Sự cố y khoa là tình huống không mong muốn xảy ra trong quá trình chẩn đoán, chăm sóc và điều trị do các yếu tố khách quan, chủ quan, không thể vội kết luận nguyên nhân. Để giảm thiểu sự cố y khoa và nguy cơ xảy ra sự cố y khoa, nâng cao sự an toàn và hài lòng người bệnh, ngày 24/4/2024, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu chấn chỉnh công tác quản lý chất lượng, an toàn người bệnh và khuyến cáo phòng ngừa sự cố y khoa.
Văn bản nêu rõ, ngay sau khi nhận được báo cáo sự cố y khoa, thủ trưởng đơn vị cần phân công nhân sự liên hệ, trấn an người bệnh, thân nhân và có phương án giải quyết xử lý phù hợp. Bên cạnh đó chủ động liên hệ hỗ trợ, trấn an nhân viên y tế, người hành nghề có liên quan đến tình huống sự cố, tránh những ghi nhận cảm tính, kết luận vội vàng đổ lỗi cá nhân mà bỏ sót lỗi hệ thống…
Các đơn vị tăng cường tập huấn về bảo đảm an toàn người bệnh, nâng cao trách nhiệm của từng nhân viên y tế; hướng dẫn phổ biến cho người bệnh và người nhà người bệnh hợp tác trong việc nhận diện, báo cáo chính xác sự cố y khoa. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, báo cáo định kỳ việc thực hiện các quy định hướng dẫn về phòng ngừa sự cố y khoa, bảo đảm an toàn người bệnh, phòng chống, hạn chế tối đa nhầm lẫn tại đơn vị…
Nâng cao trách nhiệm của từng nhân viên y tế trong việc nhận diện, báo cáo chính xác sự cố y khoa.
BSCKII Trần Nguyên Giáp - nguyên giảng viên y khoa chia sẻ: "Sự cố y khoa là điều thật sự không ai mong muốn nhưng nó vẫn xảy ra. Khi có sự cố y khoa, thay vì đổ lỗi cho nhân viên y tế, mọi người cần tìm hiểu rõ sự việc hoặc nguyên nhân để có cái nhìn khách quan hơn, nhân văn hơn. Cốt lõi là các nhân viên y tế cần tìm ra nguyên nhân để rút kinh nghiệm, học hỏi thêm kiến thức lâm sàng để khi sự cố xảy ra thì sẽ xử lý tình huống một cách tốt nhất có thể".
Khi sự cố không mong muốn xảy ra, cả người bệnh và nhân viên y tế đều là những người chịu tổn thương. Người bệnh phải gánh chịu những hậu quả khó lường, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng, gây ra nỗi đau cho người nhà bệnh nhân. Đối với nhân viên y tế phải đền bù, chịu trách nhiệm, chịu khiển trách và trên hết tất cả đều cảm thấy day dứt lương tâm mặc dù trong nhiều trường hợp, sự cố xảy ra là do nhiều yếu tố khách quan…
Do đó, điều đầu tiên cần làm là bình tĩnh, xử lý kịp thời cho bệnh nhân, trấn an người nhà của họ, đảm bảo đầy đủ sự an toàn cho bệnh nhân và sự yên tâm của gia đình. Sau đó, không thể vội vàng kết luận nguyên nhân mà cần Hội đồng chuyên môn tìm hiểu, đánh giá một cách cụ thể và khách quan, không nên vội quy chụp, đổ lỗi cho nhân viên y tế.
Khảo sát từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ ra, sự cố y khoa được phân thành 3 nhóm: theo mức độ tổn thương, theo nguyên nhân và theo nhóm sự cố. Sai sót trong sự cố y khoa đến từ lỗi cá nhân chiếm 30%, lỗi do hệ thống đến 70%.
Để hạn chế tối đa tác hại của sự cố, chuyên gia cho rằng cần đơn giản hóa và chuẩn hóa quy trình kỹ thuật chuyên môn. Ngoài ra, cần tìm ra nguyên nhân để giải quyết vấn đề và tránh sai sót xảy ra. Bên cạnh đó, cần phải có hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo vệ cho cả người bệnh và bác sĩ, nhân viên y tế. Phát huy tinh thần tự nguyện với văn hóa báo cáo sự cố y khoa nhằm đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, phòng tránh các lỗi sai, tạo môi trường làm việc an toàn.
Cơ quan truyền thông cần tuyên truyền, định hướng người dân hiểu đúng và rõ hơn về sự cố y khoa, tránh trường hợp chưa thành lập Hội đồng chuyên môn, chưa có kết luận nguyên nhân thì sự cố y khoa đã lên báo khiến người dân hiểu lầm, dẫn đến những sự việc không hay như người nhà bệnh nhân tấn công bác sĩ. Hoặc báo chí đưa bài hoặc dùng từ ngữ không đúng, cố tình gây hiểu lầm đó là sự tắc trách của bác sĩ, nhân viên y tế lúc này sẽ chịu rất nhiều áp lực từ chính bản thân mình và từ xã hội.
Chỉ có cái nhìn khách quan, cùng chia sẻ, đồng cảm với nhân viên y tế và bệnh viện mới giúp họ an tâm hành nghề và nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân tốt nhất có thể.