1. Chế độ ăn là một trong những yếu tố nguy cơ khiến bệnh gout trở nặng
Theo BS. Kiều Thúy Ngân (Khoa Nội nhi - Bệnh viện Xanh Pôn), bệnh gout là một dạng viêm khớp được đặc trưng bởi các cơn đau dữ dội và đột ngột ở các khớp. Nó được gây ra bởi sự tích tụ axit uric trong cơ thể. Axit uric là một chất thải được tạo ra khi cơ thể phân hủy purin. Purin được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm thịt đỏ, hải sản và bia.
Các cơn gout cấp có thể kéo dài trong vài giờ hoặc thậm chí vài ngày. Nếu không được điều trị, bệnh gout có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như tổn thương khớp và sỏi thận.
Chế độ ăn uống được cho là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng nhất đối với người bệnh gout. Béo phì cũng là một yếu tố nguy cơ của bệnh gout. Các tế bào mỡ tạo ra nhiều enzym phân hủy purin thành axit uric. Điều này có thể dẫn đến sự tích tụ axit uric trong cơ thể và tăng nguy cơ bị bệnh gút tấn công.
Một số loại thuốc cũng có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm bệnh gout. Chúng bao gồm thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta và aspirin. Nếu bạn dùng bất kỳ loại thuốc nào trong số này, điều quan trọng là phải nói chuyện với bác sĩ về những rủi ro và lợi ích có thể xảy ra.
2. Cà phê có tốt cho người bệnh gout?
Đối với những người bị bệnh gout, chế độ ăn uống và lối sống có thể giúp ngăn ngừa bùng phát bệnh.
Theo nghiên cứu tại Mỹ, nam giới trên 40 tuổi uống ít nhất 4 cốc cà phê/ngày giảm 40% nguy cơ mắc bệnh gout. Theo nghiên cứu của Đại học Harvard, phụ nữ uống 1 - 3 tách cà phê/ngày giảm 22% nguy cơ mắc bệnh. Những nghiên cứu này cũng chỉ ra lợi ích đạt được rõ ràng hơn nếu uống cà phê đều đặn. Và cà phê đã lọc caffein có ít tác dụng hơn so với cà phê thông thường.
Mặc dù các nghiên cứu về việc liệu cà phê có giúp giảm nồng độ axit uric không nhất quán, nhưng nó không làm tăng mức độ và thậm chí có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh gout. Vì vậy, với những người yêu thích món đồ uống này sẽ không cần phải bỏ qua tách cà phê buổi sáng. Tuy nhiên, nên lưu ý đến chất làm ngọt kết hợp cùng cà phê vì đường fructose là một yếu tố nguy cơ gây bệnh gout.
3. Người bệnh gout khi uống cà phê cần lưu ý
Không nên lạm dụng: Mức caffein mỗi ngày đối với người bình thường chỉ nên từ 200 - 300mg. Tuy nhiên, lượng caffein này phụ thuộc vào loại cà phê và cách pha chế. Hãy bắt đầu với lượng nhỏ và nếu muốn hãy tăng một cách từ từ.
Nếu trong quá trình sử dụng mà các triệu chứng bệnh tái phát, diễn biến nặng hãy dừng uống và thông báo cho bác sĩ.
Hạn chế thêm các đồ uống ngọt vào cà phê: Đường là một yếu tố nguy cơ có thể làm nặng thêm bệnh gout. Khi uống cà phê, nếu muốn tăng hương vị hãy thêm sữa tách béo.
Một số đối tượng cần đặc biệt cẩn trọng khi dùng cà phê bởi có thể đem tới những tác động bất lợi. Đó là người có phản ứng quá mẫn với caffein, người bị tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, mất ngủ triền miên. Người đang dùng thuốc có thể tương tác với caffein như: Thuốc hen suyễn, thuốc trị trầm cảm, thuốc chống đông máu, kháng sinh quinolon…
Để thực sự an toàn, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định có dùng cà phê như một loại đồ uống thông thường hằng ngày.
Trên thực tế có nhiều loại đồ uống được cho là tốt cho người bệnh gout. Do đó, thay vì còn băn khoăn vì loại thức uống này hãy dùng đồ uống lành mạnh như nước khoáng kiềm, nước ép trái cây họ cam, nước ép quả anh đào, cà rốt… Bên cạnh đó, cần duy trì chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và rèn luyện khoa học. Duy trì cân nặng ở mức cho phép.
Xem thêm video đang được quan tâm:
NHẬN BIẾT YẾU TỐ NGUY CƠ VÀ DẤU HIỆU BÊNH GOUT