Nữ bác sĩ trẻ chống chọi với bệnh ung thư máu.
Mong ước làm bác sĩ để cứu chữa cho những bệnh nhân nghèo
Chị Đặng Thị Huyền Trang (SN 1994, trú tại khối Tân Nam, phường Hưng Dũng, TP Vinh, Nghệ An), tốt nghiệp Đại học Y Thái Bình năm 2019. Sau khi ra trường, chị được nhận công tác tại Khoa Ngoại tổng hợp 1 (Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An).
Trang sinh ra trong gia đình có 2 người con, chị là con đầu. Thu nhập của gia đình chỉ dựa vào sạp hàng buôn bán nhỏ của bố mẹ ở chợ. Người bố trước đây đi làm xây dựng nhưng sau vụ tai nạn rơi giàn giáo thì không thể làm việc nặng, hàng ngày chỉ phụ vợ bán hàng ở ngoài chợ.
Từ thuở học sinh, chứng kiến nhiều hoàn cảnh nghèo khó bất hạnh nên chị thầm ước được khoác lên mình tấm áo blouse trắng để cứu chữa cho những bệnh nhân nghèo. Và, khi giấc mơ thành hiện thực, bác sĩ Đặng Thị Huyền Trang tìm đủ mọi cách để giúp đỡ những người bệnh của mình.
Trong quá trình công tác, bác sĩ Trang không chỉ được bạn bè đồng nghiệp biết đến là người có chuyên môn vững, nhiệt huyết mà còn được mọi người tin yêu, cảm phục là một bác sĩ giàu lòng nhân ái.
Là bác sĩ trẻ luôn mang trong tâm lời dạy của Bác “Lương y như từ mẫu” để không ngừng cố gắng học tập, rèn luyện, trở thành người thầy thuốc vừa có tâm vừa có tài. Với kiến thức chuyên môn tích lũy được trong quá trình học tập ở nhà trường, cộng thêm tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, bác sĩ Huyền Trang luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Đầu năm 2021, khi dịch COVID-19 ở Nghệ An bắt đầu bùng phát, bác sĩ Trang đã cùng đồng nghiệp xung phong lên tuyến đầu tham gia chống dịch. Chị được phân công nhiệm vụ khám sàng lọc đầu tiên khi tiếp nhận các bệnh nhân. Trang kể: “Trong những ngày tháng khốc liệt của dịch bệnh, cảnh tượng thực sự ám ảnh. Liên tiếp các bệnh nhân mắc bệnh nặng được đưa vào khu cách ly của bệnh viện, trong số đó có nhiều bệnh nhân tiên lượng xấu".
Khi được hỏi về những kỷ niệm không thể nào quên trong quá trình chống dịch, cô bác sĩ có thân hình nhỏ bé tâm sự: "Có một lần, em cùng chị đồng nghiệp tiếp nhận một bệnh nhân nặng hơn gần 80kg lên cáng, lúc đó bọn em không hiểu sao nhấc bệnh nhân lên một cách nhẹ nhàng. Sau khi khám sàng lọc, đưa bệnh nhân vào khu cách ly em thấy đầu mình hơi choáng váng nghĩ là mình sắp ngất. Tuy vậy, nhưng em rất vui, không ngờ mình lúc đó mình lại khỏe vậy".
BSCK II Lê Thị Thanh Trà – Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho biết, trong công việc bác sĩ Trang là một người năng nổ, nhiệt huyết, được đồng nghiệp quý mến, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
"Trong các hoạt động của bệnh viện Trang luôn là người đi đầu. Những ngày tháng chống dịch, suốt 2 tháng trời Trang tình nguyện tham gia đến các bệnh viện dã chiến, khu cách ly để hỗ trợ chống dịch" - BS. Trà nói.
Tai ương ập đến...
Đến thăm Huyền Trang tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, hình ảnh một cô gái bé nhỏ, nằm co quắp trên giường bệnh trong bộ quần áo bệnh nhân mãi ám ảnh trong tôi. Mái tóc óng mượt Trang đã bị rụng hết vì truyền hóa chất, gương mặt còn nguyên sự mệt mỏi, mắt thâm quầng, nhắm nghiền không cử động.
