1. Tràn ngập thị trường thuốc bổ gan
Khi search từ khóa "thuốc bổ gan" trên google, cho ra 28.400.000 kết quả chỉ trong 0,62 giây. Như vậy đủ để thấy thuốc bổ gan trên thị trường mạng phong phú, đa dạng thế nào. Điều này cũng dễ hiểu bởi khi "có cầu ắt có cung". Đặc biệt là hiện nay, tại Việt Nam, vấn nạn lạm dụng rượu bia đang là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tổn thương gan, thì nhu cầu sử dụng thuốc bổ gan, giải độc gan lại càng nhiều.
Chính vì thế nhiều nhà sản xuất đã hướng sự chú ý của người dùng đến các sản phẩm thuốc/thực phẩm chức năng giải độc gan. Với nhiều sản phẩm, nhiều tên gọi khác nhau như: Thuốc bổ gan, thuốc giải độc gan, giải cứu gan, bảo vệ gan… Và đa phần các nhà sản xuất đều đảm bảo về khả năng giúp gan phục hồi chức năng ban đầu. Tuy nhiên, dù là tên gọi như thế nào, "thuốc bổ gan" chủ yếu phân chia thành 2 loại chính:
- Nhóm chiết xuất từ thảo dược, dược liệu như silymarin, biphenyl dimethyl dicarboxylate, silibinin...;
- Nhóm các hợp chất tổng hợp: Essential, methionine, cianidanol, flumeciol...
Trong đó, nhóm các thuốc có chiết xuất từ thảo dược là loại thông dụng được bán trên thị trường.
Các tác dụng chính của những hoạt chất có trong thuốc bổ gan này như sau:
- Silymarin và silibinin: Là hai loại thuốc hoạt động theo cơ chế duy trì và ổn định chức năng tế bào gan, kích thích nhu mô gan tái tạo. Vì vậy, các thuốc này thường được chỉ định trong các trường hợp cần bảo vệ gan khi bệnh nhân dùng các thuốc có hại cho gan.
- Biphenyl dimethyl dicarboxylate: Có tác dụng ngăn ngừa tình trạng gan bị tổn thương do hấp thụ các chất độc chứa trong bia rượu hoặc do thuốc, đồng thời thuốc cũng giúp kiểm soát chỉ số men gan. Do đó, thuốc được chỉ định cho các bệnh viêm gan do bia rượu, virus, viêm gan nhiễm mỡ, viêm gan do thuốc.
2. Dùng thuốc bổ gan khi nào?
PGS.TS.BS.Trịnh Thị Ngọc - Phó Chủ tịch hội Gan mật Việt Nam, nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Gan là một bộ phận quan rất quan trọng trong cơ thể, nó được ví như một "nhà máy hóa chất", làm nhiệm vụ chuyển hóa, đào thải độc tố và sản xuất ra một số hóa chất cần thiết cho cơ thể. Nhưng gan lại cũng rất dễ bị tổn thương do các hóa chất từ bên ngoài đưa vào cơ thể.
Đặc biệt nếu cơ thể chúng ta thường xuyên tiếp xúc và hấp thu quá nhiều rượu, bia… sẽ dẫn tới tình trạng quá tải cho gan. Từ đó khiến cho chất độc bị tích tụ lại tại cơ quan này và gây nhiễm độc… Lúc này vấn đề bồi bổ, thải độc gan được rất nhiều người quan tâm và không tiếc tiền để mua các sản phẩm này về sử dụng.
Các loại thuốc thải độc gan, thuốc bổ hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại. Thực tế có nhiều bệnh nhân và người nhà bệnh nhân sử dụng các thuốc, thực phẩm chức năng này một cách bừa bãi.
Ai giới thiệu thuốc có tác dụng là mua về dùng, bởi đây là sản phẩm không cần kê đơn, dễ dàng mua được, nhưng khi nào cần sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng để bổ gan thì rất cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Chẳng hạn, đối với người có một lá gan bình thường, chúng ta không nên sử dụng bất kỳ một sản phẩm nào để bổ gan. Nếu muốn dùng, có thể sử dụng các sản phẩm như nhân trần, astiso.
