Ý tưởng làm phim cho người khiếm thính hình thành từ rất lâu nhưng những ai thực sự tận tâm theo đuổi lĩnh vực này không nhiều, chưa nói đến sức bền và mức độ cống hiến của họ với nghề. Người khiếm thính tại Việt Nam đã phần nào hòa nhập với cuộc sống nhưng nhu cầu giải trí, thưởng thức văn hóa - văn nghệ lại ít được quan tâm.
Trong khi đó, tại những nước phát triển, người khiếm thính gần như hòa nhập 100% với cuộc sống, kể cả trong lĩnh vực giải trí. Tại Úc, người khiếm thính còn có thể đến rạp chiếu phim như người bình thường trong những ngày cuối tuần nhờ cuộc thử nghiệm kỹ thuật mới thành công nhằm phục vụ cho những người khiếm thính và khiếm thị.

Phim cho người khiếm thính được thực hiện bằng tâm huyết và sự yêu nghề.
Từ đó, 146 rạp chiếu phim đặc biệt đã được đưa vào sử dụng trong một sáng kiến hỗn hợp giữa Chính phủ Úc và nhóm Tư vấn về công trình giúp người khiếm thính hay khiếm thị thưởng thức phim điện ảnh. Vào cuối năm 2014, trên khắp nước Úc sẽ có 240 rạp được trang bị để phục vụ người khiếm thính hay khiếm thị. Được biết, kỹ thuật phục vụ này bao gồm những thiết bị dành riêng cho người khuyết tật. Thiết bị sẽ mô tả những gì đang diễn ra trên màn hình với người khiếm thính, thiết bị nhỏ bằng bàn tay này sẽ cung cấp phụ đề. Khả năng thưởng thức phim như người bình thường là một trải nghiệm đầy cảm xúc đối với người khiếm thính hay khiếm thị.
Tuy không có được những điều kiện thuận lợi như các nước phát triển nhưng Việt Nam cũng luôn quan tâm đến vấn đề giải trí, thưởng thức văn hóa - văn nghệ đối với người khiếm thính nhưng chúng ta chưa xây dựng được hệ thống rạp chiếu phim cho người khiếm thính, đó là ước mơ quá xa vời trong hoàn cảnh hiện tại.
Tuy nhiên, vẫn còn có những cá nhân âm thầm giúp người khiếm thính được thụ hưởng một đời sống văn hóa nhiều màu sắc. Rất đáng khen vì đó là những người trẻ. Lê Thanh Hoa là cô gái được cộng đồng người khiếm thính biết đến và yêu mến. Từng tốt nghiệp ĐH Kinh tế nhưng khi ra trường lại có sở thích ngôn ngữ ký hiệu, Thanh Hoa quyết định làm các thước phim tài liệu về Hà Nội dành cho người khiếm thính. Cô và các thành viên trong đoàn đã từng ghi hình tại làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) vào một ngày nắng đẹp. Phim tài liệu nhằm mục đích giới thiệu cho người khiếm thính về nét văn hóa, con người nơi đây.
Không chỉ làm phim tài liệu về Bát Tràng, cô gái này còn thực hiện chuỗi phim tài liệu chủ yếu về các địa danh tại Hà Nội. Trước khi đến với Bát Tràng, Hoa từng quay phim về Văn Miếu, Hồ Gươm giúp cộng đồng người khiếm thính có cơ hội hiểu hơn thông qua ngôn ngữ ký hiệu. Sau các tập phim phát trên mạng được nhiều người hưởng ứng, cô gái này càng hăng hái làm việc. Cùng với Hoa còn có Hiền, một trợ lý tích cực của đoàn làm phim. Hiền từng là sinh viên Khoa đạo diễn ĐH Sân khấu Điện ảnh nên có chút vốn liếng kiến thức về dàn dựng phim tài liệu, cô đã tình nguyện tham gia và hỗ trợ cho Hoa. Người quay phim là anh Nguyễn Khắc Cát, một thợ quay phim chụp ảnh ở xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm. Anh tình nguyện quay giúp Hoa miễn phí do quan tâm đến cộng đồng người khiếm thính và rất yêu thích công việc này.
Kỹ thuật làm phim cho người khiếm thính không được hỗ trợ bởi bất kỳ công nghệ hiện đại nào mà được thực hiện bằng tâm huyết và sự yêu nghề. Hiền cầm kịch bản trên tay đọc, còn Hoa nghe và diễn đạt trước ống kính bằng ngôn ngữ ký hiệu. Trước mỗi đợt đi quay, cả nhóm đều phải lên ý tưởng, cần đến cố vấn về lịch sử, tìm hiểu thông tin về nơi đoàn sắp thực hiện. Bộ phim khi quay xong, biên tập dựng và chỉnh sửa sẽ được đưa lên mạng. Ngoài ra, Hoa đang ấp ủ sẽ ghi các thước phim này vào đĩa với chất lượng cao để gửi tặng các trung tâm người khiếm thính trên toàn quốc.
Không chỉ làm phim, vào các buổi tối, đạo diễn kiêm MC này còn tham gia công tác phiên dịch tại lớp học ngôn ngữ ký hiệu trên phố Lý Thường Kiệt (Hà Nội), nơi không chỉ người khiếm thính học mà còn có cả bạn trẻ lành lặn có nhu cầu giao tiếp ngôn ngữ bằng tay.
Mới ngoài 20 tuổi, nhưng Lê Thanh Hoa đã có quá trình gắn bó và đóng góp nhiều công sức cho cộng đồng những người khiếm thính. Cô mở Trung tâm Ðào tạo và Nghiên cứu ngôn ngữ ký hiệu, làm phim cho người khiếm thính. Những việc làm của Hoa đã và đang giúp người khiếm thính hòa nhập với cộng đồng.
So với thế giới, kỹ thuật làm phim cho người khiếm thính tại Việt Nam còn quá sơ sài, chúng ta chưa có hệ thống chuyên nghiệp mà chỉ là những cá nhân đam mê lĩnh vực này. Người khiếm thính chưa có cơ hội hòa nhập thực sự với thế giới giải trí như người bình thường, vì vậy, yếu tố “hòa nhập” ở đây chỉ đúng ở một góc độ nào đó.
Hy vọng, khi chưa có được hệ thống chiếu phim dành riêng thì những thước phim sử dụng ngôn ngữ ký hiệu sẽ có sức lan tỏa mạnh hơn nữa trong cộng đồng người khiếm thính cũng như những ai quan tâm đến mảng nghệ thuật mang đầy tính nhân văn này.
Lâm Anh