Ước mong có một cây cầu vượt lũ

02-09-2012 13:10 | Xã hội
google news

Xã Trung Phúc của huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng nằm lọt thỏm giữa nách của những dãy núi nhấp nhô. Con đường dẫn vào xã cũng thuộc dạng “độc đạo” khi gần như chỉ có một lối đi duy nhất là băng qua một con sông.

(SKDS) -  Xã Trung Phúc của huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng nằm lọt thỏm giữa nách của những dãy núi nhấp nhô. Con đường dẫn vào xã cũng thuộc dạng “độc đạo” khi gần như chỉ có một lối đi duy nhất là băng qua một con sông. Gần 40 năm qua, người dân của mảnh đất nghèo này vẫn từng ngày ước mơ có được một cây cầu.

Có mặt tại mỏm đất trước “cửa” vào xã Trung Phúc sau một trận mưa lớn làm nhầy nhụa những con đường đất, nỗi gian khổ vượt sông của người dân nơi đây phải tận mắt chứng kiến mới cảm nhận hết được.

 Theo quan sát, đoạn đường đi vào xã Trung Phúc có chiều dài chưa đầy 30km nhưng nó lại là tuyến giao thông quan trọng góp phần lưu thông xã Trung Phúc với các xã khác trong huyện. Khó khăn nhất tính đến thời điểm hiện tại là ở chỗ muốn từ các xã lân cận vào Trung Phúc phải băng qua một con sông lớn tên Bắc Vọng. Vào mùa mưa lũ, đoạn qua sông Bắc Vọng thuộc bản Rác, nước lũ dâng cao, chảy xiết khiến người và các loại phương tiện không thể lưu thông. Cả một vùng của Trung Phúc gần như một hòn đảo nhỏ, hoàn toàn bị cô lập với các địa phương lân cận.

Trong dáng vẻ ướt át, thở hổn hển vì phải đẩy chiếc xe vượt qua dòng nước xiết, vợ chồng chị Đàm Thị Nhớ than vãn: “Vào những đợt mưa năm nào cũng vậy, người dân chúng tôi ai cũng thấp thỏm lo bị cô lập. May hôm nay nước chảy còn yếu nên mới cố vượt nước sang được chứ bình thường nước lớn không ai dám đi qua đây cả. Nói là nước nhỏ nhưng muốn đưa phương tiện xe máy qua phải có 2-3 người hỗ trợ. Nếu đi qua một mình chắc chắn sẽ bị nước cuốn cả người lẫn xe xuống dưới thác kia…”.

 Theo những người cao tuổi ở xã kể lại thì trước đây cũng từng có một cây cầu bằng đá bắc qua sông, cột móng cầu giờ vẫn còn.

Loay hoay hết quá 15 phút, một người đàn ông trung niên và một ông cụ mới dám mạnh dạn dò dẫm bước từng bước trên con đường ngập nước lũ. Hai người một già một trẻ cố sức đẩy chiếc xe máy băng qua dòng nước đang cuồn cuộn chảy. Nhưng chưa đi được quá 5m hai người ngã dúi dụi, đành lại cố sức bám xe quay trở lại bờ, không dám mạo hiểm băng qua con nước dữ nữa. Chứng kiến toàn bộ sự việc trên, anh bạn “thổ địa” tên Nông Vĩnh mặt buồn rười rượi cho biết: “Nếu mưa to kéo dài liên tiếp thì nước ngập cả vào trong nhà người dân ở xung quanh đây chứ đừng nói đến việc cố sức vượt sông qua đường được. Bao năm nay, người dân trong vùng không khi nào thôi nơm nớp nỗi lo vì con nước dữ…”.

Qua tìm hiểu, do không có cầu để vào xã nên việc giao thương của Trung Phúc với các địa phương lân cận gặp rất nhiều hạn chế. Sau mỗi vụ thu hoạch, nông sản đều bị ách lại, không thể đưa ra bên ngoài. Điều này khiến hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng, thiệt hại hàng tỷ đồng mỗi năm. Đáng lo ngại hơn là việc cưới xin, ma chay của các hộ dân trong xã cũng phải… hạn chế, tình cảnh khổ sở trăm bề.

Theo trí nhớ của những người có tuổi ở bản Rác, trước kia, đoạn đi qua bản Rác để vào xã Trung Phúc cũng từng có một cây cầu được xây bằng đá nhưng do chiến tranh, người dân phá đi để ngăn địch qua sông. Rất mong chính quyền địa phương sớm có kế hoạch đầu tư xây dựng một cây cầu bắc qua dòng nước dữ này để hàng trăm hộ dân Trung Phúc không còn khổ sở, nơm nớp nỗi lo bị nước lũ cô lập.

Giang Nam - Lưu Vĩnh


Ý kiến của bạn