Sáng ngày 6/7, tại Bệnh viện TWQĐ 108 đã tổ chức Chương trình giáo dục chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ tâm lý với người bệnh và những người quan tâm đến ung thư vú (UTV).
Tại chương trình này, có sự tham gia của các bác sĩ ở nhiều chuyên ngành khác nhau, giải đáp các câu hỏi mà rất nhiều người thắc mắc, cũng như cung cấp thêm thông tin để khách mời có thêm các kiến thức về bệnh, hướng dẫn cách tự phát hiện sớm bệnh… Từ đó nâng cao hiệu quả điều trị cũng cách chăm sóc và nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.
Đặc biệt trong chương trình có sự xuất hiện của “nhân vật truyền cảm hứng” Bùi Thu Thủy (Thủy Bốp) - cô gái mang trong mình căn bệnh UTV, nhưng với nghị lực, quyết tâm sống đã mang đến sức mạnh cho hàng triệu người mắc bệnh UT khắp cả nước.
UTV hiện nay đang có xu hướng gia tăng trong những thập niên gần đây. Bệnh là một trong 5 loại UT gây tử vong đứng hàng đầu ở phụ nữ. Ở Việt Nam, cứ 100.000 người sẽ có khoảng 18 người bị UTV, gặp 99% ở phụ nữ. Trước đây, UTV thường gặp ở phụ nữ từ 60-80 tuổi, nhưng gần đây, bệnh ngày càng trẻ hóa và gặp nhiều hơn ở phụ nữ từ 45 tuổi trở lên.
Chương trình giáo dục chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ tâm lý với người bệnh và những người quan tâm đến ung thư vú.
Trong chương trình tọa đàm, TS. Bùi Việt Long - Phó Chủ nhiệm khoa ung bướu, BV 108 cho biết, tất cả phụ nữ cần trang bị kiến thức cho mình về phương pháp tự khám vú để phát hiện khối u sớm, giúp điều trị khỏi bệnh. Phương pháp này không quá khó, mà chỉ cần đứng trước tấm gương lớn, nơi có đủ ánh sáng. Tự khám hằng tháng (tốt nhất là sau 3-7 ngày sạch kinh nguyệt), bộc lộ toàn bộ vú, đứng trước gương, quan sát phần núm vú, màu sắc da vú, kích thước cũng như hình thái vú có gì thay đổi so với tháng trước không. Tiếp đến là tự sờ vú (có thể đứng hoặc nằm), nếu khám bên vú bên này thì dùng tay bên kia để khám.
Trong lúc khám vú phải thì tay phải đặt căng ra sau gáy, dùng 4 ngón tay của tay trái sờ toàn bộ vú bên kia theo hình trôn ốc, bắt đầu từ núm vú đến hết bầu vú và sang hạch nách (ngược lại với vú trái. Khi có dấu hiệu bất thường từ 2 cách tự khám này, cần tới ngay khoa ung bướu để được bác sĩ chuyên khoa khám, cùng với các biện pháp cận lâm sàng sẽ chẩn đoán bệnh sớm.
2 cách tự khám vú này rất quan trọng trong phát hiện UTV sớm và giúp làm tăng đáng kể kết quả điều trị khỏi hẳn bệnh. Khi UTV được phát hiện sớm, thì việc điều trị chỉ cần phẫu thuật mà chưa cần dùng đến biện pháp xạ trị và hóa trị.
PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Phương - Viện trưởng Viện ung thư BV 108 khuyên các chị em phụ nữ là đối tượng có nguy cơ cao mắc UTV thì cần tầm soát UT 1-2 lần/năm (trên 30 tuổi cần được tầm soát). Những yếu tố nguy cơ đó là:
Những yếu tố nguy cơ không thay đổi được: Tuổi càng cao, nguy cơ mắc bệnh càng lớn. Tiền sử trong gia đình có người bị UTV (mẹ, chị em ruột). Đã điều trị tịa xạ vùng thành ngực. Có kinh nguyệt sớm (trước 12 tuổi). Mãn kinh muộn (sau 52 tuổi). Không sinh con hoặc sinh con muộn (con đầu lòng sau 30 tuổi). Có đột biến gen di truyền BRCA1 và BRCA2.
Những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được: Người dùng thuốc hornome thay thế kéo dài. Sử dụng thuốc tránh thai thường xuyên lâu dài. Thường xuyên uống nhiều rượu. Không cho con bú. Béo phì.
Ngoài việc tầm soát và phát hiện bệnh sớm, thì theo ThS. Nguyễn Thu Hà - Khoa dinh dưỡng BV 108 chia sẻ: chế độ dinh dưỡng hợp lý cùng với lối sống năng động và rèn luyện thể lực thường xuyên sẽ góp phần làm giảm các bệnh mạn tính không lây, trong đó có UT.
Đối với người không may mắc UT, thì lối sống lành mạnh này còn làm chậm quá trình tiến triển bệnh và làm giảm nguy cơ tái phát sau khi điều trị UT. Một chế độ ăn hợp lý là tăng cường thức ăn có nguồn gốc thực vật, hạn chế chất béo, đường, bổ sung vi chất…
Đồng thời, chương trình cũng mong muốn sẽ truyền được nguồn động lực và cảm hứng tích cực tới cộng đồng, trở thành cầu nối, người bạn đồng hành cùng mọi người trong cuộc chiến chống lại căn bệnh hiểm họa của xã hội hiện nay đó là ung thư.