Hà Nội

Ước mong làm tròn chữ hiếu của đàn con cao chưa đầy 80cm với người mẹ lam lũ

21-03-2015 10:45 | Tin nóng y tế
google news

Câu chuyện mà chúng tôi đề cập dưới đây là minh chứng cho tình thương bao la người mẹ nghèo dành cho đàn con. Song điều đáng quý hơn cả là khi lớn lên, dù thân thể teo tóp, méo mó với chiều cao không quá 80cm nhưng đàn con ấy vẫn cố gắng mỗi người một việc, chăm lo cho mẹ già đã đến tuổi “gần đất xa

Ba cuộc đời - một số phận

Ngôi nhà của ba “chú lùn” Danh, Giản, Bi nằm khuất sâu trong một con ngõ chật hẹp ở làng Xuân Hồi (xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình). Lúc chúng tôi đến, người mẹ - bà Nguyễn Thị Bích đang nằm thở khó nhọc trên chiếc giường nhỏ còn ba anh em Danh thì thay nhau, người xoa bóp, người lấy thuốc cho mẹ uống cùng những lời hỏi han, động viên hết sức tình cảm. Thấy khách lạ đến nhà, anh Giản trần tình: “Mệ (mẹ) tui đau nặng đã mấy ngày ni (nay) rồi. Cả nhà chỉ có mệ thôi. Chừ (giờ) mà mẹ có mệnh hệ chi (gì) thì anh em tui buồn khổ lắm!”. Nghe con trai nói vậy, người mẹ cũng cố gượng cười, ngồi dậy tiếp chuyện chúng tôi.

Ngược dòng quá khứ, bà Bích kể lại, bà lấy chồng và sinh được 4 người con nhưng chỉ có đứa con út là lành lặn còn ba anh em Danh, Giản, Bi đều bị tật nguyền từ khi mới lọt lòng do di chứng từ những năm tháng tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam của chồng bà. Bà không nhớ nổi mình đã ngất lên, ngất xuống bao nhiêu lần sau khi sinh đứa con đầu lòng là Danh. “Hắn ra đời trong sự chờ mong nhưng chỉ nhỏ hơn nửa cái chai. Đôi chân thì teo lại, cong queo. Thấy vậy tôi chỉ biết ôm con mà khóc. Nhưng thương con thì phải cố mà chăm con chứ răng (sao) bỏ hắn cho được!”, bà Bích nhớ lại.

Anh em Phan Thanh Giản, Phan Thị Bi bên người mẹ già lam lũ.

Anh em Phan Thanh Giản, Phan Thị Bi bên người mẹ già lam lũ.

Một thời gian sau, vợ chồng bà quyết định sinh thêm con trong niềm hy vọng. Nhưng rồi lần lượt chị Bi, anh Giản ra đời lại vẫn trong hình hài dị dạng. Hai vợ chồng nhìn ba đứa con teo tóp, không chân nằm trên giường mà lòng quặn thắt. “Mình đã sinh con ra thì phải cho con đủ kiếp làm người!”, hai vợ chồng bà tự dặn lòng mình như thế. Dẫu vậy, nhưng việc vừa làm lụng vừa chăm lo cho những đứa con tật nguyền không phải là chuyện đơn giản. Chỉ với vài ba sào ruộng khoán, hàng ngày, sáng sớm hai ông bà cõng con ra đồng, để con nằm trên bờ để xuống cày cấy, tối đến lại địu con về. Vất vả khó khăn chồng chất khi người chồng qua đời, một mình bà Bích vừa cáng đáng mọi việc vừa nuôi bốn đứa con nhỏ.

Thương cảm với hoàn cảnh của bà, những người hàng xóm cũng nhiệt tình giúp đỡ, người thì cho lon gạo, người cho mớ rau. Nhưng điều đó cũng chẳng thấm tháp vào đâu so với gánh nặng mưu sinh đang đè nặng lên đôi vai người mẹ này. Hàng ngày, ngoài công việc của hợp tác xã, bà còn tranh thủ đi làm thuê, mò cua bắt ốc để có tiền đong gạo nuôi con. Cũng có những khi không bắt được gì, người mẹ này lại chạy vạy khắp nơi xin củ sắn, củ khoai về nấu để con không phải nhịn đói.

Cuộc sống khốn khó cứ thế trôi qua. Các con của bà Bích cũng đã lớn nhưng thân hình thì vẫn nhỏ bé, yếu ớt như ngày nào. “Lúc đầu, chúng tôi rất bi quan. Nhiều lúc còn muốn chết đi cho xong để giảm bớt gánh nặng cho mẹ nhưng một lần nhìn thấy trên ti vi, có những số phận còn khốn khổ và éo le hơn chúng tôi nhiều. Họ mù cả 2 mắt hay chỉ có một bàn tay nhưng vẫn cố gắng vượt lên trên hoàn cảnh và khẳng định mình. Cũng chính từ đó, anh em chúng tôi quyết định phải sống lạc quan và mạnh mẽ hơn”, anh Danh nói.

