Ai sinh ra cũng khát khao hạnh phúc, mẹ đơn thân cũng vậy. Hình ảnh những người mẹ đơn thân ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong cuộc sống. Phần lớn họ đều trẻ, bản lĩnh, năng động và coi chọn lựa của mình như một thách thức. Khi nói đến những người mẹ đơn thân, nhiều người có cùng suy nghĩ: thương hại, không hạnh phúc, con cái thiếu thốn tình cảm gia đình, chịu thiệt thòi, vất vả lo kinh tế nuôi con...
Quyết định chia tay bố của con, có lẽ là một việc vô cùng khó khăn không phải suy nghĩ một sớm một chiều mà phải suy nghĩ, cân nhắc trong thời gian dài, thậm chí kéo dài cả chục năm, nuôi con một mình lại càng đong đầy những trăn trở của người mẹ. Không có hành trình nào là hoàn hảo nhưng cần có cách để chọn một hành trình thích hợp.
Phụ nữ ngày nay đã khẳng định mình trên rất nhiều lĩnh vực, đạt được rất nhiều thành công trong công việc lẫn cuộc sống. Phụ nữ có quyết tâm, có ý chí, tự lập, bản lĩnh, kiếm tiền giỏi thì thường không có nhu cầu lệ thuộc vào đàn ông.
Mẹ đơn thân phải đối diện với rất nhiều áp lực: gánh nặng nuôi dạy con, điều tiếng từ xã hội, áp lực tài chính, không đủ thời gian chăm con nếu mải mê kiếm tiền. Nhưng lớn nhất chính là cảm giác tội lỗi, tự dằn vặt bản thân đã không thể giữ gìn mái ấm gia đình hạnh phúc cho các con.
Tất cả những khó khăn của phụ nữ sau ly hôn đa phần đều đến từ sự phụ thuộc về cả tinh thần và vật chất nên sau khi buộc phải ly hôn sẽ rất vất vả và cô đơn. Khi phụ nữ không phụ thuộc, sẽ vượt qua khó khăn dễ dàng hơn nhiều. Những người mẹ đơn thân mà nuôi con thì kinh tế sẽ khó khăn so với gia đình có đủ 2 vợ chồng.
Việc giáo dục đứa con cũng thiệt thòi hơn. Dạy dỗ con cái biết sống đàng hoàng, tử tế rất cần vai trò của người bố. Gia đình truyền thống với con cái có đủ đầy bố mẹ vẫn là điều hạnh phúc hơn nhiều.
Những người mẹ đơn thân thường mang trong lòng những vết thương tinh thần, nếu suy nghĩ tích cực, lâu dài sẽ trở thành nội lực. Những điều đó khiến họ có xu hướng tự làm tất cả mọi việc một mình. Họ gồng mình lên mà không cần sự hỗ trợ của bất kỳ ai. Những người này bên ngoài rất mạnh mẽ, song bên trong thường chịu tổn thương sâu sắc.
Sự gồng lên đó cho họ có cảm giác làm được nhiều thứ, nhưng rất khó có được hạnh phúc. Dù có độc lập về tài chính đến đâu chăng nữa, thì sâu thẳm cuộc sống của mẹ đơn thân ít nhiều vẫn mong được sự chở che, luôn yếu đuối trước một ai đó có cùng chung nhịp điệu về tâm hồn với họ.
Có lẽ nhiều người nghĩ sau khi ly hôn thì không thể tin tưởng vào tình yêu nữa hoặc nếu chọn một người đàn ông để gắn bó cũng cẩn trọng hơn, hoặc là chỉ yêu cho vui chứ không tái hôn. Nhưng tôi nghĩ rằng, dù cuộc sống có bất hạnh đến đâu, chúng ta vẫn nên giữ niềm tin sâu sắc vào tình yêu và tin rằng luôn có một người đàn ông tuyệt vời dành riêng cho mình ở một nơi nào đó, chỉ là đến thời điểm nào thích hợp đủ duyên phận mới gặp được họ mà thôi.
