Microsoft cho biết khảo sát này nhằm tìm hiểu nhận thức của thanh thiếu niên và người trưởng thành trên 25 quốc gia về cuộc sống trên mạng và những trải nghiệm của các đối tượng này đối với 21 rủi ro do các hành xử không đúng mực gây ra.
Cũng theo khảo sát này, top 5 chủ đề người Việt Nam thường có những hành xử không đúng mực bao gồm các mối quan hệ tình cảm (48%), giới tính (48%), ngoại hình (35%), chủng tộc (23%)... Một điều đáng lưu ý là những hành vi này diễn ra khá thường xuyên và gần đây. Cụ thể, 70% người được khảo sát cho biết họ đã gặp phải 1 trong 21 hành xử không đúng mực trong 1 tháng gần đây; 97% thừa nhận họ đã bị tổn thương từ những hành xử đó trên không gian mạng và 83% lo lắng rằng họ sẽ gặp phải những hành vi tương tự một lần nữa.
Liệu có phải người Việt vốn hiền lành nhẫn nhịn trong đời thực nên đành phải trút hết các bực dọc lên mạng? Câu trả lời là không. Nhan nhản những bằng chứng sống động đang được mạng lưu giữ cho thấy nào là bảo mẫu bạo hành trẻ, nữ sinh đánh bạn hội đồng, phụ nữ đánh ghen, tài xế taxi loạn đả, cảnh sát giao thông cũng bị hành hung...
Mạng chỉ phản ánh và rồi lại tác động vào thực tế. Tấn công qua mạng gây ra không ít những vụ tự tử ở người trẻ những năm gần đây. Hành vi này được xem là nguy hiểm hơn cả bắt nạt ngoài đời vì chúng diễn ra 24/24h và bằng chứng có thể được lưu giữ mãi mãi trong không gian ảo.
Có rất nhiều từ tục tĩu mà nhiều người sẵn sàng văng tục trên không gian mạng, nhưng lại được coi là thái độ vô tư, hài hước. Bình luận thô tục chỉ là một trong những biểu hiện kém văn minh của người Việt trên internet. Và ngôn từ thô tục, dữ dằn là hình thức thể hiện của những vấn nạn nghiêm trọng hơn: kỳ thị phụ nữ, tấn công cá nhân, phân biệt đối xử, gây tổn hại uy tín... Đây là biểu hiện dễ nhìn thấy nhất, mang tính bề mặt. Các hành vi kém văn minh khác thuộc dạng “kín” như: liên lạc ngoài ý muốn (49%), tin lừa đảo (39%), tin nhắn gợi dục ngoài ý muốn (41%), quấy rối tình dục (30%), gạ gẫm (29%).
Ứng xử trên mạng có xu hướng trở nên tệ hơn trong mấy năm gần đây, tuy nhiên, qua các khảo sát, các tổ chức vẫn muốn kêu gọi và kiên định với mục tiêu làm sạch không gian mạng. Bắt đầu bằng cách cư xử trên mạng theo quy tắc vàng: đồng cảm, trắc ẩn và tử tế. Hai là tôn trọng sự khác biệt. Ba là nghĩ trước khi bình luận về những thứ mình phản đối. Khi có sự bất đồng quan điểm, hãy thận trọng suy nghĩ, tránh các công kích cá nhân. Suy nghĩ trước khi trả lời những bất đồng, tránh đăng tải/gửi những gì có ảnh hưởng tiêu cực đến người khác. Cuối cùng là đấu tranh cho người khác và bản thân khi thấy bất cứ ai hoặc chính mình trở thành đối tượng của tấn công mạng hoặc những hành vi ứng xử thiếu văn minh và chưa chuẩn mực.
Thập niên 2020 đang chờ đợi sự tiến bộ của nhân loại trên internet. Thế hệ con và cháu chúng ta phải trở thành lực lượng chủ chốt tạo nên thay đổi thay vì sống thiếu lập trường, dễ dãi a dua theo những trào lưu mạng mà chính họ không lường trước được hậu quả.
Một số người phản biện rằng chỉ số DCI chỉ thực hiện với 500 người mỗi nước nên chưa thuyết phục. Nhưng việc nằm trong top những nước có ứng xử kém văn minh trên mạng nhất cũng khiến cư dân mạng Việt Nam phải nhìn lại chính mình, nhất là thực trạng này hiển nhiên trước mắt chúng ta rất nhiều năm rồi. Chỉ số trên chỉ là hồi chuông cảnh báo mới nhất mà thôi. Đã đến lúc văn hóa mạng cần phải thay đổi.