Lợi bất cập hại
Mới đây, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư tiếp nhận một bệnh nhân nam (72 tuổi, Hải Phòng) được chuyển từ tuyến dưới trong tình trạng lơ mơ rồi hôn mê, mắt vàng đậm, suy gan, tan máu. Đáng nói, trước khi bị bệnh, bệnh nhân khỏe mạnh, không có tiền sử gì đặc biệt. Sau khi hội chẩn với chuyên khoa chống độc, các bác sỹ thống nhất chẩn đoán bị ngộ độc thảo dược. Bệnh nhân được điều trị tích cực hai ngày nhưng tình trạng tan máu dữ dội nên gia đình xin về nhà và đã tử vong. Theo người nhà bệnh nhân, trước đó, gia đình có người thân đi Sapa về mua tặng chè dây nên cả nhà đã đun nước uống. Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày uống nước lá này, cụ ông (người uống tích cực nhất) xuất hiện tình trạng vàng da, vàng mắt mệt lả đi, buộc phải nhập viện.
Cũng tại đây, bệnh nhân N.V.T (33 tuổi, ở Nam Định) mắc viêm gan B mãn tính cũng cấp cứu trong tình trạng suy gan nghiêm trọng, không thể cứu chữa. Được biết, trước đó, bệnh nhân T. đã tiến hành liệu pháp điều trị được vài năm tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư và bệnh đã khá ổn định. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị ngoại trú, anh T. đã dùng nấm lim xanh với hy vọng có thể chữa được bệnh, không ngờ bệnh càng trọng.
Đã là thuốc, kể cả thuốc nam thì đều có thể xảy ra những tác dụng không mong muốn, thậm chí có thể ngộ độc và dẫn đến hậu quả chết người khi người bệnh lạm dụng và sử dụng thuốc một cách thiếu hiểu biết, không khoa học”.
Lương y Vũ Quốc Trung
Hay như tại Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cũng không ít bệnh nhân mặc dù mới bị suy thận nhẹ chưa có chỉ định chạy thận nhân tạo, nhưng chỉ vì không tuân thủ điều trị hoặc tự ý kết hợp điều trị bằng các thuốc thảo dược, đã khiến bệnh tăng nặng. Theo BS Nguyễn Hữu Dũng, Khoa Thận nhân tạo, thận là cơ quan đào thải kali chủ yếu của cơ thể. Trong khi đó ở các loại cây cỏ, thảo dược khô lại có hàm lượng kali cao. Do vậy việc tự ý dùng các loại thảo dược gây nguy hiểm đến bệnh nhân vốn suy thận. “Nồng độ kali từ trên 5 mmol/l đã là mức độ nguy hiểm, gây rối loạn nhịp tim, ngưng tim, thậm chí khiến bệnh nhân tử vong nếu không cấp cứu kịp thời”, BS Dũng cảnh báo.
Không tự ý nâng liều và kéo dài ngày dùng
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, phụ trách Khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, gần như tháng nào bệnh viện cũng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân tin lời quảng cáo về những phương thuốc bí truyền hay những bài thuốc dân gian. “Như với nấm lim xanh, đến nay chưa có tài liệu chính thống nào khẳng định nó có tác dụng thần diệu như lời đồn thổi của dân gian, chưa kể việc dùng nấm tươi, chưa qua tinh chế có thể có những chất không tốt với sức khỏe.
Hay như chè dây dù là vị thuốc quen dùng, thậm chí có nhiều công trình nghiên cứu khẳng định hiệu quả của nó nhưng việc tự sử dụng với liều không phù hợp hoàn toàn có thể gây hại cho người dùng. Do vậy, dù điều trị theo Đông hay Tây y cần có liều lượng, sự kiểm soát của bác sỹ Đông y, Tây y chứ người dân không nên tự mua về dùng để tránh những nguy cơ đáng tiếc cho sức khỏe”, BS Cấp khuyến cáo.
Còn Lương y Vũ Quốc Trung, Phòng Chẩn trị y học cổ truyền chùa Cảm Ứng cho biết, không phải bất cứ loại cây nào có trong tự nhiên cũng là thuốc nam và có tác dụng chữa bệnh. Trong tự nhiên, có rất nhiều loại cây cỏ có độc tính cao nguy hiểm với tính mạng của con người. Người bệnh nên có những hiểu biết nhất định khi dùng thuốc nam, tránh tình trạng sử dụng truyền tai nhau, sử dụng bừa bãi, thiếu khoa học… gây ra những hậu quả khó lường.
Để ngăn ngừa những tai biến do dùng nam dược, đông dược, bệnh nhân cũng cần phải tuân thủ triệt để hướng dẫn của thầy thuốc, không tùy tiện sử dụng khi không có chỉ định, không tự ý nâng liều và kéo dài ngày dùng. “Một số vị thuốc và bài thuốc đơn giản theo kinh nghiệm dân gian có thể tự dùng, nhưng tốt nhất vẫn nên có sự tư vấn đầy đủ của thầy thuốc có chuyên khoa”, Lương y Vũ Quốc Trung khuyến cáo.