Ngày 17/11, Hoa hậu Việt Nam 2018 Trần Tiểu Vy và gần 1.000 thanh niên đã tham gia chương trình: Nhảy! Vì sự tử tế năm 2019 với chủ đề: Chấm dứt bạo lực giới - Phòng chống HIV/AIDS- Vì sức khỏe của chính bạn và cộng đồng!
Đây là hoạt động hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về Bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực giới nhằm tạo không gian vui chơi, rèn luyện sức khỏe, kết nối giới trẻ cùng nhau đánh thức sự tử tế trong mỗi cá nhân và cộng đồng xã hội, đồng thời tuyên truyền giáo dục sức khỏe sinh sản lành mạnh, chấm dứt bạo lực giới và phòng chống HIV/AIDS.
Theo báo cáo rà soát toàn cầu năm 2013 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 35% phụ nữ trên toàn thế giới từng bị bạo lực thể chất và/hoặc bạo lực tình dục do bạn tình hoặc bạo lực tình dục do người không phải bạn tình gây ra. Trên 7% phụ nữ trên toàn cầu cho biết từng bị bạo lực tình dục bởi người không phải là bạn tình.
Một số nghiên cứu quốc gia cho thấy gần 70% phụ nữ từng bị bạo lực thể chất hoặc bạo lực tình dục trong đời, đa số là do chồng hoặc bạn tình. Ước tính cứ 5 trẻ em gái thì có một em từng bị lạm dụng; ở một số nước, tỷ lệ này có thể lên đến 1 trên 3 trẻ em gái.
Hoa hậu Tiểu Vy và gần 1000 thanh niên đã tham gia chương trình: Nhảy! Vì sự tử tế năm 2019.
Tại Việt Nam, theo nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ tại Việt Nam (2010) có 10% phụ nữ từng kết hôn cho biết họ đã từng bị bạo lực tình dục trong đời và 4% trong 12 tháng qua. Khoảng 2% tổng số phụ nữ cho biết bị bạo lực tình dục kể từ sau 15 tuổi. Hầu hết phụ nữ cho biết rằng người gây bạo lực là người lạ và bạn trai và hiếm khi là các thành viên gia đình.
Khoảng 3% tổng số phụ nữ cho biết bị lạm dụng tình dục trước khi đến tuổi 15, hầu hết phụ nữ nói rằng người lạm dụng là người lạ và một số trường hợp là thành viên gia đình và người khác. Bạo lực tình dục để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe đối với phụ nữ và trẻ gái đặc biệt là tâm lý và sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục (vô sinh, mang thai ngoài ý muốn, phá thai, lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục,....).
Theo nghiên cứu chung của UN Women và UNAIDS, bất bình đẳng giới và bạo lực góp phần làm lây lan HIV. Nó có thể làm tăng tỷ lệ lây nhiễm và làm giảm khả năng ứng phó với dịch bệnh của phụ nữ, trẻ em gái, và các nhóm thiểu số tính dục. Do bất bình đẳng về quyền lực so với nam giới, phụ nữ, trẻ em gái và các nhóm thiểu số tính dục thường gặp phải những rào cản trong việc thương lượng về tình dục an toàn.
Chiến dịch kêu gọi Chấm dứt bạo lực giới – Phòng chống HIV/AIDS.
Anh Vũ Minh Lý, Trưởng ban tổ chức chiến dịch cho biết: “Chủ đề năm nay chúng tôi chọn tại điểm cầu Đà Nẵng là Tử tế với sức khỏe, vì lợi ích của chính bạn và cả những người xung quanh. Và tại điểm cầu Đã Nẵng này thu hút hàng nghìn học sinh, sinh viên, các tình nguyện viên tham gia tại nhiều tỉnh thành phố nhằm kết nối các bạn học sinh, sinh viên tham gia sự kiện, nhân rộng, lan tỏa lòng tốt, và đánh thức sự tử tế trong mỗi cá nhân bằng những việc làm cụ thể và thiết thực.
Thông qua hoạt động của chương trình chúng tôi mong muốn giúp các trẻ hãy Tử tế với sức khỏe – Vì lợi ích của chính bạn và cộng đồng” và chấm dứt bạo lực giới – Phòng chống HIV/AIDS".
Nhảy! Vì sự tử tế hay Dance for Kindness là sự kiện kết nối toàn cầu vì sự tử tế, vượt qua các ranh giới về chủng tộc, giới tính, bản dạng giới, xu hướng tính dục, tôn giáo, quốc tịch. Hàng năm, vào cùng một ngày, hàng trăm thành phố trên toàn thế giới sẽ cùng thể hiện một màn Freezemob (đứng bất động) và Flashmob (nhảy đồng diễn) để chào mừng Tuần lễ Thế giới Tử tế (World Kindness Week), tuần lễ thế giới tôn vinh sự tử tế và những việc làm tốt.
Dance for Kindness đã được tổ chức tại Việt Nam từ năm 2014 đến nay và lan tỏa đến nhiều thành phố. Bên cạnh khuyến khích sự tử tế giữa con người với con người nói chung, mỗi năm chiến dịch hướng vào một chủ đề cụ thể với các hoạt động thiết thực để kết nối giới trẻ và nâng cao ý thức đóng góp cho cộng đồng. Năm nay chương trình Nhảy! Vì sự tử tế lại càng có ý nghĩa hơn khi nó được tổ chức với chủ đề “Tử tế với sức khỏe”.