Uống đủ nước hàng ngày để tránh bệnh tim lúc về già

31-08-2021 20:15 | Bệnh người cao tuổi
google news

SKĐS- Luôn cung cấp đủ nước cho cơ thể trong suốt cuộc đời có thể làm giảm nguy cơ phát triển suy tim, theo nghiên cứu được trình bày tại Đại hội thường niên của Hiệp hội Tim mạch châu Âu (ESC) 2021.

Uống đủ nước hàng ngày để tránh bệnh tim lúc về già - Ảnh 1.

Nhiều người không uống đủ lượng nước khuyến nghị hàng ngày dẫn tới nguy cơ suy tim

Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Natalia Dmitrieva thuộc Viện Tim, phổi và máu Quốc gia, thuộc Học viện Y tế Quốc gia, Bethesda, Hoa Kỳ cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi gợi ý rằng duy trì tốt lượng nước cho cơ thể giúp ngăn ngừa hoặc ít nhất làm chậm lại những thay đổi ở tim dẫn đến suy tim. Các phát hiện chỉ ra rằng chúng ta cần phải chú ý đến lượng chất lỏng mà chúng ta tiêu thụ hàng ngày và thay đổi hành vi nếu nhận thấy rằng ta uống quá ít."

Khuyến nghị về lượng chất lỏng hàng ngày là 1,6 - 2,1 lít đối với phụ nữ và 2 - 3 lít đối với nam giới. Tuy nhiên, các cuộc khảo sát trên toàn thế giới đã cho thấy rằng nhiều người không đáp ứng được ngay cả ở mức thấp nhất của khuyến nghị này.

Những lưu ý cho người bệnh suy timNhững lưu ý cho người bệnh suy tim

SKĐS - Suy tim là tình trạng tim không bơm đủ máu cho nhu cầu của cơ thể, thường là do cơ tim bị tổn thương. Đây là một trong những bệnh lý tim mạch thường gặp nhất với tỷ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng trong dân số.

Điều gì sẽ xảy ra khi cung cấp không đủ nước cho cơ thể?

Khi ta uống ít nước hơn, nồng độ natri huyết thanh sẽ tăng lên. Nồng độ natri huyết thanh là một thước đo chính xác về tình trạng hydrat hóa trong cơ thể.

Hidrat hóa là quá trình cộng nước cho một hợp chất hữu cơ không no và hình thành nên hợp chất mới. Trong cơ thể con người khi chào đời chứa tới 75% là nước. Tuy nhiên, đến độ tuổi trung niên thì lượng nước đã hao hụt xuống còn 50%. Do đó, tuổi tác sẽ làm các tế bào bị mất nước, đây là một nguyên nhân khiến tế bào suy yếu và lão hóa. Khi cơ thể thiếu nước, nồng độ natri huyết thanh tăng lên. Để điều chỉnh, cơ thể cố gắng "tiết kiệm" nước, kích hoạt các quá trình được biết là góp phần vào sự phát triển của bệnh suy tim.

Tiến sĩ Dmitrieva cho biết: "Quá trình hydrat hóa và nồng độ natri huyết thanh thay đổi tùy thuộc vào lượng nước chúng ta uống mỗi ngày. Ở nhiều người, nồng độ natri huyết thanh luôn thấp trong thời gian dài, có liên quan đến thói quen tiêu thụ chất lỏng hàng ngày."

Nghiên cứu này xem xét, liệu thói quen uống nước ở tuổi trung niên có khả năng dự đoán sự phát triển của bệnh suy tim 25 năm sau hay không. Theo đó, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra mối liên hệ giữa quá trình hydrat hóa của cơ thể và sự dày lên của thành tâm thất trái - được gọi là phì đại tâm thất trái - dấu hiệu báo trước cho chẩn đoán suy tim.

Uống đủ nước có thể ngăn ngừa suy tim

Uống đủ nước hàng ngày để tránh bệnh tim lúc về già - Ảnh 3.

Hình ảnh phì đại tâm thất trái trong suy tim

Phân tích được thực hiện trên 15.792 người lớn tuổi trong nghiên cứu "Nguy cơ xơ vữa động mạch trong cộng đồng" (ARIC). Những người tham gia có độ tuổi từ 44 - 66 tuổi khi bắt đầu và được đánh giá qua 5 lần khám kiểm tra, kéo dài trong 25 năm.

Những người tham gia được chia thành 4 nhóm dựa trên nồng độ natri huyết thanh trung bình của họ (135–139,5; 140–141,5; 142–143,5; và 144–146 mmol / l) tại các lần thăm khám thứ nhất và thứ hai (tiến hành trong 3năm đầu tiên). Sau đó, các nhà nghiên cứu phân tích tỷ lệ những người bị suy tim và phì đại tâm thất trái ở từng nhóm trong lần khám thứ 5 (25 năm sau).

Kết quả cho thấy: Nồng độ natri huyết thanh cao hơn ở tuổi trung niên có liên quan đến suy tim và phì đại thất trái 25 năm sau đó. Natri huyết thanh vẫn ảnh hưởng đáng kể tới tình trạng suy tim và phì đại thất trái kể cả sau khi điều chỉnh các yếu tố khác liên quan đến sự phát triển của suy tim như: Tuổi, huyết áp, chức năng thận, cholesterol máu, đường huyết, chỉ số khối cơ thể, giới tính và tình trạng hút thuốc. Mức nồng độ natri huyết thanh cứ tăng 1 mmol / l ở tuổi trung niên sẽ tương ứng với tăng 1,11 -1,20 tỷ lệ phát triển phì đại thất trái và suy tim 25 năm sau đó. Khi natri huyết thanh vượt quá 142 mmol / l ở tuổi trung niên, nguy cơ phì đại thất trái và suy tim ở tuổi 70-90 tăng lên.

Tiến sĩ Dmitrieva cho biết: Kết quả cho thấy rằng việc đảm bảo bù đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể (quá trình hydrat hóa tốt) trong suốt cuộc đời có thể làm giảm nguy cơ phát triển phì đại tâm thất trái và suy tim. Ngoài ra, việc phát hiện rằng natri huyết thanh vượt quá 142mmol / l làm tăng nguy cơ trên tim có thể cảnh báo cho mọi người khi đánh giá mức độ hydrat hóa của họ. Việc kiểm tra đánh giá mức natri huyết thanh cũng có thể được các bác sĩ sử dụng khi khám sức khỏe định kỳ.

Do vậy, những người có thói quen uống ít nước hơn mức khuyến nghị nên thay đổi ngay thói quen này.

Xem thêm video được quan tâm:

An toàn cho người cao tuổi trước dịch COVID-19


Hương Thảo
Ý kiến của bạn