Đối với các trường hợp đã được bác sĩ xác định có tổn thương gan như chức năng gan suy giảm, gan phải làm việc quá sức… để các hoạt động của cơ thể được cân bằng bằng trở lại, chúng ta cần phải tăng cường các biện pháp để thải độc gan, trong đó có việc sử dụng thuốc. Thải độc gan vừa là cách phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm, vừa là cách duy trì sức khỏe của cơ thể.
Gan bị tổn thương do rất nhiều nguyên nhân như: Do thuốc, rượu bia, nấm, virus, vi trùng, hóa chất… Đặc biệt là đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường, tim mạch, bệnh tuyến giáp, ung thư… mỗi trường hợp lại cần sử dụng một loại thuốc bổ gan khác nhau.
Không nên sử dụng thuốc bổ gan, thải độc gan một cách bừa bãi... vì mặc dù là thuốc thải độc, nhưng thuốc cũng gây ra một số tác dụng không mong muốn và vô tình cũng khiến gan bị tổn thương.
3. Khi lạm dụng rượu bia, thuốc bổ gan có "cứu" được gan khỏi nhiễm độc?
Trên thực tế có nhiều người lạm dụng bia rượu, nhưng lại kỳ vọng vào thuốc thải độc gan có thể giúp gan cân bằng và không bị tổn thương.
Về vấn đề này, PGS.TS.Trịnh Thị Ngọc chia sẻ: Qua quá trình khám bệnh, gặp không ít bệnh nhân tin rằng cứ uống thuốc bổ gan trước khi uống rượu sẽ thải bỏ hết độc tố nên uống bao nhiêu rượu bia cũng sẽ không ảnh hưởng gì. Do đó trước khi đi ăn nhậu họ sẽ uống mấy viên thuốc giải độc gan và vô tư uống rượu.
Việc sử dụng thuốc như vậy không có một căn cứ khoa học nào và cũng không giúp cho gan được thải độc. Bởi tổn thương gan do rượu là một quá trình tiếp nhiễm với chất độc lâu dài. Cụ thể là khi uống rượu trong một thời gian dài, cơ thể tiếp nhiễm với rượu bia, qua quá trình chuyển hóa, gan bị nhiễm độc một các từ từ, rồi mới dẫn đến tổn thương chứ không phải vừa uống rượu bia vào là gây tổn thương gan ngay.
Vì thế, dù cho dùng thuốc bổ gan nhưng vẫn thoải mái uống nhiều bia rượu sẽ khiến cho nhiễm độc ở gan ngày càng xấu và không thể hồi phục.
Do vậy, vấn đề lạm dụng rượu bia gây tổn thương gan khi muốn dùng thuốc, thực phẩm chức năng thải độc gan cần dùng theo chỉ định của bác sĩ. Hơn nữa, thuốc thải độc gan rất ít tác dụng phụ nhưng vẫn có nguy cơ.
Nhiều trường hợp sau khi uống thải độc gan lại thấy mệt hơn bởi thuốc bổ gan cũng như các loại thuốc khác, có thể phù hợp với cơ thể người này nhưng không phù hợp với người kia. Đặc biệt là với người có cơ địa dị ứng thì khi sử dụng thuốc thải độc gan có thể gây ra phản ứng dị ứng.
Hơn nữa, các thuốc bổ gan chỉ có tác dụng hỗ trợ nên không thay thế hoàn toàn được các thuốc đặc trị. Do đó, PGS.TS.Trịnh Thị Ngọc nhấn mạnh: Đối với bệnh nhân bị suy yếu chức năng gan nhưng không phải do bệnh lý, có thể tham khảo tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa để lựa chọn chế phẩm bồi bổ gan phù hợp.
Bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc thải độc gan, bổ gan hay hạ men gan... khi chưa được thăm khám và chẩn đoán bệnh.
Mời độc giả xem thêm video:
Cảnh báo: Gặp họa do thải độc gan theo quảng cáo.