Gắng gượng ngồi dậy, bác sĩ Trang chia sẻ, cuối tháng 5/2023, chị thấy sức khỏe mình sa sút, ăn uống kém nên quyết định ra Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thăm khám. Tại đây bác sĩ kết luận chị bị ung thư máu. "Lúc nhận tin mình bị bệnh tôi sốc lắm, không thế chấp nhận được sự thật này. Nhưng dần dần được gia đình, bạn bè, đồng nghiệp an ủi, động viên nên tôi cố gắng giữ vững tâm lý để điều trị", bác sĩ Trang tâm sự.
Từ khi phát hiện bệnh, bác sĩ Trang phải trải qua 7 ngày truyền hóa chất liên tục. Sau 1 tháng điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai chị không đáp ứng được với hóa chất nên gia đình xin đưa về Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.
"Phác đồ điều trị đầu tiên của tôi bị thất bại nên các bác sĩ tại đây chuyển sang phác đồ điều trị mới. Sang đợt điều trị này phải dùng nhiều thuốc hơn, mệt mỏi hơn vì tác dụng phụ. Mỗi ngày tôi mất hơn 10 triệu tiền điều trị, kinh tế gia đình khó khăn, nhiều khi tôi nghĩ muốn quyên sinh để cho bố mẹ đỡ vất vả", chị Trang nói trong nước mắt.
Mắc ung thư, đồng nghĩa với việc đang mang án tử trên đầu, bỗng chốc bao ước mơ, dự định của nữ bác sĩ trẻ đóng chặt lại. Số tiền tích góp suốt những năm đi làm, Trang đã dùng chữa bệnh. Chi phí điều trị quá lớn, gia đình Trang còn phải vay mượn người quen, họ hàng để lo cho chị điều trị.
Ngồi gục đầu bên giường bệnh chăm con, bà Phạm Thị Phan (mẹ Trang, 57 tuổi), khuôn mặt gầy hốc hác, rưng rưng nước mắt, bà kể cho chúng tôi nghe về bệnh tình của con gái, trước đây sức khỏe Trang không được khỏe như bao bạn bè cùng trang lứa, tuy nhiên ít ốm vặt.
"Giờ hàng ngày nhìn con trên giường bệnh, sức khỏe ngày càng sa sút tôi đau xót quá. Con tôi là đứa ngoan hiền mà sao ông trời bắt nó phải khổ thế này. Tiền chi phí điều trị ngày càng cao, gia đình tôi đã vay mượn nhiều nơi để lo cho con. Hi vọng các nhà hảo tâm hỗ trợ, chia sẻ giúp con tôi vượt qua được khó khăn trước mắt", bà Phan nói trong nước mắt.
Bà Phan cho biết thêm, trong thời gian Trang điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị Đa khoa Nghệ An đã nhận được rất nhiều sự quan tâm từ ban giám đốc, đồng nghiệp. Bà muốn gửi lời cảm ơn đến những người đã giúp đỡ Trang trong thời gian qua.
BSCK II Lê Thị Thanh Trà cho biết, với bệnh tình của Trang thì mỗi ngày chi phí điều trị rất cao. Vừa qua, cán bộ, nhân viên của bệnh viện đã hỗ trợ hơn 180 triệu đồng để giúp Trang trong quá trình điều trị.
"Hiện, sức khỏe của Trang đang rất yếu, ban giám đốc bệnh viện, đồng nghiệp thường xuyên đến động viên chia sẻ. Các bác sĩ tại bệnh viện cũng đang nỗ lực hết sức để hỗ trợ Trang trong quá trình điều trị. Đến hôm nay sức khỏe Trang cũng ổn hơn một chút. Tuy nhiên, chi phí điều trị quá cao, nên chúng tôi cũng mong các nhà hảo tâm giúp đỡ thêm mong duy trì sự sống cho Trang để tìm người phù hợp để hiến tủy, thực hiện ghép tủy điều trị cho Trang" – bác sĩ Trà nói.