Uống cà phê có ảnh hưởng đến tim mạch không?

28-12-2023 15:00 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Cà phê là một thức uống rất quen thuộc với nhiều người. Mặc dù có nhiều bằng chứng cho thấy vai trò và lợi ích của cà phê đối với sức khỏe của con người, tuy nhiên, nhiều người bệnh tim mạch lo lắng liệu uống cà phê có ảnh hưởng đến bệnh tim không?

Lợi ích của cà phê đối với sức khỏe

Các nhà khoa học cho rằng, cà phê có chứa nhiều hợp chất hóa học có hoạt tính sinh học bao gồm polyphenol (acid chlorogenic và lignan), alkaloid trigonelline, melanoidin và một lượng nhỏ magnesium, kali và vitamin B3. Những hợp chất này trong cà phê có thể làm giảm stress oxy hóa, cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột và làm chuyển hóa glucose (đường) và chất béo (cholesterol...).

Các nhà khoa học chứng minh rằng uống cà phê với một lượng vừa phải có lợi cho tim mạch do cà phê có thể mang lại một số lợi ích như: Cà phê có thể làm giảm nguy cơ mắc đái tháo đường type 2; có thể làm giảm nguy cơ bị sỏi mật và có thể làm giảm khả năng mắc ung thư đại tràng. 

Ngoài ra, uống cà phê có thể làm tăng khả năng nhận thức, làm giảm nguy cơ tổn thương gan ở những bệnh nhân bị bệnh gan.

Uống cà phê có ảnh hưởng đến tim mạch không?- Ảnh 1.

Nhiều nghiên cứu cho thấy việc uống cà phê có nhiều lợi ích với sức khỏe.

Các nhà khoa học cũng cho rằng uống cà phê với lượng vừa phải còn có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson bởi cà phê chứa nhiều chất chống oxy hóa từ đó giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch, ung thư, đái tháo đường, đột quỵ.

Mặc dù vậy, cà phê cũng có những vấn đề nếu uống nhiều, uống thường xuyên cụ thể trong thành phần của cà phê có cafein là một chất gây nghiện mức độ nhẹ. Sử dụng quá nhiều cà phê có thể gây ra hồi hộp, bồn chồn, run tay chân cho một số người. Mặt khác, cà phê làm tăng tần số tim, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim. Uống quá nhiều cà phê có thể làm tăng cholesterol.

Người bệnh tim mạch có uống được cà phê không?

Một số ý kiến cho rằng cà phê có khả năng gây tiêu cực tới sức khỏe tim mạch. Tác hại rõ rệt và phổ biến nhất của cà phê tới tim nếu uống nhiều và thường xuyên là gây tăng nhịp tim. Theo chuyên gia tim mạch, thường xuyên uống cà phê và nhất là sử dụng loại cà phê đen, đặc, nguyên chất sẽ làm tăng nguy cơ đau tim.

Uống cà phê có ảnh hưởng đến tim mạch không?- Ảnh 2.

Cà phê có thể khiến tim đập nhanh.

Cà phê có thể gây tăng huyết áp nhanh chóng, qua đó kích thích các hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, là chất xúc tác khiến cơn đau tim xảy ra.

Thành phần cafein trong loại đồ uống quen thuộc này cũng góp phần làm tăng lưu lượng tim; kích thích trung tâm hô hấp; làm giãn mạch phổi và phế quản.

Theo kết quả của một số nghiên cứu gần đây, những người tiêu thụ cà phê ở mức trên trung bình (khoảng 2-3 ly mỗi ngày) sẽ tăng tới 60% nguy cơ xuất hiện chứng đau tim. Vì vậy, những người có tiền sử mắc bệnh tim hoặc có các vấn đề về tim mạch như nhịp tim nhanh, nhồi máu cơ tim, suy mạch vành hoặc ngoại tâm thu… cần hạn chế sử dụng cà phê thường xuyên.

Các nhà nghiên cứu cho rằng với người bệnh tim mạch thi thoảng uống 1 ly cà phê cũng không vấn đề gì nghiêm trọng. Tuy nhiên không nên dùng cà phê thường xuyên, nhất là khi uống cà phê thấy có cảm giác hồi hộp, bồn chồn thì ngừng uống. Khi đó nên uống nhiều nước để làm loãng rồi đi tiểu để đào thải lượng cà phê đã nạp ra khỏi cơ thể.

Tóm lại: Cà phê là một thức uống được nhiều người ưa thích. Hầu hết các nghiên cứu đều chứng minh rằng rất ít người gặp phải các tác dụng khó chịu của cà phê. Trên thực tế nhiều chuyên gia cũng khẳng định khi lạm dụng cà phê có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, gây cứng động mạch chủ, góp phần vào nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Vì vậy, chỉ nên uống cà phê với một lượng vừa phải mỗi ngày.

Cà phê có yếu tố tích cực là nhờ chất cafein làm người uống hưng phấn, không buồn ngủ. Tuy nhiên, chất cafein trong cà phê sẽ làm nhịp tim tăng lên. Tùy theo lượng cà phê uống vào và nồng độ cà phê pha mà sẽ ảnh hưởng đến nhịp tim.

Do đó, phải theo khả năng bản thân, theo dõi cơ thể sau khi uống cà phê có hồi hộp, tim đập nhanh, đánh trống ngực hay không. Nếu có, nghĩa là tim đang tăng hoạt động và thúc đẩy tăng huyết áp, ảnh hưởng đến tình trạng thiếu máu cơ tim.

Khi nhịp tim quá nhanh, việc tưới máu cho động mạch vành, cơ tim sẽ ít đi. Vì vậy, uống cà phê nhưng phải lắng nghe cơ thể để đảm bảo sức khỏe của chính mình.


Bs.CK1 Đỗ Kiều Anh
Ý kiến của bạn