Ứng xử với bệnh nhân… “khó tính”

TS.BS. Võ Xuân Sơn

TS.BS. Võ Xuân Sơn

01-12-2015 09:00 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Đây không phải là câu chuyện về bộ phim nổi tiếng, mà là một câu chuyện có thật về một bệnh nhân người Anh.

Đây không phải là câu chuyện về bộ phim nổi tiếng, mà là một câu chuyện có thật về một bệnh nhân người Anh.

Chiều hôm qua, một bệnh viện tư nhân lớn gọi cho tôi, yêu cầu chuyển một bệnh nhân người nước ngoài bị chấn thương đầu đến cho tôi khám. Tôi hơi ngạc nhiên vì không hiểu sao họ không mời các bác sĩ hợp tác của họ hoặc tôi qua khám mà lại phải chuyển bệnh nhân đi. Bác sĩ khám chuyển điện thoạI cho tôi nói chuyện trực tiếp với bệnh nhân.

Qua điện thoại, tôi được biết bệnh nhân bị chấn thương sọ não đã 6 tuần, trước đây chụp có xuất huyết não, bây giờ chỉ muốn chụp CTScan sọ não mà thôi, và hỏi tôi có thể chỉ định cho anh ấy chụp không. Anh ấy còn định nói nhiều nhưng tôi xin lỗi vì đang khám bệnh, chỉ có thể trao đổi ngắn và nói với anh ấy rằng nếu anh ấy đến chỗ tôi, với những gì anh ấy kể, tôi sẽ chỉ định cho anh ấy đi chụp CTScan sọ não.

Sáng nay, khi đến phòng khám, tôi thấy một thanh niên da trắng ở sảnh, điều dưỡng phòng khám đang giải thích với anh ấy việc mượn những tấm phim và xét nghiệm của anh ấy đã có để lưu hồ sơ, và sẽ trả lại cho anh ấy khi anh ấy ra về. Anh ta có vẻ ngần ngừ rồi quay qua hỏi, liệu bác sĩ có nói được tiếng Anh không.

Khi anh ấy được đưa vào khám, tôi được thông báo là anh ấy không đồng ý đóng phí khám vì chỉ xin chỉ định chụp CTScan không thôi. Theo qui định của phòng khám, nếu bệnh nhân chỉ làm các dịch vụ cận lâm sàng thì không được thu tiền khám nhưng bệnh nhân vẫn phải gặp bác sĩ để bác sĩ ra chỉ định. Bác sĩ có trách nhiệm tư vấn cho bệnh nhân xem yêu cầu của bệnh nhân có thật sự cần thiết không.

Là thầy thuốc, khi đứng trước người bệnh, càng ít bị các vấn đề ngoài chuyên môn chi phối, bạn càng có nhiều cơ hội nắm bắt các triệu chứng quan trọng của người bệnh. Ảnh minh hoạ.

Là thầy thuốc, khi đứng trước người bệnh, càng ít bị các vấn đề ngoài chuyên môn chi phối, bạn càng có nhiều cơ hội nắm bắt các triệu chứng quan trọng của người bệnh. Ảnh minh hoạ.

Tôi chào và mời anh ta ngồi xuống, anh ấy không ngồi mà nhìn quanh, rồi hỏi xem phim ảnh của anh ta đâu. Tôi trả lời là phim ảnh thư kí đang giữ và đã được scan và lưu trong máy, anh ấy dứt khoát đòi giữ phim với lí do anh ấy cần thấy những vật của mình luôn ở bên cạnh. Sau khi có phim và thư kí phải mang trả lại anh ấy cọng dây thun giữ cho phim được cuộn tròn (thư kí thay cuộn dây thun bằng một túi xách giấy) anh ấy mới ngồi xuống và hỏi xem máy CTScan của chúng tôi loại gì.

Tôi trả lời chúng tôi không có máy CTScan, phải gởi đến cơ sở khác, có xe và nhân viên của chúng tôi đưa đi, anh ấy quay qua hỏi tôi có đủ khả năng xem phim CTScan cho anh ấy không, tôi trả lời tôi là bác sĩ Ngoại Thần kinh. Anh ấy lại hỏi chi tiết về giá chụp CTScan. Chưa hết, anh ấy còn nói tôi sẽ phải chịu trách nhiệm về những gì tôi tư vấn. Thực sự thì đến lúc đó tôi không còn giữ được kiên nhẫn, đành viết một giấy chỉ định chụp CTScan, định bụng là sau khi chụp xong trở về, nếu anh ấy đòi tư vấn sẽ bắt buộc đóng phí, với mục đích từ chối khám bệnh.

Anh ta chưa chịu đi chụp CTScan ngay mà đuổi hết nhân viên ra khỏi phòng, rồi thì thầm nói nhỏ với tôi, rằng sau chấn thương vài tuần, một bên mắt của anh ấy bắt đầu mờ đi và nhìn rất khó, và anh ấy chưa nói cho ai biết việc này. Sau khi khám xong, tôi mở xem những tấm hình CTScan chụp từ trước của anh ấy. Anh ta là người Anh, bị chấn thương do đi xe máy lên núi ở Sapa, hình chụp ngày đầu chấn thương ở Lào cai có vài đốm xuất huyết não, hình chụp sau 6 ngày ở Hà nội là một ổ xuất huyết đang hấp thu.

Rất có thể những cư xử “khó chịu” của anh ấy là dấu hiệu của một dạng rối loạn tâm thần, và không loại trừ khả năng anh ấy đang có một ổ máu tụ mãn tính trong đầu. Sự khó chịu của tôi với anh ấy, nhất là cái cảm giác bị anh ta coi thường khi nhất định đòi giữ phim ảnh, biến mất. Tôi không có cơ hội kiểm chứng giả thiết của mình, trong tất cả các bệnh viện tôi đang hợp tác, chỉ có một bệnh viện được phép mổ chấn thương sọ não, và đó chính là bệnh viện đã chuyển anh ấy đến cho tôi. Tôi đành chuyển anh ấy tới bệnh viện Chợ Rẫy, dặn dò anh ấy không được giấu bác sĩ chuyện con mắt của mình, và khuyên anh ấy không nên lái xe.

thầy thuốc, khi đứng trước người bệnh, càng ít bị các vấn đề ngoài chuyên môn chi phối, bạn càng có nhiều cơ hội nắm bắt các triệu chứng quan trọng của người bệnh. Đôi khi, người bệnh có những hành vi có thể làm cho bạn cảm thấy bị tổn thương, tuy nhiên, nếu nhìn nhận rằng đó là do tình trạng bệnh lí gây ra, bạn sẽ thật sự thanh thản.


TS.BS. Võ Xuân Sơn
Ý kiến của bạn