Uống nước gừng khi bụng đói có tốt không?

18-06-2024 08:15 | Vị thuốc quanh ta

SKĐS - Gừng là một loại gia vị thường thấy trong các căn bếp và có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Vậy uống nước gừng vào buổi sáng khi bụng đói có tác dụng gì, có tốt không, bài viết này sẽ giải đáp băn khoăn của bạn.

1. Tác dụng của uống nước gừng khi bụng đói

Nước gừng giúp tăng cường hệ tiêu hóa

Gừng từ lâu đã được biết đến với khả năng hỗ trợ tiêu hóa. Uống nước gừng khi bụng đói giúp tăng cường tiêu hóa trong ngày.

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Gastroenterology and Hepatology nhấn mạnh rằng, gừng giúp tăng cường đáng kể việc làm rỗng dạ dày, nghĩa là giúp thức ăn di chuyển từ dạ dày đến ruột non nhanh hơn. Điều này có thể ngăn ngừa sự khó chịu và đầy hơi, giúp quá trình tiêu hóa diễn ra suôn sẻ, hiệu quả hơn.

Gừng chứa các hợp chất gọi là gingerols và shogaols, có đặc tính chống viêm, làm dịu đường tiêu hóa và giảm các triệu chứng khó tiêu và buồn nôn. Bằng cách thúc đẩy quá trình tiêu hóa khỏe mạnh, nước gừng giúp cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng từ thức ăn hiệu quả hơn.

Uống nước gừng khi bụng đói có tốt không?- Ảnh 1.

Uống nước gừng khi bụng đói có nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Hỗ trợ giảm cân

Nếu bất cứ ai đang muốn giảm thêm vài kg thì nước gừng có thể giúp ích. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Châu Âu cho thấy, gừng tăng cường trao đổi chất bằng cách tăng sinh nhiệt (quá trình cơ thể đốt cháy calo để tạo ra nhiệt). Uống nước gừng khi bụng đói có thể giúp khởi động quá trình trao đổi chất của cơ thể, hỗ trợ nỗ lực giảm cân.

Gừng cũng giúp kiềm chế sự thèm ăn, ngăn ngừa việc ăn quá nhiều trong ngày. Tiêu thụ gừng có thể làm giảm cảm giác đói, giúp bạn dễ dàng thực hiện kế hoạch ăn uống lành mạnh hơn. Tác động kép tăng cường trao đổi chất và kiềm chế sự thèm ăn này có thể đặc biệt hiệu quả trong việc hỗ trợ giảm cân.

Tác động tích cực đến hệ thống miễn dịch

Bắt đầu ngày mới với nước gừng có thể giúp hệ thống miễn dịch được tăng cường đáng kể. Gừng rất giàu chất chống oxy hóa, giúp trung hòa các gốc tự do có hại trong cơ thể. Các chất chống oxy hóa này đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hệ thống miễn dịch và bảo vệ chống lại các bệnh mạn tính.

Uống nước gừng khi bụng đói có tốt không?- Ảnh 2.

Nước gừng giúp giảm viêm và đau.

Giúp giảm viêm và đau

Viêm mạn tính là nguyên nhân gây nhiều bệnh, bao gồm viêm khớp, bệnh tim mạch. Các hợp chất hoạt động trong gừng, chẳng hạn như gingerols và shogaols, có tác dụng chống viêm mạnh.

Gừng có thể làm giảm đáng kể chứng đau cơ và đau nhức, khiến nó trở thành một phương thuốc tự nhiên tuyệt vời để cải thiện tình trạng viêm.

Cải thiện sức khỏe làn da

Làn da phản ánh sức khỏe tổng thể và nước gừng có thể góp phần mang lại làn da sáng mịn. Các chất chống oxy hóa trong gừng giúp chống lại các gốc tự do, nguyên nhân gây lão hóa và tổn thương da. Những chất chống oxy hóa này còn giúp bảo vệ da khỏi tác hại của tia cực tím, cải thiện độ đàn hồi của da. Đặc tính chống viêm của gừng có thể giúp giảm mụn trứng cá và các kích ứng da khác…

2. Cách làm nước gừng

Cách làm nước gừng rất đơn giản:

  • Gọt vỏ và xay một miếng gừng tươi nhỏ.
  • Đun sôi nước và cho gừng bào sợi vào.
  • Để yên trong 10-15 phút.
  • Lọc lấy nước và để nguội một chút trước khi uống.
  • Để tăng thêm hương vị và lợi ích, hãy thêm một vắt chanh hoặc một thìa cà phê mật ong.

Cách pha trà gừng?

  • Gọt vỏ và thái mỏng một củ gừng tươi.
  • Đun sôi hai cốc nước và thêm các lát gừng vào, đun nhỏ lửa trong khoảng 10 phút để chiết xuất hương vị và các hợp chất có lợi. Bạn cũng có thể đun nhỏ lửa lâu hơn hoặc thêm nhiều gừng hơn.
  • Khi trà đã đạt đến độ đậm nhạt như mong muốn, hãy lọc trà vào cốc. Thêm mật ong, chanh hoặc một chút nghệ để tăng hương vị và có lợi cho sức khỏe, rồi thưởng thức nóng hoặc lạnh.

3. Ai không nên uống nước gừng?

Mặc dù nước gừng có nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng một số trường hợp cần cân nhắc trước khi uống nước gừng:

- Người bị dị ứng với gừng: Những người có tiền sử dị ứng với gừng hoặc các thành phần trong gừng, nên tránh uống nước gừng để tránh các phản ứng dị ứng này.

- Người mắc bệnh dạ dày: Gừng có thể gây kích ứng dạ dày, đặc biệt là những người có vấn đề về dạ dày như loét dạ dày, viêm dạ dày. Trong trường hợp này, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi uống nước gừng.

- Người đang dùng thuốc: Do gừng có thể tương tác với một số loại thuốc điều trị bệnh làm ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc, nên những người đang dùng thuốc (đặc biệt là các bệnh mạn tính), nên trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng nước gừng.

- Phụ nữ mang thai: Phụ nữ mang thai nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi uống nước gừng, vì có thể ảnh hưởng đến thai nhi.

Mời độc giả xem thêm:

5 lợi ích bất ngờ của trà chanh và gừng5 lợi ích bất ngờ của trà chanh và gừng

SKĐS - Khó có thể tìm thấy hai thành phần nào hiệu quả và khả năng thích ứng trong y học tự nhiên như chanh và gừng. Lợi ích của chúng được nhân lên gấp bội khi kết hợp với nhau, mang đến một thức uống giúp phục hồi sức khỏe…


DS. Bạch Thủy
Ý kiến của bạn