Ts. tâm lý Vũ Thu Hương vừa có bài viết chia sẻ trên mạng về các cách ứng xử của các bậc cha mẹ về việc con cái quấy khóc. Theo tiến sĩ Hương, cần phải có cách thức dạy dỗ các con trẻ rằng việc quấy khóc là một hành vi không tốt và cần phải sửa đổi. Báo Sức khoẻ & Đời sống xin được trích đăng bài viết của TS Vũ Thu Hương:
"Tại nơi tớ ở, một khu chung cư nhỏ, có vài gia đình trẻ với các em bé nhỏ xíu. Sáng sáng, cứ đến tầm 7h30, lại có 1 em bé ngồi đó khóc hờn. Tiếng khóc của con rõ ràng là ăn vạ. Chắc chắn cha mẹ cũng nhận thức rõ điều đó nên chỉ lát sau, kèm theo tiếng khóc của con là tiếng la hét của người mẹ.
Câu chuyện này diễn ra nhiều đến mức, nhà tớ, cứ khi nghe thấy tiếng khóc của cậu bé là lại bảo nhau: 7h30 rồi đấy. Xuống nhà tìm hiểu, tớ được biết, bà mẹ này đánh con rất nhiều nhưng cu cậu vẫn khóc. Dù tớ đã gặp mẹ trực tiếp khuyên là mặc kệ con khi con khóc nhưng mẹ vẫn không nghe, cứ khi con khóc là quát mắng rồi đánh.
Tớ quan sát và phát hiện ra một thói quen kì lạ của các mẹ. Khi các con còn rất nhỏ, tiếng khóc của con có giá trị cảnh báo các bố mẹ. Nhưng các bố mẹ lại quá lo lắng. Mỗi khi con khóc, thay vì bình tĩnh kiểm tra xem con đang cảnh báo việc gì, bố mẹ lại cuống lên. Đôi khi chỉ là đói hoặc bỉm bẩn, các mẹ và các bà lại vừa vội vàng bế con, vừa miệng nói liên tục: mẹ đây, bà đây. Con bắt tín hiệu đó rất nhanh và giải nghĩa rằng: người lớn rất sợ mình khóc.
Do vậy, sau này lớn hơn một chút, các bé sẽ sử dụng tiếng khóc để điều khiển bố mẹ. Vì thế, con nảy sinh ra tính ăn vạ để đòi hỏi thứ mà mình muốn. Bài này, tớ sẽ liệt kê vài tín hiệu của trẻ giải nghĩa cho việc khóc. Các cha mẹ xem xét và giải quyết theo các tiêu chí đó nhé.
1. Đói. Trẻ chưa biết nói thì đương nhiên sẽ phải đánh tín hiệu bằng tiếng khóc. Khi con đói, cho con ăn là con sẽ cảm thấy ổn và hết khóc ngay. Tuy vậy, con còn nhỏ nên không hiểu được lời bố mẹ nói. Vì thế, trong lúc đang chuẩn bị cho con ăn, mẹ dỗ dành con cũng không hiểu. Chính vì lý do đó, các cha mẹ đừng có mất thời gian và công sức cho việc dỗ dành. Hãy dành thời gian đó cho việc chuẩn bị bữa ăn của con thì con sẽ nhanh chóng được ăn hơn và nhanh hết khóc hơn. Nếu chưa được ăn thì mẹ dỗ kiểu gì nó cũng vẫn khóc cơ mà. Tóm lại, theo tớ, khi con đói, cha mẹ cứ yên lặng chuẩn bị bữa ăn cho con rồi cho con ăn thì hơn là vừa chuẩn bị vừa dỗ dành.Sau này con ko đói cũng cố khóc để gây sự với cha mẹ.
2. Con bị bẩn. Thông thường khi các em bé cảm thấy khó chịu thì cũng khóc. Việc này cũng như việc ăn uống. Các cha mẹ chỉ cần dọn dẹp cái bẩn đó đi là con ngưng khóc. Con cũng không hiểu tiếng: mẹ đây, mẹ đây… nên tốt nhất cứ bình tĩnh xử lý chỗ bẩn thỉu là xong.