Thay vì việc đóng cửa trái tim lại, người mẹ đơn thân nên sống thành thật với bản thân hơn, cứ theo đuổi những đam mê, không nên che giấu mong muốn của chính mình, nên đặt ra những nguyên tắc khi lựa chọn người bạn đồng hành trong giai đoạn tiếp theo của cuộc đời, biến cuộc hôn nhân ngày trước thành kinh nghiệm của mình để đưa ra tiêu chuẩn lựa chọn người đàn ông sau này.
Điều cần tránh nhất đó là vì cô đơn mà nhắm mắt đưa chân gắn bó với một người đàn ông không phù hợp với mình, không có khả năng mang lại cuộc sống hạnh phúc cho mình và con lâu dài hoặc không xứng đáng với tình yêu của mình, điều quan trọng nhất là yêu ai cũng được nhưng tuyệt đối không được làm người thứ ba phá vỡ hạnh phúc gia đình của người khác, không được cướp chồng, cướp bố của người khác, không được tìm lý do để bao biện cho những hành vi sai trái của mình như tình yêu không có lỗi…
Có thể ngay thời điểm đó, bạn mải đắm chìm trong hạnh phúc hay cảm thấy hả hê, sung sướng vì giành phần thắng với một người phụ nữ khác, nhưng sau này biết đâu sẽ có lúc chính bạn sẽ phải nếm trải cảm giác cay đắng khi bị người khác cướp chồng.
Rồi bạn cũng không thể biết trước được tương lai của bạn có phải trả giá bằng chính sức khỏe hay sự nghiệp của bạn sa sút, con cái của bạn hư hỏng, quay lưng lại với bạn...bởi những lỗi lầm mà bạn đã tạo ra nhiều năm trước đó.
Việc mẹ đơn thân tự yêu bản thân mình, tự thấy mình là người có giá trị, tạo cho mình một cuộc sống độc lập, lành mạnh về tinh thần thì không những giúp họ trở thành người hạnh phúc, mà còn giúp cho những đứa con không trở thành nạn nhân trong gia đình danh nghĩa vẫn có bố mà bố không sống chung, bỏ mặc con không quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ, không đồng hành cùng con. Đôi khi một gia đình tan vỡ, vẫn có thể mang đến cơ hội để những đứa con có thêm những ông bố - bà mẹ hạnh phúc, hoặc ít nhất các con được sống trong một không gian vui vẻ, hạnh phúc.
Chúng ta nên nhận thức rằng chuyện làm tổn thương một đứa trẻ lớn nhất không phải là câu chuyện của bố mẹ ly hôn, mà là bố mẹ ứng xử thế nào sau cuộc ly hôn đó. Cách vì con tốt nhất chính là bố mẹ cư xử với nhau tử tế, lịch sự, làm tròn trách nhiệm của bố mẹ đối với con, cùng chung tay lo cho con có cuộc sống đầy đủ nhất, đặc biệt là bản thân họ phải sống thực sự hạnh phúc.
Nhân kỷ niệm 21 năm ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2022), mong những ai đang cô đơn, đau khổ, tuyệt vọng có thêm niềm tin rằng ngày mai tươi đẹp vẫn đang chờ đợi ở phía trước, nhưng nó cần bạn đứng dậy, giẫm đạp lên mọi chông gai và nắm bắt lấy hạnh phúc. Nếu không chịu làm gì và cố gắng hết mình thì sẽ không có sự may mắn nào tới với bạn cả. Mong những tâm hồn cô đơn có thể tìm thấy mảnh vỡ còn lại, mà cả hai có đủ yêu thương, thấu hiểu, bao dung để cùng nhau đi hết quãng đường dài. Mong những đứa trẻ được sống trong tình yêu thương của cả bố mẹ và những người xung quanh.