Trong tuyên bố vào tối ngày 22/10 (theo giờ địa phương), quân đội Israel cho biết Safieddine và Ali Hussein Hazima, người đứng đầu cơ quan tình báo của Hezbollah, đã bị hạ sát trong cuộc không kích ngày 4/10.
Hashem Safieddine giữ vị trí đứng đầu hội đồng điều hành của Hezbollah, cơ quan có quyền lực cao nhất về mặt chính trị trong tổ chức. Ông là anh họ cố thủ lĩnh Nasrallah và được xem là người thừa kế tiềm năng, với tầm ảnh hưởng không kém phần quan trọng.
Hashem Safieddine, sinh năm 1964 tại miền nam Lebanon, là một trong những thành viên sáng lập của Hezbollah. Ông từng sống nhiều năm tại Qom, Iran và đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng, bao gồm việc quản lý các hoạt động kinh doanh hợp pháp lẫn bất hợp pháp của tổ chức.
Khác với Nasrallah, người đã sống ẩn dật trong nhiều năm vì lý do an ninh, Safieddine thường xuất hiện công khai tại các sự kiện chính trị và tôn giáo. Trong năm qua, ông đã tham dự nhiều lễ tang và sự kiện mà Nasrallah tránh mặt.
Vận mệnh của ông đã trở nên bất định sau cuộc tấn công hôm 3/10 khi Israel không kích vào một boongke, được cho là nơi ông đang cư trú.
Sau vụ tấn công, Hezbollah không thể liên lạc được với Safieddine, các nỗ lực cứu hộ tại hiện trường cũng bị cản trở. Với cái chết của ông, Phó Tổng thư ký Hezbollah Naim Qassem, trở thành nhân vật cao cấp duy nhất còn lại.
Tuy nhiên, Qassem không có được sự kính trọng và uy tín như Nasrallah trong mắt những người ủng hộ Hezbollah. Do đó, quá trình chọn lựa thủ lĩnh mới được dự đoán sẽ gặp nhiều khó khăn và mất thời gian, như chính Qassem đã phát biểu cách đây hai tuần.
Trong ba tháng qua, Israel đã tiến hành hàng loạt các cuộc không kích, hạ sát gần như toàn bộ ban lãnh đạo quân sự cấp cao của Hezbollah. Cuộc tấn công Safieddine còn khiến 25 thủ lĩnh khác của Hezbollah thiệt mạng. Trước đó, Israel cũng đã ám sát thủ lĩnh Hamas, Yahya Sinwar, tại Dải Gaza.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, trong chuyến thăm Israel ngày 22/10, đã kêu gọi Israel tận dụng cái chết của Sinwar để đàm phán nhằm kết thúc xung đột tại Gaza, đồng thời yêu cầu Israel tăng cường viện trợ nhân đạo cho người dân Palestine.
Dù đối mặt với tổn thất lớn về lãnh đạo, Hezbollah khẳng định tổ chức vẫn duy trì được sức mạnh, cho rằng Israel không đạt được tiến bộ đáng kể nào tại miền nam Lebanon.
Từ cuối tháng 9, các cuộc đụng độ giữa Hezbollah và Israel diễn ra hàng ngày, với các cuộc pháo kích liên tục từ hai phía. Xe tăng Israel đã hiện diện tại nhiều ngôi làng dọc biên giới Israel-Lebanon, nhiều khu vực ở miền nam Lebanon đã bị tàn phá bởi các vụ nổ.
Israel cho biết chiến dịch tấn công trên bộ của họ vào miền nam Lebanon nhằm mục tiêu phá hủy cơ sở hạ tầng của Hezbollah ở khu vực biên giới, nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công xuyên biên giới. Tuy nhiên, mức độ thành công của chiến dịch này vẫn chưa rõ do việc hạn chế tiếp cận thông tin từ khu vực.
Israel gần đây cũng tăng cường các cuộc không kích vào Lebanon, đặc biệt nhắm vào các cơ sở liên quan đến ngân hàng Al-Qard Al-Hassan, tổ chức tài chính bị cáo buộc hỗ trợ Hezbollah. Cuộc không kích đêm 21/10 tại Greater Beirut đã khiến 18 người thiệt mạng, bao gồm 4 trẻ em, và làm 60 người khác bị thương. Bệnh viện Đại học Rafik Hariri, bệnh viện công lớn nhất Lebanon, cũng bị hư hại nặng.
Hezbollah đã đáp trả bằng cách phóng hàng loạt tên lửa vào khu vực Kiryat Shmona ở miền bắc Israel, bắn hạ một máy bay không người lái của Israel, chiều ngày 22/10.
Xung đột giữa Hezbollah và Israel bùng nổ từ ngày 8/10/2023, sau khi Hezbollah bắn tên lửa vào Israel để ủng hộ cuộc tấn công của Hamas diễn ra một ngày trước đó. Căng thẳng càng leo thang khi Israel triển khai chiến dịch "Mũi tên phương Bắc" ngày 23/9.
Hơn 2.500 người đã thiệt mạng và hơn 11.850 người bị thương tại Lebanon trong năm qua do cuộc xung đột.