3. Con đau ốm. Trong trường hợp con ốm, các biểu hiện khác ngoài khóc khá rõ ràng. Con có thể sốt, có thể mẩn đỏ, cũng có thể ưỡn người lên đạp đạp. Trong trường hợp con ốm, các mẹ bình tĩnh tìm nguyên nhân, đưa con đi khám và chăm con thì sẽ tốt hơn là việc hoảng hốt khi nghe tiếng khóc của con. Thấy mẹ là người chăm mình mà còn hoảng hốt thì các bé sẽ thấy bất an hơn nhiều mà khóc to hơn ấy.
4. Con hoảng sợ. Việc này xảy ra khi cha mẹ đột ngột thay đổi môi trường của con như: cho con đi máy bay, đi tàu, đi xe…. hoặc có 1 người lạ nào đó xông vào đòi bế con. Cảm giác mới lạ khi đó sẽ làm con cảm thấy không an toàn và sợ hãi, hoảng hốt. Cách xử lý lúc này là cần ôm chặt con vào lòng và nhẹ nhàng hát ru. Khi được bình an trong vòng tay mẹ, các em bé sẽ không còn sợ hãi mà khóc thét lên nữa. Việc này có lẽ các bà mẹ cần ghi nhớ lắm ấy. Tớ đã nhiều lần đi tàu xe mà thấy cảnh các em bé khóc lóc, bị bố mẹ đe dọa, thậm chí đánh mắng rồi. Nghĩ thương ghê, nó đã sợ quá mà khóc rồi còn bị đe dọa và đánh nữa thì làm sao nó không hét váng lên chứ. Các bà mẹ trẻ lưu ý giúp tớ vụ này nhé.
5. Con đòi hỏi. Cái này không khó lắm để nhận ra nhé. Khi các em bé chưa biết nói, nó tìm cách lấy 1 thứ đồ gì đó mà mẹ không cho thì sẽ khóc để đòi. Lúc này, các cha mẹ có 1 cách rất hay để giải quyết là đánh trống lảng cho con để ý sang thứ khác. Trí nhớ của con còn kém, con sẽ nhanh chóng quên thứ mà mình đòi hỏi. Dĩ nhiên, thứ khác đó phải hấp dẫn một chút chứ không phải là thứ mà con đã chơi chán chê rồi. Để tránh cho con hay đòi những thứ bị cấm, các cha mẹ nên bày hoạt động cho con liên tục. Con có nhiều trò chơi thì chắc chắn sẽ không cần phải tò mò tìm kiếm thứ để chơi. Tớ thấy các bạn NN khi đưa con đi đâu cũng mang theo đồ chơi cho con nhưng các mẹ Việt thì lại không nhớ việc đó. Đến khi con thấy nhàm chán quá đương nhiên con sẽ tìm thứ để khám phá và các mẹ sẽ nghĩ đó là con nghịch hay phá phách. Điều đó là oan uổng cho con lắm đấy.
6. Cha mẹ làm gì đó con không hài lòng. Hì, nhiều cha mẹ bắt con ăn thứ con ghét hoặc con đang chơi món con thích (nhưng có thể không tốt hoặc nguy hiểm), cha mẹ giật phắt món đó. Chắc chắn con sẽ phản ứng bằng tiếng khóc. Cũng bài đánh trống lảng là giải quyết được vụ việc này thôi.
Nói tóm lại, bọn trẻ chưa biết nói sẽ sử dụng tiếng khóc của mình để đánh tín hiệu. Nếu các cha mẹ mất bình tĩnh, hoảng hốt trước tiếng khóc, nựng nịu, dỗ dành quá nhiều, đến khi con đủ lớn để biết sử dụng tiếng khóc điều khiển cha mẹ thì con sẽ bắt đầu ăn vạ. Đến lúc đó, các cha mẹ sẽ hết dần kiên nhẫn và oánh con đấy nhé. Hơn nữa, nếu chúng ta hay dỗ quá, con hay ăn vạ thì tín hiệu về các vấn đề của con sẽ bị nhiễu.
Nhiều khi chúng ta cũng chẳng biết chúng khóc lóc là vì sao và không thể giải quyết vấn đề giúp con được. Yêu con thì ai cũng yêu, nhưng ôm ấp nựng nịu phải có giờ, các cha mẹ đừng bạ đâu cũng ôm và dỗ dành. Sau này con ăn vạ, khóc lóc rồi gây sự gì đó thì đừng trách là tớ ko báo trước nhé".