“Cảm ơn vì mẹ đã sinh ra chúng con”

Vậy là thay vì chỉ lăn lóc, lê lết trong nhà, ba anh em đã bắt đầu tập đi bằng hai tay, rồi tập nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa để bà Bích có thời gian đi làm thuê, làm mướn bên ngoài. Thương mẹ vất vả bươn chải để kiếm sống, ba anh em đã quyết định học nghề để có thể tự nuôi sống bản thân. Đối với người bình thường, việc học nghề khó một thì khiếm khuyết như các anh chị khó mười. Lúc đó, trong xóm có rất nhiều gia đình đi mua lưới để đánh bắt cá nên ba anh em đã quyết định học đan lưới để bán. Những ngày đầu mới tập tành làm lưới, cả ba anh em đều gặp rất nhiều khó khăn.

Được một thời gian thì các anh chị lại chuyển qua làm nón vì người dân mua lưới ngày càng ít đi. Ngôi nhà nhỏ thành “xưởng” làm nón. Ba anh em, mỗi người được phân một việc. Người vót tre. Người chằm lá. Người quét dầu lên mặt lá cho nón bóng và lâu hỏng. Bà Bích thấy ba anh em lê lết trên sàn nhà lấm lem cần mẫn, cũng xót lòng can ngăn. Nhưng cả ba anh em đều lắc đầu: “Mẹ đã sinh ra tụi con, nuôi tụi con lớn như ngày hôm nay. Dù tụi con không được như những người khác nhưng cũng sẽ gắng tự chăm lo cho mình để mẹ bớt khổ”. Câu chuyện về gia đình người mẹ ấy đã khiến nhiều người cảm động.

Biến cố đã khiến cuộc sống của ba anh em càng khó khăn hơn khi bà Bích đột nhiên lâm bệnh nặng. Ba anh em nhìn nhau rồi nhìn mẹ mà rơi nước mắt khi bà Bích phải lên bệnh viện một mình. Người em gái út bận công việc nên không thể thường xuyên ở bên chăm sóc mẹ. Bởi vậy, ba anh em quyết định thay nhau lên bệnh viện chăm mẹ dù phải ngồi xe lăn. “Mẹ đã khổ vì chúng tôi quá nhiều. Đã đến lúc chúng tôi phải trả ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ suốt mấy chục năm qua!”, anh Giản nói.

Dù thân hình nhỏ bé nhưng anh Phan Thanh Danh có thể làm mọi việc như những người bình thường khác.

Dù thân hình nhỏ bé nhưng anh Phan Thanh Danh có thể làm mọi việc như những người bình thường khác.

Không thể ngồi nhìn mẹ phải chạy vạy nuôi mình khi tuổi đã cao, anh Giản đi học nghề cắt tóc, anh Danh thì chăn nuôi gà, vịt, bồ câu để kiếm thêm thu nhập cho gia đình còn chị Bi đảm đương việc cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc mẹ. Tiền cắt tóc cộng với bán gà, vịt cũng đủ cho các anh chị trang trải cuộc sống hàng ngày. “Cả xóm ai cũng ngạc nhiên, không hiểu vì sao chúng tôi không có chân, đi còn không vững mà đòi làm kinh tế. Tui càng muốn chứng minh cho họ thấy mình không vô dụng. Bây chừ (giờ) thì ai cũng thấy rồi!”, anh Giản chia sẻ.

Năm nay, bà Bích đã bước sang tuổi 85, cộng thêm bệnh tật hành hạ khiến sức khỏe bà giảm sút đi nhiều. Bởi vậy, mọi việc trong nhà đều do ba anh chị lo liệu và chu toàn. Ý thức được những hạn chế trong việc đi lại, anh Giản quyết định học cách tiêm thuốc để có thể tự tiêm cho mẹ. Cứ sáng sớm là anh lại đẩy xe lăn tới các tiệm thuốc để nhờ y tá dạy cho cách tiêm, đến chiều tối mới về. Những ngày đầu, anh đều lấy tay mình ra để tập tiêm đến nỗi hai bàn tay chi chít những vết tiêm. Chính nhờ sự kiên trì ấy mà giờ đây anh Giản đã trở thành “bác sỹ gia đình”. Mỗi khi mẹ hay các anh chị ngã bệnh, anh lại ra tiệm mua thuốc về chữa trị, chứ không cần phải đi bệnh viện để tiêm thuốc như trước đây.

Cứ thế, mười mấy năm qua ba con người chung một số phận hẩm hiu trong ngôi nhà nghèo khó ấy cùng nhau báo đáp ơn nghĩa sinh thành của mẹ già. Căn nhà trống đồ đạc nhưng không quạnh quẽ bởi ở đó có những con người tuy tật nguyền nhưng lại rất giàu tình cảm. Và đặc biệt, tấm lòng hiếu thảo của họ dành cho người mẹ của mình khiến nhiều người cảm động.

 

 

 

 


Ý kiến của bạn