Bà Henrietta Fore, Giám đốc điều hành UNICEF cho biết, việc thử nghiệm, sản xuất, vận chuyển và bắt đầu triển khai tiêm những loại vắc-xin này một cách an toàn trong một thời gian kỷ lục. Điều này thật sự đáng kinh ngạc. Nhưng cuộc chiến vẫn chưa kết thúc. Các biến thể đã xuất hiện trên toàn thế giới, và với mỗi biến thể lại nảy sinh nguy cơ đẩy lùi sự tiến bộ trên toàn cầu.
Với tốc độ hiện tại thì nguồn cung vắc-xin không đủ để đáp ứng nhu cầu. Và nguồn cung thì lại tập trung trong tay một số ít quốc gia. Một số quốc gia đã có đủ vắc-xin để tiêm cho toàn bộ dân số của mình nhiều lần, trong khi đó, một số quốc gia khác vẫn chưa nhận được những liều vắc-xin đầu tiên. Điều này đe dọa tất cả chúng ta: Virus và các biến thể sẽ giành chiến thắng.
Bà Henrietta Fore nhấn mạnh, để đi trước virus và tạo ra sự thay đổi nhanh chóng, chúng ta phải xây dựng chiến lược tập trung tiêm phòng cho nhân viên tuyến đầu và hướng tới một chiến lược đảm bảo tiếp cận công bằng cho tất cả mọi người. Chúng tôi kêu gọi các chính phủ, doanh nghiệp và đối tác thực hiện ba hành động khẩn cấp sau đây:
Thứ nhất, đơn giản hóa quyền sở hữu trí tuệ thông qua việc cấp phép tự nguyện và chủ động của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ. Nhưng chỉ có thế thôi thì chưa đủ để tăng năng xuất. Không giống như sản xuất thuốc, sản xuất vắc-xin là một quy trình phức tạp với nhiều thành phần và công đoạn. Chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ cần cung cấp các quan hệ đối tác công nghệ cùng với giấy phép sở hữu trí tuệ, chủ động chia sẻ bí quyết và các hợp đồng với các nhà sản xuất, không hạn chế về địa lý hoặc khối lượng sản xuất. Thách thức này không yêu cầu phải từ bỏ sở hữu trí tuệ mà cần có sự hợp tác và chủ động. Các quan hệ đối tác sản xuất gần đây của Pfizer-BioNtech; AZ-SII, J&J- Merck và J&J-Aspen là những ví dụ đáng khích lệ. UNICEF kêu gọi các bên liên quan thực hiện tương tự để tăng quy mô và sự đa dạng về địa lý của sản xuất. Chỉ có thị trường thôi thì không thể đảm bảo lợi ích của đổi mới đối với tất cả mọi người. Việc cấp phép tự nguyện, lập quỹ chung và các cơ chế đa phương như COVAX là một cách hiệu quả và thực tế để các nhà phát triển và sản xuất vắc-xin hợp tác, đổi mới và khuyến khích tiếp cận công bằng.
Thứ hai, chúng ta cần chấm dứt chủ nghĩa dân tộc đối với vắc-xin. Các chính phủ nên loại bỏ các biện pháp kiểm soát xuất nhập khẩu trực tiếp và gián tiếp dẫn tới ngăn chặn, hạn chế hoặc làm chậm xuất khẩu vắc-xin COVID-19, nguyên liệu và vật tư. Virus không giới hạn bởi biên giới. Chiến thắng COVID-19 ở mỗi quốc gia quê hương của chúng ta cũng có nghĩa là đánh bại virus trên toàn thế giới bằng cách đảm bảo cung ứng vắc-xin và vật tư ổn định cho tất cả mọi người.
Cuối cùng, các chính phủ đã ký được hợp đồng cho những 'liều vắc-xin trong tương lai' nhiều hơn mức cần thiết để tiêm cho toàn bộ dân số trưởng thành của nước mình trong năm nay, nên ngay lập tức cho vay, chuyển hoặc tặng các liều thừa của năm 2021 cho COVAX, để vắc-xin này được phân bổ công bằng cho các quốc gia khác.
Ngoài ra, các quốc gia hiện đang có nguồn cung cấp và sản xuất đủ vắc-xin nên xem xét quyên góp ít nhất 5% số vắc-xin đã sản xuất hiện có và cam kết tiếp tục đóng góp trong suốt cả năm, nâng mức đóng góp phù hợp với nguồn cung tăng. Cam kết chia sẻ vắc-xin hiện tại sẽ giúp tăng cường khả năng dự đoán, đẩy nhanh khả năng tiếp cận công bằng và giúp ổn định thị trường vắc-xin toàn cầu.
Đại dịch COVID-19 đã chứng tỏ với tất cả chúng ta rằng không ai an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn. Việc tiếp cận công bằng với vắc-xin COVID-19 nằm trong tầm tay của chúng ta. Chúng ta đã chứng minh rằng thế giới có thể cùng nhau hợp tác để thực hiện những điều chưa từng có, và chúng ta cần phải tiếp tục thực hiện điều đó một lần nữa. Chúng ta thực hiện càng sớm thì cuộc sống của chúng ta, và cuộc sống của con cháu chúng ta càng sớm trở lại bình thường.
>> Xem thêm:
Các phản ứng phụ có thể xảy ra khi tiêm vắc-xin COVID-19
Vắc xin COVID-19, “lá chắn” cần thời gian kích hoạt
UNICEF dẫn đầu trong việc thu mua và cung ứng vắc-xin COVID-19