm nước húng quế
Nguyên liệu: Lá húng quế tươi hoặc khô lượng vừa đủ.
Cách làm:
- Rửa sạch lá húng quế để loại bỏ bụi bẩn và tạp chất.
- Đun sôi nước rồi cho lá húng quế vào, đun tiếp trong 10-15 phút để chiết xuất các hợp chất có lợi từ lá.
- Gạn bỏ lá, có thể thêm chanh, mật ong để tạo thêm hương vị cho nước húng quế, uống ấm hay lạnh (tùy theo sở thích và có thể bảo quản trong tủ lạnh).
Mời bạn xem tiếp video:
5 điều cấm kỵ khi ăn gừng, những ai không nên ăn gừng? | SKĐS